TP.HCM: Những thay đổi chính sách để 'bảo vệ sinh mạng' người dân

TP.HCM: Những thay đổi chính sách để 'bảo vệ sinh mạng' người dân

(PLO)- Phát hiện F0 kịp thời, theo dõi sát sao, điều trị tích cực để giảm thiểu F0 tử vong chính là mục tiêu chiến lược mà TP.HCM đang thực hiện bằng nhiều biện pháp.

Tại một cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hồi đầu tháng 7-2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “TP.HCM sẽ hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo đảm sức khoẻ, tính mạng cho nhân dân, sự phát triển lâu dài.”

Thông điệp này tiếp tục được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định tại một cuộc họp diễn ra vào cuối tháng 7-2021 khi Bí thư Nên nói về khoảng thời gian toàn địa bàn TP áp dụng Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội: “Tất cả công sức, hy sinh những ngày qua chỉ nhằm mục tiêu tối thượng là giữ mạng sống con người, giảm tỉ lệ tử vong, bảo vệ hệ thống y tế không bị suy kiệt.”

Để đảm bảo trọng tâm “bảo vệ tính mạng” cho người dân, có thể nhận thấy TP đã thay đổi chiến lược chống dịch. Những tháng trước, TP triển khai xét nghiệm diện rộng, truy vết, cách ly tập trung nhằm bóc tách các ca F0, F1 ra khỏi cộng đồng. Biến thể Delta lây lan quá nhanh, F0 trong trong cộng đồng tăng vọt, mỗi ngày lên vài ngàn ca (trong đó có hàng trăm người tử vong), hệ thống y tế quá tải.

Trong bối cảnh đó, TP.HCM đang thực hiện nhiều động thái và sáng kiến nhằm chủ động “đánh chặn” từ xa để bảo vệ sinh mạng người dân. Trong đó, có thể kể đến việc thần tốc “phủ xanh” vaccine, duy trì giãn cách xã hội, phân vùng nguy cơ quản lý; xét nghiệm “kiểu mới” để phát hiện F0 sớm để điều trị; đồng thời đầu tư, cải tiến và sáng tạo mô hình chăm sóc F0 để giảm thiểu tử vong.

TP.HCM: Những thay đổi chính sách để 'bảo vệ sinh mạng' người dân ảnh 2

TP.HCM bùng phát dịch trong bối cảnh nguồn vaccine trong nước và trên thế giới đều khan hiếm. Dù được Chính phủ ưu tiên, thậm chí là dồn vaccine vào giai đoạn dịch bùng phát dữ dội, nhưng nguồn cung vaccine là thách thức lớn.

Nhiều nước Phương Tây có nguồn cung dồi dào phải tập trung cho đất nước của họ; thậm chí các nước có độ phủ vaccine cao cũng phải tính tới phương án tiêm liều thứ 3 trong bối cảnh ngoài biến chủng Delta, còn có Lambda, Gamma… được cho là có khả năng kháng vaccine, tức là người tiêm đủ liều vẫn nhiễm và lây lan nhanh.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên hôm 13-8 khẳng định: “Chúng ta không có nhiều sự lựa chọn trong lúc này. Khi tìm mua vaccine, chúng ta đã tiếp cận rất nhiều nguồn nhưng nguồn cung cực kỳ hạn chế. Tôi khẳng định không phải mình có quyền chọn lựa mà mình không mua. Theo WHO, vaccine tốt là vaccine có trước.”

Cái “tốt” ở đây không chỉ nằm ở chỗ vaccine giúp giảm nguy cơ lây nhiễm (dù người được tiêm vẫn có khả năng bị nhiễm); mà quan trọng nhất chính là vaccine – với các dẫn chứng khoa học ngày càng rõ ràng – có thể bảo vệ người dân khỏi mắc bệnh nặng và tử vong. Điều này đúng cho tất cả các loại vaccine đã được TP sử dụng, bao gồm Pfizer, Astrazeneca, Moderna và Sinopharm, ước tính trên dưới 5 triệu liều.

Việc tái bùng dịch tại nhiều nước trên thế giới, gồm các quốc gia đã phủ rộng vaccine, cho thấy giãn cách xã hội vẫn cần được cân nhắc. Khi vaccine khan hiếm, độ phủ chưa cao, việc nóng vội nới lỏng giãn cách ở TP.HCM có thể khiến những hi sinh trong nhiều tuần qua trở nên vô ích. TP vì thế áp dụng biện pháp vòng ngoài thứ hai - tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, nhà cách ly với nhà, nhất là tại các khu phong tỏa.

“Nếu thực hiện nghiêm vấn đề này thì dịch bệnh mới sớm được kiểm soát… Từ 15-8 đến 15-9 được chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn xác định nhiệm vụ cụ thể, quyết tâm đến 15-9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh” - Ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định.

TP.HCM: Những thay đổi chính sách để 'bảo vệ sinh mạng' người dân ảnh 5

Biện pháp vòng ngoài thứ ba của TP tiếp cận việc xác định các “vùng nguy cơ” để “bắt đúng mạch, chữa đúng bệnh”. Chính sách chống dịch không thể được xây dựng trên nền tảng phân chia địa giới hành chính (giữa các tỉnh, thành phố; quận/huyện; phường/xã…). TP phải chia địa bàn thành các đơn vị “vùng nguy cơ” dựa vào các yếu tố dịch tễ và khả năng lây nhiễm, từ đó có đối sách phù hợp.

TP đã tìm cách vẽ “bản đồ chống dịch” với các đơn vị “vùng nguy cơ” tương ứng các đơn vị địa lý cơ sở là tổ dân phố/tổ nhân dân, gọi nôm na là các “vùng xanh” (vùng an toàn), “vùng vàng” (nguy cơ trung bình), “vùng cam” (nguy cơ cao), và “vùng đỏ” (nguy cơ rất cao).

Theo đó, các tổ dân phố, tổ nhân dân khi có từ ba hộ gia đình có ca F0 trở lên được xếp vào nhóm “vùng đỏ”; còn khi không có ca F0 mới trong vòng bảy đến trên 14 thì xếp vào nhóm “cận xanh” hoặc “vùng xanh”. Tổ nào có một hộ gia đình có ca F0, nhưng không có mối giao lưu, tiếp xúc với các hộ gia đình khác trong Tổ thì được xem là “vùng vàng”; trong khi có hai hộ gia đình có ca F0 hoặc có một hộ gia đình có ca F0 nhưng có mối giao lưu, tiếp xúc với các hộ gia đình khác trong Tổ, thì đó là “vùng cam”.

Tuy nhiên, sẽ hiệu quả hơn nếu TP xác định vùng nguy cơ bằng biện pháp kỹ thuật chính xác hơn, với các tính toán khoa học hơn. Điển hình như gợi ý của nhóm nghiên cứu của PGS.TS Lê Trung Chơn (ĐH Bách Khoa TP.HCM) và ThS. Bùi Hồng Sơn (Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin TN&MT, Sở TN&MT TP.HCM), đó là xác định các vùng nguy cơ trên địa bàn TP bằng GIS (hệ thống thông tin địa lý) trên nền tảng Ur-scape… Điều này giúp việc triển khai chính sách (vaccine, giãn cách, điều trị F0,…) dễ dàng và chính xác hơn so với trước đây, thường phân theo đơn vị hành chính.

TP.HCM: Những thay đổi chính sách để 'bảo vệ sinh mạng' người dân ảnh 7
TP.HCM: Những thay đổi chính sách để 'bảo vệ sinh mạng' người dân ảnh 8

Khi có “bản đồ phòng dịch” theo các vùng nguy cơ “xanh, vàng, cam đỏ”, TP thực hiện Kế hoạch Triển khai công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn TP theo kiểu mới (từ 15-8).

Việc xét nghiệm tiếp tục triển khai theo hai hướng: (i) Để người dân tự test nhanh, nếu dương tính thì xét nghiệm tiếp bằng PCR; (ii) TP sẽ chủ động test nhanh gộp mẫu hoặc bằng PCR tại từng hộ gia đình, hoặc mời lần lượt các hộ gia đình lấy mẫu tại một không gian an toàn, đảm bảo không lây nhiễm chéo.

Khác với những lần triển khai xét nghiệm diện rộng toàn TP cho tất cả mọi đối tượng, lần này ngành y tế xác định mục tiêu quan trọng là “giám sát, phát hiện sớm người có triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2, hoặc người có yếu tố nguy cơ như người từ 65 tuổi trở lên, có bệnh nền, người béo phì cộng yếu tố dịch tễ…” Ngoài ra, những người trong nhóm đang được phép hoạt động (y tế, shipper, nhà máy…) cũng được hướng dẫn xây dựng kế hoạch xét nghiệm chủ động, phù hợp và an toàn.

Việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cũng được giao về cho người đứng đầu các đơn vị “vùng nguy cơ” (Tổ trưởng/Tổ phó Tổ dân phố hoặc tương đương). Quy trình lấy mẫu cũng được cân chỉnh dựa trên kinh nghiệm những lần trước, với các quy định chặt chẽ hơn, ví dụ “quy trình thay đồ bảo hộ, thay găng tay hoặc sát khuẩn găng tay khi lấy mẫu…” Điều đó đảm bảo tính trật tự lẫn an toàn khi tổ chức xét nghiệm.

Để đảm bảo hiệu suất công việc, ngoài các phương tiện lưu động như xe labo xét nghiệm lưu động (Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga) được đưa vào sử dụng từ tháng 7,  Bộ Y tế cũng đưa 10 xe xét nghiệm phục vụ TP từ 20-8. Mỗi xe có công suất từ 2.000-3.000 mẫu đơn. Nhân lực xét nghiệm do Bộ Y tế chịu trách nhiệm, hoạt động của các xe xét nghiệm này đặt dưới quyền điều hành của chính quyền TP.

Có thể thấy việc xét nghiệm “kiểu mới” lần này không phải để truy vết, bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng (bằng biện pháp cách ly tập trung mọi F0). Mục tiêu xuyên suốt và tối thượng là phát hiện sớm, theo dõi sát và điều trị kịp thời để bảo vệ sinh mạng cho F0. TP nhắm tới mục tiêu này bằng nhiều giải pháp và sáng kiến y tế.

TP.HCM: Những thay đổi chính sách để 'bảo vệ sinh mạng' người dân ảnh 12

Trước hết, từ giữa tháng 8-2021, ngành y tế TP đã thay đổi tháp năm tầng điều trị thành tháp ba tầng điều trị. Lý do là để “phù hợp với tình hình của bệnh nhân cũng như phổ cập số lượng bệnh nhân COVID-19”.

Theo đó, ngành y tế TP mong muốn “phân chia bệnh nhân từ nhẹ đến nặng để tập trung nhân lực, trang thiết bị, đáp ứng được năng lực điều trị ở từng tầng” như nhận xét của Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng. Sự thay đổi này rõ ràng có ý nghĩa chiến lược khi TP đã cố gắng cơ cấu lại nguồn lực (gồm đội ngũ nhân viên y tế, số giường bệnh, trang thiết bị y tế,…) cho sát với thực tế về số ca F0 trong cộng đồng đang rất lớn.

Như vậy theo mô hình mới, tầng 1 tiếp nhận các trường hợp F0 không triệu chứng, bệnh nền hoặc bệnh nền ổn định; kèm theo gói chăm sóc sức khỏe tại nhà hoặc tại cơ sở cách ly tập trung, kết hợp với các điều kiện đảm bảo an sinh cho F0. Tầng 2 tiếp nhận các F0 cấp cứu và điều trị; có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình đến nặng, có kèm hoặc không kèm bệnh nền vào các bệnh viện dã chiến đã chuyển đổi công năng hoặc các bệnh viện đã tách đôi. Tầng 3 tiếp nhận các trường hợp F0 nặng và nguy kịch để ồi sức chuyên sâu vào các bệnh viện tuyến cuối của TP và các bệnh viện được Bộ Y tế đã tăng cường.

Để thực tiễn hóa tầng 1, Sở Y tế TP hôm 17-8 đã có văn bản cập nhật hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe cho F0. Theo đó, Sở hướng dẫn rõ về gói hoạt động chăm sóc sức khỏe, bao gồm: Lên danh sách các ca F0, hướng dẫn người dân tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà, được các y bác sỹ khám bệnh từ xa, hướng dẫn toa thuốc điều trị, hỗ trợ cấp cứu kịp thời để ngăn ngừa việc chuyển nặng và tử vong…

Ngoài ra, TP cũng đã có văn bản khuyến khích các nhà thuốc cung ứng khẩu trang y tế, các thiết bị y tế sử dụng tại nhà và các loại thuốc sử dụng tại nhà với giá hỗ trợ cho F0 điều trị tại nhà. Một số địa phương, ví dụ Quận Tân Bình, từ nửa đầu tháng 8-2021 đã tổ chức các đội phản ứng nhanh đến gõ cửa từng nhà, trao cho các gia đình có bệnh nhân F0 các “Túi thuốc cùng F0 chiến thắng COVID-19”.

Điều này đúng như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hôm 17-8, “Nếu phát hiện F0 ở nhà nào, tổ chức khoanh luôn ngôi nhà đó, đồng thời phát túi thuốc chăm sóc điều trị tại nhà và túi an sinh dùng trong một tuần cho người bệnh.” Sáng kiến này được đánh giá là “nhất cử lưỡng tiện”, vừa góp phần hỗ trợ sức khỏe để F0 sớm khỏi bệnh, vừa trấn an, động viên tinh thần, giúp họ an tâm điều trị tại nhà.

Đặc biệt, TP cũng sẽ vận hành các “Trạm SpO2 và thở oxy” tại các tổ dân phố, khu phố để hỗ trợ cho người F0 thở oxy trong khi chờ các tổ phản ứng nhanh tới hỗ trợ sơ cấp cứu và chuyển viện kịp thời. Sáng kiến này rất quan trọng, bởi trước đó ngành y tế ghi nhận có những trường hợp bệnh nhân khó thở, chuyển biến nặng nhanh, không có oxy kịp thời trong quá trình chờ chuyển viện nên tử vong tại nhà.

Những gì TP.HCM đã và đang triển khai ở tầng 1 đều hướng về một mục tiêu duy nhất là lấp triệt để những lỗ hổng trong hệ thống chăm sóc F0. Điều này mới đây (18-8) được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận xét rất rõ: “Mở rộng tầng 1 bao nhiêu thì nền móng vững chắc bấy nhiêu. Nếu không mở rộng tầng 1 sẽ gây quá tải và khó khăn cho tầng điều trị 2 và 3.”

Khảo sát cho thấy có những địa phương chủ động triển khai các mô hình chăm sóc, theo dõi và điều trị cho F0 trong cộng đồng theo hướng dẫn “tháp ba tầng” của TP. Trong đó, có thể kể đến mô hình “đánh chặn từ xa” của Quận 7 – chủ động nâng cấp các cơ sở y tế của quận, vốn dành chăm sóc bệnh nhân theo tầng 1 và 2, thành nơi chăm sóc F0 nặng, rất nặng ở tầng 3, bằng cách bổ sung khu hồi sức và thở máy.

Ngoài ra, cần phải điểm danh mô hình “2 đội y tế” của ĐH Y Dược TP.HCM được triển khai tại Quận 10, mở rộng sang Quận 8, đã giúp nhiều F0 thoát chết. Các F0 trong cộng đồng được nhân viên y tế liên hệ, khám bệnh, chăm sóc từ xa theo kiểu “bác sĩ gia đình” (mỗi nhóm sẽ chăm sóc cho 20-30 ca F0 chia theo hộ gia đình). F0 được theo dõi sát và dự báo nguy cơ chuyển nặng hoặc nguy kịch để cấp cứu kịp thời. Mô hình này được lãnh đạo TP đánh giá cao, dự kiến sẽ được triển khai tập huấn, nhân rộng đến các quận, huyện và TP Thủ Đức.

Đọc thêm