Vì sao Bến xe Miền Đông mới chưa xong?

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017 Bến xe Miền Đông mới phải hoàn thành giai đoạn 1 gồm các hạng mục nhà ga trung tâm, khu vực đậu xe chờ tài, khu vực đón trả khách, hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu và trạm xử lý nước thải để từng bước di dời Bến xe Miền Đông hiện hữu ra đây. Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Sở GTVT cho hay Bến xe Miền Đông mới không kịp đưa vào khai thác giai đoạn 1 trước Tết Mậu Tuất như chỉ đạo của UBND TP.

Vướng metro, vướng mặt bằng

Theo ghi nhận, công trường xây dựng Bến xe Miền Đông mới hiện còn ngổn ngang đất, đá, vật liệu xây dựng. Khu nhà ga chính, bãi xe chờ lên tài vẫn chưa thấy bóng dáng. Phần đất tiếp giáp cửa bến xe mới với tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) đang bị rào chắn để thi công các hạng mục của tuyến metro. Theo Sở GTVT, phần đất tiếp giáp này dự kiến phải chờ đến tháng 6-2018, khi bên metro bàn giao lại mặt bằng thì mới có thể triển khai việc mở rộng quốc lộ 1, kết nối vào bến xe mới.

Trong khu vực xây dựng nhà ga hiện vẫn còn hai hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng nên tiến độ thi công hệ thống ngầm và san nền bị chậm lại. Cạnh đó, việc thi công các hạng mục như đường nội bộ, tường rào… gặp khó do người dân và các doanh nghiệp xung quanh bến xe mới vẫn đang dùng một phần đất của bến xe làm đường đi. Chưa hết, nhiều hộ dân trong khu vực bị vướng công trường thi công tuyến metro số 1, không có đường đi nên thường xuyên sử dụng mặt bằng Bến xe Miền Đông mới để đi lại.

“Chúng tôi vừa triển khai thi công vừa phải đảm bảo an toàn cho người dân nên tiến độ khó đẩy nhanh được” - một cán bộ giám sát thi công cho biết.

Căn nhà này đã bỏ hoang nhiều năm nay nhưng do chưa thống nhất mức bồi thường nên chủ nhân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng để xây Bến xe Miền Đông mới. Ảnh: LÊ QUÂN (Zing)

Chậm vì cơ chế

Theo Sở GTVT, đến nay công tác thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán xây dựng phần nhà ga (hai tầng hầm và bốn tầng lầu) đã hoàn tất nhưng đang chờ Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng thông báo kết quả thẩm định. Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho hay sau khi có kết quả thẩm định thiết kế, bản vẽ thi công thì phải mất 4-6 tháng cho công tác đấu thầu và mất khoảng một năm cho việc thi công.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc Samco (chủ đầu tư Bến xe Miền Đông mới), cho biết Samco phải làm đúng quy định là tổ chức đấu thầu, không thể chỉ định thầu nên thời gian sẽ kéo dài. Còn ông Trần Quang Lâm cho rằng với công trình đặc biệt như Bến xe Miền Đông mới, nếu có cơ chế đặc thù về thẩm định thiết kế, chỉ định thầu… thì tiến độ sẽ nhanh hơn.

4.000 tỉ đồng là tổng vốn để xây dựng Bến xe Miền Đông mới (có tổng diện tích trên 16 ha, rộng gần gấp ba Bến xe Miền Đông hiện hữu). Bến xe mới nằm trên địa phận phường Long Bình,  quận 9, TP.HCM (12,3 ha) và huyện Dĩ An, Bình Dương (3,7 ha).

Bến xe mới sẽ phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc, đáp ứng nhu cầu mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến, ngày cao điểm lễ/ Tết lên đến 52.000 hành khách với hơn 1.800 lượt xe xuất bến. Bến xe cũng sẽ kết hợp với các tiện ích khác như bãi đậu xe cao tầng, khu vực sửa chữa, trạm tiếp nhiên liệu, khu trung chuyển và giao dịch hàng hóa, khu thương mại dịch vụ… 

Theo thông tin mới nhất, tuyến metro số 1 khó hoàn thành trước năm 2020 (trong đó có ga metro Suối Tiên và các hạng mục kết nối với bến xe mới) vì đang ách tắc về vốn. Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, đoạn đi qua Bến xe Miền Đông mới, còn đang thi công. Công trình xây dựng cầu vượt trên xa lộ Hà Nội phía trước bến xe cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị và dự kiến phải đến năm 2019 mới hoàn thành.

Một cán bộ Sở GTVT nhận xét, với tiềm lực tài chính mạnh như Samco thì khoản tiền 4.000 tỉ đồng cho xây dựng Bến xe Miền Đông là chuyện nhỏ. Samco có thể đẩy tiến độ xây dựng nhà ga, bãi chờ lên nhưng đường vào chưa có, metro chưa hoàn thành để chuyển tiếp khách đến thì không lẽ bến xây xong rồi… để đó? “Bỏ 4.000 tỉ đồng ra, chờ 2-3 năm nữa bến mới có khách thì không một doanh nghiệp nào dám làm cả” - vị này nói.

Đã sẵn sàng dời bến cũ

Tháng 4-2017, khi Samco bắt đầu triển khai xây dựng Bến xe Miền Đông mới, Sở GTVT đã lên kế hoạch kết nối một số tuyến xe buýt tới bến này để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Theo đó, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (thuộc Sở GTVT) đã trình phương án tổ chức 11 tuyến xe buýt kết nối Bến xe Miền Đông cũ-mới, khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, cầu Phú Mỹ…

“Sở GTVT cũng đã lên kế hoạch mở các tuyến xe buýt con thoi kết nối giữa quốc lộ 13, khu vực cầu Hiệp Bình Phước với Bến xe Miền Đông mới và Bến xe Miền Tây cũ-mới để chuyển tiếp khách từ khu vực Tây Nguyên, Bình Phước về các bến cũ-mới này” - ông Trần Quang Lâm thông tin thêm.

Còn ông Kiều Nam Thành, Giám đốc Bến xe Miền Đông hiện hữu, cho biết trước đây bến đã lên kế hoạch di dời từng phần theo thời gian sáu tháng đến một năm. Nay trước áp lực ùn tắc giao thông và lệnh di dời của TP, khi bến mới hoàn thành thì việc di dời sẽ được thực hiện một lần và bến mới sẽ đi vào hoạt động luôn.

Điều quan ngại từ lãnh đạo Samco đến các nhà xe là sau khi bến cũ di dời thì TP phải “triệt” cho được nạn xe “dù”, bến “cóc” hoạt động sâu trong nội đô. “Nhà xe chúng tôi sẵn sàng ra bến mới nhưng TP cần có giải pháp để ngăn chặn nạn xe “dù”, bến “cóc” “hốt” hết khách từ trong nội đô” - ông Hoàng Duy Kha, Giám đốc Hợp tác xã Đông Bắc, nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm