Vì sao ‘đường ưu tiên’ xe buýt ở TP.HCM chết yểu?

Nhưng tại sao làn đường ưu tiên này lại bị “chết yểu”?

“Trong bối cảnh đào đường diễn ra rộng khắp ở TP.HCM, các làn đường ưu tiên cho xe buýt đã bị thu hẹp và dẹp bỏ. Đây là điều rất đáng tiếc” - ThS Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT, nay là chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM chia sẻ.

Ông Tính cho hay năm 2003, TP.HCM cho phép xe buýt lưu thông hai chiều trên đại lộ Trần Hưng Đạo B (đoạn từ đường Châu Văn Liêm đến Nguyễn Tri Phương, là đoạn chỉ cho phép giao thông một chiều theo hướng từ Nguyễn Tri Phương về đường Châu Văn Liêm).

Lộ trình này là của tuyến xe buýt chợ Bến Thành - chợ Bình Tây. Việc thử nghiệm này trên cơ sở nghiên cứu, đề xuất và thực hiện đề án thử nghiệm “tuyến xe buýt ưu tiên trên hành lang đại lộ Trần Hưng Đạo” do đoàn nghiên cứu dự án “quy hoạch tổng thể và nghiên cứu khả thi giao thông đô thị khu vực TP.HCM” (gọi tắt là Houtrans, do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA tài trợ kinh phí).

Qua một thời gian, việc đặc cách cho xe buýt ưu tiên làn đường riêng, lại được chạy hai chiều trên đường đường một chiều này đã mang lại hiệu quả tích cực.

Thống kê của ngành chức năng cho thấy trước khi thực hiện dự án ưu tiên này, tuyến xe buýt chợ Bến Thành - chợ Bình Tây có không quá 3.000 lượt khách/ngày. Thế nhưng ngay sau khi mở đường ưu tiên, con số đó đã tăng vọt trên 10.000 lượt khách/ngày rồi hơn 20.000 lượt khách/ngày…

Tương tự, “thống kê của CSGT TP.HCM cho thấy ở đoạn đường ưu tiên này không hề xảy ra TNGT chết người nào liên quan đến xe buýt, có chăng chỉ là các vụ va quẹt nhẹ nhưng lỗi do phương tiện khác lưu thông trái phép lấn vào làn đường ưu tiên cho xe buýt” - ông Tính nhớ lại.

Từ những kết quả tích cực này, giám đốc Sở GTVT thời bấy giờ là ông Hà Văn Dũng đã tiếp tục đề xuất khai thêm mô hình “làn đường ưu tiên cho xe buýt” sang một số tuyến đường khác như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Kiệm và đường Trần Cao Vân.

Nhưng sau đó, khu vực trung tâm TP.HCM thành một “đại công trình” khi TP.HCM cho thực hiện mục tiêu 66 điểm ngập hiện hữu tại khu vực trung tâm TP và cải thiện ô nhiễm cho các tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ và Tân Hóa.

Theo đó, TP.HCM đã phải tập trung thực hiện tới 20 dự án thoát nước. Trong số này, chỉ với ba dự án vệ sinh môi trường, dự án cải thiện môi trường nước và dự án nâng cấp đô thị đã phải “xới tung” hầu hết các tuyến đường trên địa bàn TP, tập trung ở khu vực trung tâm để lắp đặt 250 km cống thoát nước mưa, 40 km cống bao và cống chuyền tải nước loại lớn.

Khi “lô cốt” có mặt ở khắp mọi nơi đã gây ra kẹt xe kéo dài trên diện rộng tại nhiều tuyến đường. Cạnh đó, sự gia tăng không ngừng của xe cá nhân (mỗi ngày hơn 100 xe ô tô và trên 1.000 xe máy đăng ký mới) khiến mặt đường chỉ còn trên dưới 1 m2/phương tiện vào giờ cao điểm.

Vì sao ‘đường ưu tiên’ xe buýt ở TP.HCM chết yểu? ảnh 1
Trong một thời gian dài, khi TP.HCM thành đại công trình với hàng loạt "lô cốt" mọc lên thì giao thông tắt nghẽn nghiêm trọng nên TP.HCM đã tạm ngừng các đường ưu tiên cho xe buýt.

Giám đốc Sở GTVT thời bấy giờ là ông Trần Quang Phượng buộc phải điều chỉnh, phân luồng cho hàng trăm tuyến giao thông hỗn hợp và tuyến xe buýt. Trong điều kiện này, các làn đường ưu tiên cho xe buýt đã phải tạm dừng, trước tiên ở các đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Cao Vân.

Riêng làn đường ưu tiên cho xe buýt trên đường Trần Hưng Đạo B vẫn được duy trì. Thế nhưng sự tồn tại này gây ra nhiều bất tiện cho sinh hoạt, đặc biệt ảnh hưởng đến việc kinh doanh của những hộ “mặt tiền đường ưu tiên cho xe buýt” nên họ phản ứng.

Sau đó, một phó chủ tịch UBND TP phụ trách đô thị (nay đã về hưu) đã yêu cầu Sở GTVT tạm ngưng cho xe buýt ưu tiên trên đường Trần Hưng Đạo B từ ngày 20-11-2011, dù trước đó Sở GTVT vẫn đề xuất giữ lại.

Sở GTVT không muốn bỏ làn ưu tiên cho xe buýt

Khi tham mưu đề xuất xử lý đường ưu tiên cho xe buýt ở đường Trần Hưng Đạo B, Sở GTVT ba phương án điều chỉnh.

Phương án thứ nhất: Làn ưu tiên cho xe buýt trên đường Trần Hưng Đạo sẽ được chuyển sang lưu thông trên đại lộ Võ Văn Kiệt.

Phương án hai: Đề xuất chuyển lưu thông qua đường Hồng Bàng - Hùng Vương.

Phương án ba: Chuyển qua đường Nguyễn Trãi.

Thế nhưng nếu theo phương án 1, cự ly tuyến bình quân sẽ tăng thêm 1,65 km và làm tăng thêm chi phí. Cạnh đó, khoảng cách tiếp cận xe buýt của hành khách và khoảng cách tiếp chuyển của hành khách giữa lượt đi và lượt về là hơn 700 m, không thuận tiện cho người sử dụng buýt. Về lâu về dài, dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt sẽ có tuyến xe điện mặt đất (sau này chuyển thành xe buýt nhanh tuyến số 1) nên làn xe buýt ưu tiên sẽ thừa thãi.

Hai phương án còn lại cũng có điểm không ổn.

Sở GTVT đề nghị TP.HCM tiếp tục duy trì làn ưu tiên cho xe buýt trên tuyến đường Trần Hưng Đạo B. Bởi lẽ việc thu hút hành khách sử dụng xe buýt và giảm thiểu tai nạn, ùn tắc là vấn đề nhức nhối, lại nằm trong chương trình giảm ùn tắc giao thông của TP.HCM.

 

“Thực tế, việc TP.HCM mở làn đường ưu tiên cho xe buýt đã phát huy hiệu quả tích cực nhưng do đào đường đồng loạt nên TP.HCM phải thu hẹp và ngưng. Lý do ngưng là vì vậy chứ không phải nó hoạt động không hiệu quả như một số ý kiến phân tích” - ông Tính nhấn mạnh.

Vì sao ‘đường ưu tiên’ xe buýt ở TP.HCM chết yểu? ảnh 2
TS Lương Hoài Nam cho rằng: "TP.HCM cần phát triển mạnh giao thông công cộng với xe buýt là chủ lực. Theo đó, những đường có từ ba làn đường mỗi chiều trở lên thì cắt hẳn một làn làm làn buýt. Cần nhìn nhận thẳng là khi một số làn đường bị lấy ưu tiên cho xe buýt thì kẹt xe trên các làn đường còn lại chắc chắn sẽ nhiều hơn".Trong ảnh: Một làn ưu tiên cho xe buýt ở nước ngoài. Ảnh: Facebook Luong Hoai Nam

Là người ủng hộ xe buýt, ông Tính nói thêm: “Một nguyên tắc được các nước áp dụng là cứ phương tiện nào chở được nhiều người thì được ưu tiên. Xe buýt là phương tiện công cộng, chở nhiều người nên cũng cần có sự ưu tiên, thay vì để nó “tự bơi” trong “biển” xe máy, ô tô các loại. Theo đó, khi mở đường ưu tiên hoặc dành riêng thì mới đẩy được tốc độ của xe buýt, rút ngắn thời gian đi lại và thu hút được hành khách”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm