Văn nghệ sĩ nhắc nhớ kỷ niệm về nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển

Trên trang cá nhân, nhà văn Triệu Xuân, nhà thơ Hồ Thi Ca... kể lại những kỷ niệm về những lần gặp gỡ, trò chuyện cùng nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.

NSND Bạch Tuyết, NSND Kim Cương, ca sĩ Cẩm Vân, MC Minh Đức... chia sẻ trên báo Người Lao Động, Công an TP.HCM những ca khúc họ yêu thích của người nhạc sĩ tài hoa Vũ Đức Sao Biển.

PLOxin lược trích.

Nhà văn Triệu Xuân: "Thương một kiếp tài hoa"

Nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển {tôi thường gọi anh thân mật là: anh Vũ} vừa qua đời lúc 23:35 ngày 6-5-2020, tại nhà riêng, số 22/7, Tân Thới Nhất 18, phường Tân Thới Nhất , quận 12, TP.HCM. Anh ra đi sau 2 năm chống chọi với bệnh ung thư vòm họng, di căn ung thư phổi.

Nhà văn Triệu Xuân và nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Ảnh: FBTX

Chúng tôi gặp anh lần đầu từ những năm 80 thế kỷ XX, nhưng gặp nhau riêng mà trò chuyện lâu nhất là dịp Bộ Văn hóa Thông tin tổ chức hội thảo tại Văn phòng 2 của Bộ ở 178 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM.

Đó là năm 2010, hội thảo về bản Dạ cổ hoài lang mà anh Vũ là người ký âm theo solfège Tây phương. Một soạn giả viết bài vọng cổ phản đối gay gắt khi cho rằng việc ký âm Dạ cổ hoài lang của Vũ Đức Sao Biển qua tân nhạc “làm mất tính dân tộc của bài ca”!

Tôi tán thành, rất đồng cảm với ý kiến của anh Vũ trao đổi lại tại hội thảo. Anh Vũ khẳng định: “Xưa nay, ở Việt Nam, nhiều nhạc sĩ tân nhạc đã ký âm cả ngàn bài dân ca, bài ca cổ cho các nghệ sĩ, ca sĩ biểu diễn, mà không bài nào mất tính dân tộc cả. Trong tình hình sân khấu cải lương và bài ca vọng cổ ít được bạn trẻ quan tâm thưởng thức như hiện tại thì việc cố gắng gìn giữ, bảo tồn và phát triển Dạ cổ hoài lang như tôi đã và đang làm là vô cùng cần thiết”.

Thế rồi, một hôm, tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nhà báo Thúy Nga đưa chồng đi tái khám, gặp tôi ở phòng chờ khám dịch vụ nói: Anh Triệu Xuân ơi, anh Vũ Đức Sao Biển cũng đang chờ ngoài kia kìa!

Tôi tới lượt, khám xong đi ra thì anh Vũ đã lấy thuốc xong, ra về rồi.

Người xưa nói: “Đồng bệnh tương lân”. Từ tháng 2-1019, tôi gặp nhiều người cùng chữa trị bệnh hiểm. Những người bị bệnh ung thư phổi, cùng được BS Nguyễn Tấn Khôi điều trị, gặp nhau là thân thiết! Anh Vương Phú hơn tôi 1 tuổi, cha vợ của cháu Bình, bạn thân con trai tôi, chồng nhà báo Thúy Nga, nhỏ hơn tôi vài năm; và anh Vũ Đức Sao Biển sanh trước tôi 4 năm, cùng được BS Khôi điều trị.

Gặp nhau, chúng tôi hỏi han, chia sẻ, động viên nhau. Riêng anh Vũ, do ung thư vòm họng di căn sang phổi, tắt tiếng từ lâu, không nói được. Anh nói khào khào, tôi nghe không ra, những lúc con trai anh không có ở bên, không “phiên dịch” được, tôi phải lấy giấy cho anh bút đàm!

Ngày 8-1-2020, thứ Tư, chúng tôi chờ ở phòng khám dịch vụ, tôi và anh Vũ chụp mấy tấm ảnh, không ngờ đó là những tấm ảnh cuối cùng, không ngờ đó là lần gặp nhau cuối cùng!

Những thứ Tư sau này, tôi có ý tìm anh nhưng không thấy nữa! Biết là anh đang vào giai đoạn đau đớn nhất… Đau khủng khiếp, rồi bỏ ăn, rồi ra đi. Bệnh ung thư là thế, ai cũng kết thúc như thế!

Sáng nay, khi vợ tôi đang tưới tắm những chậu hoa kiểng ngoài hành lang, tôi đọc báo mạng, hay tin anh Vũ ra đi…

Tôi gọi vợ vào, đau buồn báo tin rồi lặng người đi…

Vợ tôi an ủi: Thôi, anh bình tâm lại… Ảnh ra đi cũng như là được giải thoát khỏi những trận đau đớn…

Cầu cho hương hồn anh siêu thoát miền cực lạc!

Nhà thơ Hồ Thi Ca: "Những điều làm nên một Vũ Đức Sao Biển!"

Sáng nay vừa chạy bộ bờ kè về thì nghe báo tin buồn về anh, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển!

Dạo ấy tôi phụ trách chương trình Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM, hẹn làm một cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.

Tôi gặp và trò chuyện, ghi âm phỏng vấn anh ngay trên chiếc ghế đá giữa cái sân rộng thênh của tòa soạn báo Công an TP.HCM, nơi anh đang công tác.

Thái độ anh từ tốn, khiêm nhường dù anh lớn tuổi hơn tôi nhiều. Vẻ chỉn chu, mô phạm của Vũ Đức Sao Biển khiến tôi chợt nhớ anh xuất thân từ một ông giáo.

Sau đó tôi còn có dịp gặp gỡ anh khá nhiều lần, có lần chỉ cà phê cà pháo bâng quơ chuyện văn nghệ; có lần là thông tin, bài vở; có lần là một chuyến đi đâu đó của anh Huỳnh Bá Thành (Tổng biên tập báo Công an TP.HCM) có anh Vũ Đức Sao Biển tháp tùng mà tôi được mời đi cùng…

Từ hồi còn là học sinh “trung học đệ nhất cấp” ở Sài Gòn, tôi đã thuộc nằm lòng bài ca Thu hát cho người, cũng biết đến tên tuổi nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từ đó.

Hồi đó, thời “bom rơi đạn lạc”, lại tuổi mới lớn mà nghe câu chuyện tình “Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó. Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư. Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió. Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ…”, thú thật, suốt mấy chục năm sau và cho đến tận bây giờ tôi cứ bị ám ảnh mãi câu hát “Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ…”.

“Sáng linh lan” là cái buổi sáng kỳ quái nào thế? Cũng có lần lựa lúc vui chuyện tôi hỏi đột ngột, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nở nụ cười mỉm chi nửa miệng quen thuộc: “Ông hiểu sao tùy ông!”.

Phải nhìn nhận, trong biển cả những bản tình ca của miền Nam trước 30-4-1975 hầu hết là tác phẩm của các cây đa cây đề tình khúc, bản “chân tình ca” Thu hát cho người nổi bật như một bông hoa dân dã không tên giữa bạt ngàn cúc, hồng, thược dược…

Lại nhớ, khoảng năm 1985-1987, khi mà “nhạc vàng” chưa được trình diễn rộng rãi như bây giờ, cả TP.HCM chỉ có duy nhất sân khấu ở 81 Trần Quốc Thảo (Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật TP.HCM) do nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu phụ trách là được “trình diễn thử nghiệm” một số bản “nhạc tiền chiến".

Cùng lúc đó, chúng tôi - nhạc sĩ Võ Đăng Tín và tôi - tổ chức một “quán cà phê nhạc” tại sân vườn của Hội Mỹ thuật TP (218A Pasteur, quận 3) quy tụ nhiều ca sĩ hát tình khúc. Đặc biệt, nam ca sĩ “sáng say chiều xỉn” Nhật Tài cứ đến giờ trình diễn là đòi hát bằng được tình khúc Thu hát cho người của Vũ Đức Sao Biển, tôi không đồng ý vì đây là “bài hát trước 1975”.

Thế nhưng khi đã “làm chủ sân khấu” thì Nhật Tài cứ… Thu hát cho người. Tôi nhìn hàng trăm khán giả đang chết lặng, đang dừng ly cà phê khi đã đưa lên kề môi để “nuốt” từng ca từ “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt. Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa. Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ. Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ…”.

Tôi đã hiểu ra chân lý thật đơn giản: Không thể cấm đoán cái đẹp! Mà Thu hát cho người là một tình khúc mà ca từ đẹp như một giấc mơ, hòa quyện cùng giai điệu rất du dương, giản dị…, đương nhiên nó không thể chờ đợi cho đến khi “được phép”!

Một hôm, bất chợt tôi bị “vỡ mộng” khi biết anh nhạc sĩ trữ tình mà mình hằng ngưỡng mộ kia lại chính là tác giả Đồ Bì thường xuất hiện dưới các bài viết mượn thể loại văn tế xa xưa để châm chích chính trường (trước năm 1975) và thói hư tật xấu.

Đọc những bài văn tế biền ngẫu có cách tân của Đồ Bì, tôi cứ nghĩ tác giả là một ông già khăn đóng áo the, mặt mũi đăm đăm khó tính…

Vỡ lẽ, tôi lại không hiểu được vì đâu một ông giáo, một nhạc sĩ tình ca lại có thể viết văn biền ngẫu, đối từ đối câu đối ý chan chát như sấm sét vậy.

Hai tư duy thể loại trái ngược nhau sao lại có thể “chung sống hòa bình” trong não bộ một con người? Tôi còn được biết dưới bút danh Đồ Bì, Vũ Đức Sao Biển đã xuất bản hàng chục đầu sách trào phúng như: Bản báo cáo biết bay, Vạn tuế đàn ông, Thỏ thẻ cùng hoa hậu, Ba đời ham vui…

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.

Quen biết, giao du với Vũ Đức Sao Biển, tôi còn nhìn thấy ở anh một điểm đặc biệt nữa: Là người Quảng Nam rặt nhưng những bài hát nổi tiếng của anh đều là những bài ca mang âm hưởng miền Tây Nam bộ, vùng đất đã cưu mang anh những năm tháng khốn khó sau năm 1975.

Không nói đến Thu hát cho người vốn đã có chỗ đứng từ trước năm 1975, các nhạc phẩm sau này tô đậm thêm tên tuổi của Vũ Đức Sao Biển đều là sáng tác anh viết ở miền Tây: Đau xót lý chim quyên, Điệu buồn phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Lý vọng phu…

Đâu đó trên Internet tôi còn bắt gặp tâm huyết của Vũ Đức Sao Biển dành cho âm nhạc dân gian miền Tây Nam bộ khi mà ông bỏ công sức để phục dựng lại bài Dạ cổ hoài lang, sau đó ông lại tham gia dịch ca từ Dạ cổ hoài lang ra ba thứ tiếng Anh, Pháp và Quan thoại…

Mỗi lần trò chuyện với anh, nghe giọng Quảng rặt của anh, liên tưởng đến các bài hát của anh mang đậm âm hưởng dân ca Tây Nam bộ, tôi vẫn không ngừng thắc mắc vì sao trái tim miền Trung trong con người nhạc sĩ ấy lại dào dạt tuôn chảy dòng máu sông hồ của người miền Tây nơi cuối đất…

Vĩnh biệt anh Vũ Đức Sao Biển, tôi chỉ muốn những thắc mắc trên sẽ mãi còn đọng lại, vì chính những điều đó đã làm nên một Vũ Đức Sao Biển như anh!

MC Minh Đức: “Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã qua đời đêm qua, thương chú quá.

Mấy tháng trước có lên thăm chú, thấy chú yếu lắm, nhưng nói là sẽ làm show chủ đề Vũ Đức Sao Biển trong chương trình Hãy Nghe Tôi Hát là ông cụ mắt sáng bừng, vui lắm, nói là sẽ cố gắng đến phim trường để xem. Nhưng tới hôm quay hình thì cụ mệt nên nhắn không qua được.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển với biểu tượng Sol Vàng.

Nhạc của chú thì nhiều bài hay mọi người nói rồi. Có một bài trước đây có mỗi Đông Đào hát rất hay, bài Phượng Nhớ Hoàng, mình nghe rất thích và đã cho quay hình trong chương trình Sol Vàng.

Chú cũng nói là bài này chú tâm đắc lắm nhưng chắc khó hát nên sau Đông Đào cũng không thấy ai hát. Lúc đưa bài này cho Henry Ngọc Thạch, đầu tiên nghĩ em ấy người miền Tây, cần một bài thật miền Tây đẹp và sang trọng cho hợp hình ảnh, cũng không nghĩ em ấy sẽ chọn vì bài lạ, nhưng rồi đã nghe và đã chọn và đã hát rất là hay, rất xúc động.

Mình biết chú mệt và không nói chuyện được nên cũng không gọi hỏi, hy vọng là chú thích, ít nhất là sau khi Henry Ngọc Thạch hát bài này đã có mấy bạn khác nhắn xin văn bản để hát. Phượng về trời rồi. Vĩnh biệt và mong chú yên nghỉ”.

NSND Bạch Tuyết: “Tôi yêu quý, kính trọng, tiếc thương vô cùng người nhạc sĩ tài hoa của dân tộc! Những nốt nhạc do ông sắp xếp trong ca khúc luôn mang nét mới, làm sang trọng, ru hồn người nghe dựa trên âm nhạc ngũ cung.

NSND Kim Xuân, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển và NSND Bạch Tuyết. Ảnh: Báo NLĐ

Đồng thời, lời ca giàu chất văn học khiến chúng ta cảm nhận tiếng Việt long lanh hơn, tuyệt vời hơn.

Sáng tác của ông là niềm tự hào của những ai yêu quý âm nhạc mang âm hưởng dân ca và chất ngũ cung với hò, xự, xang, xê, cống".

NSND Kim Cương cho hay năm nào chương trình "Nghệ sĩ tri ân" cũng dành phần quà tặng ông.

NSND Kim Cương và nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển tại Nhà hát TP - nơi tổ chức chương trình "Nghệ sĩ tri ân". Ảnh: Báo NLĐ

Ông đến nhận và cảm ơn rồi nói: "Thôi, năm sau chị đừng biếu tôi nữa, hãy dành cho nghệ sĩ khác nghèo khó hơn. Tôi dù bệnh nhưng vẫn còn sáng tác, viết báo, có tiền nhuận bút để sống, còn hơn nhiều anh em nghệ sĩ khác khổ hơn nhiều". 

Nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình: "Thương tiếc anh - một tài năng!"

Tôi nhớ lần về Trà Vinh và câu ca của anh... Về Trà Vinh hôm nay vẫn còn vẳng nghe đâu đây một “điệu buồn phương Nam”: Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi /Thương những đời như lục bình trôi (Vũ Đức Sao Biển).

Nhưng với tôi, tôi nghĩ trên con đường đi tới của mình, người Trà Vinh với những “hành trang” thật riêng là tinh thần mở luồng “mở lối”, là ý chí ngoan cường “còn cái lai quần cũng đánh” và là sự cần cù, nhất định Trà Vinh sẽ sớm phồn vinh.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển thời còn trẻ. Ảnh tư liệu

Ca sĩ Cẩm Vân: "Điểm lại những ca khúc viết về tình yêu, sẽ thấy bài Thu hát cho người không kêu gào thảm thiết, bi lụy mà ở góc nhìn mới, ca khúc rất lãng mạn. Ông là người tài hoa, có tâm lành và luôn sống tốt với mọi người". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm