Loạt bài: Toàn cảnh phát triển giao thông Đông Nam bộ - Bài 2

Ông Nguyễn Văn Thể: Ưu tiên đầu tư giao thông Đông Nam bộ

Bộ GTVT cho hay đang triển khai xây dựng và hoàn thiện năm quy hoạch ngành quốc gia (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau đó, bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt làm cơ sở thực hiện.

Để tìm hiểu rõ hơn về năm quy hoạch này cũng như kế hoạch triển khai của Bộ GTVT trong việc đầu tư các dự án kết nối, tạo đà phát triển cho Đông Nam bộ, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Hạ tầng giao thông hiện chỉ đạt 27% so với quy hoạch

. Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá thế nào vtình hình giao thông Đông Nam bhin nay?


+ Bộ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Văn Thể: Toàn vùng Đông Nam bộ có diện tích 31.370 km2 (chiếm 9,4% cả nước), dân số 19,06 triệu người (chiếm 19,8%). Đây là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của cả nước, đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và trên 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.

Hiện nay, tổng khối lượng hành khách vận chuyển trong vùng Đông Nam bộ khoảng 1.258 triệu lượt, vận chuyển hàng hóa đạt 860,7 triệu tấn. Trong đó TP.HCM chiếm cao nhất với 81,57% khối lượng hành khách và 45,84% khối lượng vận chuyển hàng hóa của toàn vùng.

Tuy nhiên, khu vực Đông Nam bộ đang đối mặt với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quá tải, thiếu kết nối đồng bộ. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông ở vùng này hiện chỉ đạt được khoảng 25%-27% so với nhu cầu theo các quy hoạch đã được phê duyệt. Đây là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đông Nam bộ.

Trong các quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 của cả nước nói chung và ngành giao thông vận tải nói riêng, vùng Đông Nam bộ tiếp tục được xác định là đầu tàu kinh tế, là trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước. Do đó, việc nghiên cứu, đề xuất các dự án nhằm tăng cường kết nối giao thông của vùng là hết sức quan trọng và cấp thiết. Đó là nền tảng, cơ sở để tạo ra sự kết nối đa phương thức, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, cơ hội mới, động lực mới cho vùng.

Hệ thống giao thông Đông Nam bộ hiện tại chỉ mới đạt 27% so với quy hoạch. Trong ảnh: Khu vực nút giao An Phú kết nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (nhìn từ trên cao) luôn quá tải vào các dịp lễ, tết.
Ảnh: HOÀNG GIANG.

Cần đầu tư dự án kết nối, tạo động lực

. Xin ông cho biết trong quy hoạch về giao thông khu vực Đông Nam bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Bộ GTVT đã đề xuất các dự án cụ thể nào?

+ Trong năm quy hoạch giao thông về đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, Bộ GTVT đã rà soát, đánh giá và đề xuất các dự án cụ thể nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa TP.HCM, các tỉnh vùng Đông Nam bộ và Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành. Dự kiến quý II và III-2021, khi các quy hoạch này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành giao thông sẽ nhanh chóng tập trung huy động nguồn lực để triển khai đầu tư.

Trong đó, ngành giao thông vận tải cần tập trung nguồn lực trung ương và địa phương để hoàn thành một số dự án quan trọng của Đông Nam bộ. Cụ thể, cần đẩy nhanh tiến độ khép kín hệ thống đường vành đai TP.HCM, trong đó hoàn thành vành đai 2 trước năm 2023, vành đai 3 và vành đai 4 trước năm 2030. Đồng thời ưu tiên xây dựng đoạn kết nối đến Cảng HKQT Long Thành quy mô 6-8 làn xe và đoạn kết nối từ Cảng HKQT Long Thành đến Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) quy mô 6-8 làn xe, giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, trung ương và địa phương cũng cần tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện sáu tuyến cao tốc với tổng chiều dài 456 km phục vụ kết nối vùng. Cụ thể, đó là các tuyến mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Phú Mỹ - Vũng Tàu, cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Ngoài ra, ngành giao thông cũng cần ưu tiên đầu tư các đoạn tuyến kết nối trực tiếp với sây bay Long Thành và khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030.

Chú trọng phát triển giao thông đường st, thủy, không

. Đối với quy hoạch giao thông về đường sắt, thủy, không, xin ông cho biết Bộ GTVT sẽ tập trung ưu tiên đầu tư những dự án nào?

+ Về đường thủy, Bộ GTVT sẽ tập trung đầu tư luồng từ phao số 0 vào Cái Mép - Thị Vải, luồng Soài Rạp, từ đó hình thành giao thông kết nối để phát huy hiệu quả cảng biển. Các địa phương cũng đầu tư hệ thống đường chuyên dùng kết nối cảng biển như: Đường Long Sơn Cái Mép kết nối khu vực Long Sơn, đường tỉnh 25B, đường vào cảng Phước An, đường liên cảng từ Khu công nghiệp Ông Kèo đến đường tỉnh 769...

Bộ GTVT cũng đề xuất triển khai dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics phía Nam; dự án cải tạo, nâng cấp các cầu tĩnh không thấp khu vực phía Nam và đầu tư nâng cấp, cải tạo một số tuyến đường thủy quốc gia chính yếu trong vùng. Song song là đẩy nhanh và hoàn thiện các trung tâm logistics trong vùng để kết nối với các cảng cạn, cảng biển, các khu công nghiệp. Đồng thời kêu gọi đầu tư các cảng cạn tại hai khu vực kinh tế và hành lang kinh tế (khu vực kinh tế Đông Bắc và Tây Nam TP.HCM).

Về đường sắt, Bộ GTVT sẽ tập trung nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt theo quy hoạch. Trong đó ưu tiên các tuyến kết nối với sân bay Long Thành và khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu. Cụ thể, đó là các tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và ưu tiên kết nối cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với đường sắt quốc gia tại Trảng Bom. Ngoài ra, cần kết hợp với hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM để đảm bảo hình thành tuyến đường sắt vận tải hành khách trực tiếp từ Long Thành về trung tâm TP.HCM và kết nối với Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.

Trong lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT tập trung đầu tư Cảng HKQT Long Thành, nhà ga T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không Côn Đảo. 

Mục tiêu, từ năm 2021 đến 2030, ngành giao thông sẽ nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo, xây dựng và đưa vào khai thác nhà ga T3 của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, đưa vào khai thác dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 với công suất 25 triệu hành khách/năm. Ngoài ra, ngành giao thông cũng nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 2 đạt công suất 50 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đề ra, ngoài quyết tâm của ngành giao thông vận tải còn phụ thuộc vào nguồn lực của Nhà nước và khả năng huy động vốn ngoài ngân sách.

. Xin cám ơn ông.•

 

Các điểm nghẽn giao thông đã được nhận diện

Ông Nguyễn Văn Thể: Ưu tiên đầu tư giao thông Đông Nam bộ ảnh 3
Bộ GTVT đề xuất triển khai dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics phía Nam. Trong ảnh: Một góc khu vực cảng 
Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: ĐT

Để các dự án được khai thác hiệu quả và có thể kết nối toàn khu vực một cách hấp dẫn, chúng ta cần có kế hoạch triển khai đầu tư đồng bộ các dự án đường bộ, đường sắt, đường thủy cũng như hàng không đã có trong quy hoạch.

Tất cả các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông của khu vực Đông Nam bộ đã được nhận diện. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần có quyết tâm để ưu tiên phân bổ nguồn lực để thực hiện các dự án này.

Tôi hy vọng trong vòng 10 năm mà chúng ta đầu tư và đưa vào khai thác những dự án như thế này, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng khu vực Đông Nam bộ có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế năng động nhất cả nước.

Bộ trưởng Bộ GTVT NGUYỄN VĂN THỂ

Kỳ cuối: Hiến kế để giao thông Đông Nam bộ cất cánh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm