Bắt chước phim cung đấu, giải trí Việt nhận trái đắng

Cuối năm 2018, báo chí, truyền thông Trung Quốc (TQ) bắt đầu rộ lên dư luận phê phán dòng phim cung đấu ăn khách mà các nhà làm phim TQ đang đua nhau sản xuất.

Cuối tháng 1-2019, Tổng cục Điện ảnh TQ ra lệnh cấm chiếu phim cung đấu trên các kênh truyền hình trong nước. Tiếp sau đó là hàng loạt lệnh cấm liên tiếp được ban hành. Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều nhà sản xuất phim, MV vẫn cứ mải miết chạy theo, sao chép dòng phim này một cách vô tội vạ.

TQ nghiêm cấm dù đang lừng lẫy

Sau các lệnh cấm chiếu phim cung đấu trên các kênh truyền hình, trên các web drama hay kênh YouTube, hàng loạt phim cung đấu nổi tiếng đã phát hành trước đó như Diên Hy công lược, Hậu cung Như Ý truyện, Hậu cung Chân Hoàn truyện… đều biến mất trên các kênh Internet giải trí tại TQ.

Đáng nói là dòng phim cung đấu và tiên hiệp, xuyên không, huyền huyễn của TQ từ hơn 10 năm qua đã khuấy đảo khán giả không chỉ ở TQ mà gây sốt khắp châu Á với nhiều bộ phim đình đám. Giá trị kinh tế, sức ảnh hưởng của các bộ phim này và các ngôi sao Hoa ngữ tham gia chúng ngày càng lớn mạnh trong và ngoài Trung Hoa đại lục đẩy điện ảnh TQ đi lên. Dẫu vậy, chính quyền TQ vẫn ra lệnh cấm với các lý do: Phim cung đấu bóp méo lịch sử về các ông vua, hoàng hậu, phi tần TQ. Phim miêu tả những thủ đoạn đấu đá, hại người để tồn tại trong cung cấm khiến người xem đánh mất tính chân thật, hiền lành. Phim xây dựng lối sống xa hoa trong hoàng cung khiến người dân học theo, không còn đức tiết kiệm. Người xem bị ảnh hưởng lối xưng hô hoàng thượng, nô tài, chủ nhân… trong phim khi nói chuyện ngoài đời. Trong khi đó, phim tiên hiệp, xuyên không, huyền huyễn thì xây dựng thế giới thần tiên và những mối tình bi lụy thái quá khiến người xem dễ bị sống ảo tưởng, xa rời thực tế.

Phim Bí mật Trường Sanh cung bị chỉ trích sao chép toàn diện nhiều bộ phim cung đấu nổi tiếng của TQ từ nội dung, trang phục đến hóa trang. Ảnh: Tư liệu

Những bản sao Việt méo mó

Trong khi đó, nền giải trí Việt không hề gạn đục khơi trong mà đang sao chép phim cung đấu, tiên hiệp, xuyên không, huyền huyễn TQ ở những chỗ đáng chê trách nhất.

Từ nửa cuối năm 2018 đến nay, giải trí Việt bắt đầu tung ra hàng loạt phim cung đấu và MV cổ trang chạy theo làn sóng phim cung đấu và tiên hiệp TQ. Có thể kể các phim cung đấu Việt như Nam phi liên hoàn kế, Kỳ án cung Diên Thọ, Bổn cung giá lâm, Hoàng hậu họ Huỳnh, Bí mật Trường Sanh cung, 3D Cung tâm kế... MV cổ trang như Lạc trôi, Sống xa anh chẳng dễ dàng, Lạc giữa nhân gian, Họa tình, Chờ người… Tuy nhiên, nếu giá trị nhất ở thể loại phim cung đấu, tiên hiệp TQ nằm ở kịch bản chặt chẽ, lôi cuốn; kỹ xảo biến hóa độc đáo, hấp dẫn; đầu tư bối cảnh, phục trang, hóa trang công phu, đẹp đẽ, bắt mắt; diễn viên diễn tốt, hợp vai thì các phim cung đấu, MV kiếm hiệp của Việt Nam lại chẳng học được mấy phần những giá trị tốt đẹp này.

Chẳng hạn như Nam phi liên hoàn kế, Hoàng hậu họ Huỳnh, 3D Cung tâm kế kịch bản chắp vá, ngôn từ, diễn xuất tùy tiện như tấu hài. Hay một câu thơ trong Nam phi liên hoàn kế của vua và các phi tần làm như giỡn mặt khán giả: “Bữa trưa bỗng có trăng tròn. Bánh bèo thì phải ăn kèm nước tương”. Diễn viên sẵn sàng “cương” những ngôn từ chợ búa, đưa ngôn ngữ giỡn hớt của đời sống hiện đại vào phim cổ trang cung đình. Kỳ án cung Diên Thọ là một dạng game show pha tấu hài, diễn xuất của diễn viên chỉ là trề môi, liếc háy, õng ẹo. Nam phi liên hoàn kế, Kỳ án cung Diên Thọ, Hoàng hậu họ Huỳnh còn không ngại để cho các diễn viên Huỳnh Lập, Hải Triều, Minh Dự, BB Trần, Quang Trung... nam giả cung phi tùy tiện để gây cười. Khán giả liên tục than phiền, chỉ ra các chi tiết giống nhau về nội dung, diễn xuất của phim Bí mật Trường Sanh cung sao chép trắng trợn các phim Diên Hy công lược, Hậu cung Chân Hoàn truyện, Hậu cung Như Ý truyện của TQ. Cảnh trí, bối cảnh trong các phim cung đấu của Việt Nam cũng hời hợt, đại khái. Có một bối cảnh quay hoài, có một bộ trang phục bận hoài. Trang phục trong nhiều phim cũng nửa ta nửa Tàu, không rõ thời điểm, tính Việt, không nhất quán thiết kế.

Nội dung các phim cung đấu Việt cũng chỉ quanh quẩn các tình tiết ganh ghét, hãm hại, trả thù mô phỏng từ các phim cung đấu TQ đang bị dư luận nước này lên án dữ dội. Ngôn ngữ cổ điển trong phim cung đấu Việt cũng sao chép y sì kiểu hoàng thượng, chủ nhân, nô tì, công công... trong phim TQ, không cung cấp cho khán giả chút kiến thức nào về lịch sử, văn hóa Việt. Còn nếu so về kỹ xảo, phục trang, tính thần tiên, kiếm hiệp ở các MV kiếm hiệp của ca sĩ Việt Nam với các phim tiên hiệp TQ thì chỉ có thể nói một câu là bắt chước mà thôi.

Bị khán giả quyết liệt tẩy chay

Với sự đạo nhái, sao chép vụng về phim cung đấu ăn khách của TQ, hiện đang có làn sóng kêu gọi tẩy chay phim Việt Bí mật Trường Sanh cung của khán giả mạng. Gần như tất cả fanpage, group của người hâm mộ dòng phim cung đấu đều kêu gọi thành viên tuyệt đối không bấm vào link YouTube để xem, hay làm bất kỳ động thái nào có thể tăng view cho Bí mật Trường Sanh cung. Hiện các tập đã ra mắt của bộ phim này có lượng người xem lẹt đẹt so với các phim cung đấu Việt khác vì sự sao chép trắng trợn và làm phim thiếu chất lượng.

Khán giả Minh Bảo Trần đưa ra ý kiến thu hút được cả trăm bình luận về Bí mật Trường Sanh cung, được đa số đồng tình: “Là người Việt phải ủng hộ phim Việt, đúng. Nhưng đạo nhái là không thể tha thứ! Ai là fan cung đấu đều sẽ nhận ra những tình tiết kinh điển của Hậu cung Chân Hoàn truyện và Diên Hy công lược đều được tái hiện trong các tập phim này, sửa đổi lại một chút. Nhưng dù cho sửa đổi thì cũng là đạo nhái trắng trợn, đã vậy còn làm mất đi ý nghĩa và sự tinh tế của tình tiết trong nguyên bản. Thiết nghĩ biên kịch cũng nên có tâm một chút”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm