Vì sao nhiều bộ giám sát dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam?

“Ngày 30-9, Bộ GTVT sẽ khởi công ba dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam vừa được Quốc hội chuyển từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thông tin tại buổi họp báo triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam, diễn ra sáng 26-9.

Ba dự án nêu trên gồm: Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây. Đây là các dự án thành phần được chuyển đổi với mục tiêu để dùng vốn ngân sách kích thích nền kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng dịch COVID-19.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trả lời các câu hỏi của phóng viên. Ảnh: V.LONG

Để triển khai tốt các dự án cao tốc Bắc – Nam, ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết vừa qua đơn vị gửi văn bản đề nghị Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước phối hợp giám sát nhằm ngăn chặn tiêu cực, phòng chống tham nhũng…

“Đây không phải là lần đầu tiên Bộ GTVT mời các bộ, ngành tham gia. Trước đó, chúng tôi cũng mời các bộ ngành giám sát việc thực hiện dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên”- ông Đông cho hay.

Việc phối hợp trên cũng giúp Bộ GTVT làm tốt hơn trong công tác hoàn tất thủ tục triển khai dự án. Chẳng hạn, công an cung cấp các thông tin về quá trình điều tra, vi phạm của nhà thầu. “Từ đó chúng tôi có thể chủ động hơn trong việc ban hành các hồ sơ mời thầu với điều khoản rõ ràng, công khai, minh bạch… Nếu khâu nào có dấu hiệu sai phạm sẽ chuyển giao công an điều tra”- ông Đông lý giải thêm.

Về các nhà thầu tham gia dự án, ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, khẳng định Bộ GTVT đã khống chế không quá ba doanh nghiệp tham gia một liên danh nhà thầu, để đảm bảo đủ năng lực tài chính và không chia nhỏ gói thầu. Các nhà thầu chính đảm nhận hạng mục quan trọng, nhà thầu phụ chỉ tham gia hạng mục có giá trị nhỏ và đều được đánh giá năng lực.

“Quá trình triển khai, tiến độ dự án được kiểm soát theo tuần, tháng. Nếu nhà thầu vi phạm về tiến độ sẽ bị xử phạt theo hợp đồng. Cạnh đó, đơn vị quản lý còn xem xét đánh giá năng lực để điều chỉnh khối lượng, chấm dứt hợp đồng, tùy theo mức độ vi phạm của nhà thầu”- ông Lâm cho hay.

Về mức phí, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP), cho biết hiện nay Bộ GTVT đang phối hợp với các bộ, ngành đề xuất bổ sung quy định hoàn vốn đối với các dự án giao thông do nhà nước đầu tư vào Luật phí và lệ phí. Đồng thời, xây dựng phương án thu phí để sớm trình Chính phủ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, cho rằng các dự án đầu tư công sau khi hoàn thành sẽ thu thí hoàn vốn, hình thức có thể là nhượng quyền thu phí.

“Tại một số quốc gia phát triển, dự án do Nhà nước đầu tư họ cũng thu phí. Mới đây, cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản cũng khuyên Việt Nam nên thu phí dự án Nhật Tân – Nội Bài. Với Việt Nam, nguồn lực Nhà nước có hạn, việc thu phí sẽ giúp tái đầu tư các dự án khác, nâng cấp hạ tầng giao thông hiện đại hơn. Tới đây Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cũng nói rõ đường cao tốc sẽ thu phí…”- ông Đông lý giải.

Vị Thứ trưởng Bộ GTVT cũng bác bỏ quan điểm cho rằng việc thu phí cao tốc dẫn đến phí chồng phí. Lý do theo ông là cao tốc có đường song hành, người dân có quyền lựa chọn.

“Tái xế muốn di chuyển nhanh, an toàn hơn thì bỏ phí để vào cao tốc, còn không sẽ đi các tuyến đường khác…”- ông Đông nói.

                             Năm dự án PPP bám sát tiến độ

Đối với 5 dự án đầu tư theo hình thức PPP của tuyến cao tốc Bắc - Nam, ông Nguyễn Ngọc Đông, cho biết tháng 10 bắt đầu tiến hành chấm thầu lựa chọn nhà đầu tư. Quá trình chấm thầu kéo dài 2-3 tháng, sau đó sẽ công bố nhà đầu tư trúng thầu và ký hợp đồng.

Sau khi ký hợp đồng, nhà đầu tư có 6 tháng để thực hiện các cam kết, trong đó quan trọng nhất là phải ký được hợp đồng tín dụng. Trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án Bộ GTVT sẽ chấm dứt hợp đồng.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam gồm 11 dự án thành phần, chiều dài 654 km, với tổng mức đầu tư khoảng 100.816 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước khoảng 78.461 tỉ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỉ đồng. Với các dự án đầu tư công Bộ GTVT là chủ đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm