Xây cầu làm nghẽn ‘thủy lộ’ của dân

Nhiều hộ dân sống dọc theo kênh Tân Hiệp, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) bức xúc về việc xây dựng cầu Tân Hiệp quá thấp, tàu ghe không thể lưu thông, ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh doanh của hàng trăm hộ dân nơi đây.

Theo người dân sở tại, cầu Tân Hiệp được khởi công cách nay khoảng năm tháng, lúc bắt đầu xây không thấy cắm bảng thiết kế nên người dân cứ tưởng xây cầu có độ cao như những cây cầu khác trong vùng. Đến khi dầm cầu hai bên được gác lên thì người dân mới biết độ cao của cầu rất thấp, gần như ngang bằng mặt lộ. Các hộ dân lo lắng nếu dầm chính được lắp xong thì tàu ghe không lưu thông qua được.

Ông Châu, chủ vựa tràm Yến Châu, cho biết gia đình ông có chiếc ghe 24 tấn để giao tràm cho khách, từ khi xây cầu đến nay ghe không thể qua lại tuyến kênh này, gây khó khăn đến việc kinh doanh. “Tôi không hiểu sao họ lại thiết kế cây cầu như thế, mặt cầu ngang với mặt lộ, cách mặt nước có vài tấc, ngay cả xuồng còn chưa qua được, nói chi là tàu ghe. Đến khi cầu hoàn thành thì người dân chúng tôi biết đi lại làm sao đây” - ông Châu bức xúc nói.

Cầu Tân Hiệp được xây quá thấp. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Theo người dân, tuyến kênh này là tuyến giao thông thủy huyết mạch liên thông với rạch Gòi và kênh xáng Xà No, phương tiện qua lại rất đông, không chỉ phục vụ giao thương mua bán mà còn phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân trong vùng. Trước nguy cơ cầu làm ách tắc giao thông, người dân đồng loạt phản ánh và đề nghị huyện phải nâng cầu lên bằng các cầu khác để phương tiện qua lại.

Ông Võ Quốc Sử, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, cho biết: “Cầu Tân Hiệp là công trình của tỉnh, địa phương chỉ thụ hưởng. Người dân có phản ánh, phía huyện hôm qua đã đi khảo sát, ghi nhận ý kiến và báo cáo lại tỉnh để có hướng giải quyết. Giải pháp trước mắt là tạm dừng việc lắp dầm chính của cầu 10 ngày, đồng thời địa phương cũng đang tiến hành nạo vét kênh Ba Bọng-Thầy Ký để tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông”.

Cũng theo ông Sử, trước khi khởi công xây cầu địa phương có họp dân và dân đồng ý với thiết kế cầu.

Còn theo ông Nguyễn Trung Hậu, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình giao thông tỉnh Hậu Giang, cầu Tân Hiệp được xây để hoàn thành tuyến đường trục trung tâm thị trấn Một Ngàn và tạo mỹ quan đô thị cho thị trấn. “Đây là hệ thống giao thông nội ô nên cầu và đường giao cắt đồng mức cùng cấp. Do cầu được xây dựng là cầu không thông thuyền nên địa phương phải có hướng phân luồng đường thủy nội ô đi đường khác. Việc thi công cầu dựa trên thỏa thuận, quy mô, thiết kế cũ của địa phương. Hiện chúng tôi đã cho ngưng thi công và chờ giải pháp điều tiết giao thông của huyện” - ông Hậu nói.

Cầu Tân Hiệp được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt tháng 10-2016, do Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình giao thông tỉnh Hậu Giang làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 28 tỉ đồng từ ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện từ năm 2017 đến 2019. Việc xây cầu Tân Hiệp nhằm hoàn thành tuyến đường trục trung tâm thị trấn Một Ngàn. Hiện nay cầu đã hoàn thành 50% khối lượng công trình. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm