Việt Nam lập quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia

Chiều 28-8, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo lần 1 về quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Bộ Công Thương, đây là lần đầu tiên Việt Nam lập quy hoạch tổng thể năng lượng (QHTTNL) quốc gia. Đề án gồm có 13 chương, chia làm bốn phần.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, cho biết QHTTNL quốc gia lần này có bối cảnh tương đối khác với những lần lập quy hoạch trước.

Đơn cử như QHTTNL quốc gia chuẩn bị trong quá trình các quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được thực hiện, trong khi đây là những yếu tố cốt tử đảm bảo quy hoạch không bị tác động bởi các chiến lược được lập sau này.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: AH

Cạnh đó, quy hoạch này được lập trên cơ sở bám sát tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11-2-2020. Theo đó yêu cầu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ năng lượng một cách ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý để phát triển kinh tế xã hội.

Quy hoạch ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng kinh tế và dự báo, Viện Năng lượng, cho biết đây là lần đầu tiên QHTTNL được thực hiện nên có những khó khăn về xác định phạm vi, liên kết hạ tầng năng lượng, danh mục dự án quan trọng, cơ chế giải pháp thực hiện quy hoạch.

Trong khi, QHTTNL quốc gia có liên quan tới nhiều quy hoạch đang trong giai đoạn xây dựng nhiệm vụ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch giao thông, quy hoạch không gian đô thị, quy hoạch phát triển công nghiệp... Trên thực tế, khả năng đồng bộ các quy hoạch này là một thách thức lớn.

"Một trong những thách thức khi lập QHTTNL quốc gia là dữ liệu năng lượng quốc gia còn chưa được xây dựng thống nhất và chưa có chuỗi số liệu quá khứ đủ dài, việc này gây khó khăn cho công tác dự báo nhu cầu năng lượng, đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng và liên kết hạ tầng năng lượng"- ông Hùng cho biết.

Hiện QHTTNL quốc gia mới xây dựng được 5 chương, đến tháng 9 sẽ xây dựng thêm chương 6-11, tháng 10 sẽ xây dựng các chương còn lại. Dự kiến vào tháng 11 đề án sẽ được hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Trong 5 chương đầu tiên đã hoàn thành, nội dung chủ yếu phản ánh về hiện trạng năng lượng quốc gia, tình hình thực hiện các phân ngành năng lượng, tình hình dự báo kinh tế xã hội, hiện trạng sử dụng năng lượng và tiềm năng tiết kiệm năng lượng, định hướng phát triển sản xuất các phân ngành năng lượng...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm