Nghe ngành điện tư vấn cách tiết kiệm điện

Lúc 9 giờ 50 phút, tọa đàm "Ngành điện chuyển đổi số, người dân được lợi gì?" chuyển sang chủ đề Ngành điện chuyển đổi số và sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Ông Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực TP.HCM chia sẻ với người dân tại buổi tọa đàm.

Một trong những vấn đề “nóng” nhất mà chương trình nhận được từ bạn đọc chính là việc những thay đổi trong việc đăng ký mua điện sinh hoạt, đăng ký định mức điện kể từ 1-7 tới đây, khi cơ quan chức năng sẽ thu hồi sổ hộ khẩu của người dân. Được biết lâu nay đăng ký mua điện sinh hoạt và định mức điện đều cần đến sổ hộ khẩu. Về những lo lắng này của người dân, phía Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã có những tính toán phương án như thế nào?

Ông Nguyễn Phú Vĩnh, Trưởng ban kinh doanh Tổng công ty Điện lực TP.HCM: Việc cấp điện theo địa điểm mua điện, nên nếu có nhu cầu khách hàng đăng ký để các công ty điện lực thực hiện khảo sát theo nhu cầu. Về định mức sinh hoạt bậc thang đối với các điểm mua điện nhiều hộ khẩu, EVN đã phối hợp với Bộ Công an để có hướng dẫn thêm.

Liên quan vấn đề từ ngày 1-7, chúng ta không sử dụng sổ hộ khẩu nữa, việc này chúng tôi rất chia sẻ lo lắng của người dân. Thực tế, hiện nay chúng có những cách tính định mức như sau: Các khách hàng, công nhân, người lao động, sinh viên…Bộ công thương cũng có Thông tư hướng dẫn, tính toán định mức cụ thể, vì vậy đối với những trường hợp này không có ảnh hưởng đến việc bỏ sổ hộ khẩu.

Đối với trường hợp có ảnh hưởng là những hộ gia đình, có con cái ở chung thì chúng tôi căn cứ số hộ khẩu trong một hộ gia đình để cấp định mức điện sinh hoạt cho hộ sử dụng điện đó. Hiện nay chúng tôi có báo cáo cho Tập đoàn điện lực VN, Tập đoàn điện lực VN cũng đang có ý kiến với Bộ công thương để có soạn thảo những hướng dẫn trong thời gian sắp tới nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ những quyền lợi cho khách hàng. Ngoài ra, ngành điện cũng đã chủ động đề xuất với Bộ công an để kết nói cơ sở dữ liệu nhằm có thể trao đổi các thông tin liên quan đến người sử dụng điện.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Bách, Trưởng Bộ môn Kĩ thuật Điện, ĐH Tôn Đức Thắng; Luật sư Nguyễn Văn Nhàn, Đoàn luật sư TP.HCM; Ông Nguyễn Phú Vĩnh, Trưởng ban kinh doanh Tổng công ty Điện lực TP.HCM trả lời trong buổi tọa đàm.

Một bạn đọc tại quận 7 đặt câu hỏi: Gia đình tôi chỉ có 2 vợ chồng nhưng tháng nào chúng tôi cũng đóng tiền điện nhiều hơn so với hàng xóm, đồng nghiệp dù chúng tôi không dùng quá nhiều thiết bị điện. Tôi có gọi nhờ kiểm tra công tơ điện thì thấy không vấn đề gì. Có cách nào để kiểm soát lại lượng điện sử dụng để giảm tiền điện không?

TS Đinh Hoàng Bách, Trưởng Bộ môn Kĩ thuật Điện, ĐH Tôn Đức Thắng: Ở đây có hai yếu tố tác động đến lượng điện năng tiêu thụ hằng tháng của các anh chị là tổng công suất tiêu thụ và thời gian sử dụng. Trong đó, tổng công suất tiêu thụ được tính toán theo số lượng thiết bị điện đang vận hành và công suất định mức của mỗi thiết bị đó. Đây là một bài toán kỹ thuật có thể đo đạc và kiểm tra khá dễ dàng.

Tuy nhiên, việc xác định thời gian sử dụng điện của chúng ta lại rất phức tạp, liên quan đến hành vi sử dụng điện của mỗi người, mỗi gia đình và đôi khi còn phụ thuộc vào cách (hoặc điều kiện) sử dụng của thiết bị nữa. Chẳng hạn như có hai máy lạnh như nhau (cùng công suất định mức) và có thời gian chạy máy đều như nhau (VD: 8g/ngày) nhưng máy đặt trong phòng ngủ sẽ có mức tiêu tốn năng lượng ít hơn với máy đặt trong phòng bếp hoặc tại một không gian mở, do thời gian máy lạnh chạy với công suất định mức sẽ khác nhau.

Cụ thể, máy lạnh đặt trong phòng ngủ, sau một thời gian vận hành, khi đạt đến nhiệt độ cài đặt sẽ tự động ngắt hoặc giảm công suất làm lạnh lại. Vì thế trong 8 giờ đó thật sự máy chỉ chạy với khoảng thời gian ít hơn nhiều, ví dụ 4 giờ chạy máy và 4 giờ nghỉ. Còn máy đặt phòng bếp hoặc không gian mở, do có sự thất thoát hơi lạnh nhiều nên máy lạnh phải hoạt động liên tục không ngừng nghỉ, dẫn đến thời gian chạy máy thật sự sẽ dài hơn. Hoặc cũng với một bộ đèn 40W trong toilet thôi, nhưng nếu khi ra khỏi nhà vệ sinh chúng ta tắt nó ngay, thay vì cứ để nó sáng nguyên đêm, thì lượng điện tiêu thụ sẽ thấp hơn rất nhiều.

Vì thế, theo quan điểm của chúng tôi, sau khi loại bỏ các yếu tố như công tơ điện bị sai lệch, số lượng thiết bị điện quá nhiều hoặc công suất thiết bị lớn hơn mức cần thiết… thì để kiểm soát lại lượng điện năng sử dụng hằng tháng chúng ta phải thay đổi hành vi sử dụng điện, rà soát những điều kiện sử dụng điện chưa hợp lý, và thực hành tiết kiệm điện.

Liên quan đến việc bỏ sổ hộ khẩu với những khó khăn trong thủ tục đăng ký mua điện sinh hoạt và định mức điện, luật sư Nguyễn Văn Nhàn có gợi ý giải pháp nào để không ảnh hưởng quyền lợi của người dân?

Ls Nguyễn Văn Nhàn, Đoàn Luật sư TP.HCM: Chứng ta cần lưu ý về Luật cư trú 68/2020/QH14 được QH14 thông qua ngày 13-11-2020. Theo đó, Nhà nước quản lý cư trú công dân bằng: Cơ sở dữ liệu về cư trú là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về cư trú của công dân, được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin; được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật.

Từ đó, Nhà nước sẽ quản lý lý việc cư trú của người dân mà không cần đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy thì vấn đề mấu chốt là Nhà nước (Trách nhiệm chính là Bộ công an) phải xây dựng hoàn thành cơ sở dữ liệu về cư trú (Điều 36-LCC).

Có nghĩa khi Luật cư trú năm 2020 có hiệu lực thì không còn sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy như hiện nay. Từ vấn đề cực kỳ quan trọng về Cơ sở dữ liệu về cư trú mà ngành điện lực có thể truy cập, tôi có 1 số ý kiến sau đây: Ngành điện lực cần thiết và cấp bách xây dựng cơ sở hạ tầng về ứng dụng công nghệ thông tin để thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin về cư trú đầy đủ, nhanh chóng, chính xác làm sao phải tương tác được với Cơ sở dữ liệu về cư trú mà ngành Công an quản lý.

Ls Nguyễn Văn Nhàn, Đoàn Luật sư TP.HCM

Do Luật cư trú cho phép sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy được phép tồn tại đến cuối năm 2022 nên vẫn còn thời gian để ngành điện lực nói riêng và các ngành – lĩnh vực khác có liên quan đến cư trú của công dân nói chung chuẩn bị công cụ cho ngành mình quản lý được hoạt động kinh doanh liên quan đến cư trú mà không cần hộ khẩu giấy.

Nghị định hướng dẫn Luật cư trú cần quy định rõ trường hợp: Người dân khi không còn sử dụng hộ khẩu giấy mà khi họ cần xác nhận thông tin cư trú của hộ gia đình để thực hiện các giao dịch liên quan về nhân khẩu để được hưởng lợi về định mức điện-nước …thì Công an địa phương nơi họ sinh sống cần thực hiện thủ tục trích xuất thông tin cư trú từ Cơ sở dữ liệu về cư trú một cách nhanh chóng, miễn phí, thủ tục đơn giản, không gây phiền hà. Khi đó ngành điện cũng có thể sử dụng kết quả trích xuất cơ sở dữ liệu cư trú do người dân cung cấp để thực hiện đăng ký mua điện sinh hoạt, đăng ký định mức điện…

Bạn đọc Minh Cường (TP Thủ Đức) gửi câu hỏi về email chương trình: “Tuần trước, hàng xóm của tôi đã thay hàng loạt thiết bị điện trong nhà. Theo lời kể, có nhóm 2 nhân viên mặc áo công ty điện lực đến yêu cầu gia đình thay đổi toàn bộ các thiết bị đèn điện và 1 số thiết bị điện khác trong nhà theo quy định của ngành điện nhằm tiết kiệm điện tháng cao điểm mùa nắng nóng. Gia đình đã tốn hết gần 5 triệu đồng để thay đổi 1 số thiết bị điện. Nhóm 2 nhân viên này sau đó có qua nhà tôi yêu cầu nhưng tôi từ chối. Họ bảo nếu tôi không đổi và dùng điện nhiều sẽ bị phạt giá điện rất cao. Tôi muốn hỏi thực hư chuyện này là như thế nào? Công ty điện có quy định vậy không?”

Ông Nguyễn Phú Vĩnh: Các nhân viên của các Công ty Điện lực và EVNHCMC khi đến công tác tại nhà khách hàng đều có mang thẻ nhân viên và phiếu công tác được đơn vị cấp. Khi đến liên hệ công tác đều phải xuất trình cho khách hàng, chủ yếu là kiểm tra thay thế thiết bị đo đếm (hiện nay không còn ghi điện tại nhà khách hàng).

Ông Nguyễn Phú Vĩnh, Trưởng ban kinh doanh Tổng công ty Điện lực TP.HCM trả lời trong buổi tọa đàm.

Ngoài ra, không có làm các nhiệm vụ thay thiết bị điện hoặc bán thiết bị điện tiết kiệm. Nếu khách hàng gặp phải trường hợp này, trước hết khách hàng yêu cầu trình thẻ nhân viên và phiếu công tác của Công ty Điện lực, đồng thời gọi báo cho tổng đài CSKH của EVNHCMC theo số điện thoại 1900545454 hoặc Công an khu vực để được hỗ trợ.

Một bạn đọc đặt câu hỏi: “Dù tôi đã chú ý tắt các thiết bị điện khi không cần thiết và sử dụng hạn chế máy lạnh, máy giặt nhưng tiền điện nhà tôi vẫn rất cao so với trước đây. Tôi không hiểu vì sao và làm thế nào để cắt giảm tiền điện?”

TS Đinh Hoàng Bách: Ở đây có hai yếu tố tác động đến lượng điện năng tiêu thụ hằng tháng của các anh chị là tổng công suất tiêu thụ và thời gian sử dụng. Để tiết giảm chi phí điện tiêu thụ chúng ta phải tập trung vào cả hai yếu tố trên. Tuy nhiên, trường hợp bạn hỏi là nhà cho thuê, có sẵn trang thiết bị điện gia dụng rồi nên chúng ta không can thiệp được vào phần thiết bị được, khi đó chúng ta tập trung vào thay đổi hành vi sử dụng điện, rà soát lại các tình huống sử dụng điện chưa hợp lý, và thực hành tiết kiệm điện.

TS Đinh Hoàng Bách, Trưởng Bộ môn Kĩ thuật Điện, ĐH Tôn Đức Thắng.

Cụ thể, bạn nên tập trung vào việc hợp lý hóa thời gian sử dụng các thiết bị điện có mức tiêu thụ năng lượng cao nhất, VD: hệ thống điều hòa không khí, bếp điện từ, máy nước nóng...

Đặc biệt, bạn nên tham khảo các gợi ý như sau để sử dụng hợp lý hệ thống điều hòa không khí nhằm tiết kiệm điện:

Vệ sinh máy lạnh thường xuyên để tăng hiệu suất tản nhiệt của máy; tránh làm thất thoát hơi lạnh qua các khe hở của phòng hoặc tránh nhiệt lượng bên ngoài xâm nhập vào phòng qua cửa kính, vách ngăn...

Sử dụng máy lạnh hợp lý, chỉ nên cài đặt nhiệt độ phòng trong khoảng 24-280C (tối ưu là khoảng 260), tránh việc cài đặt nhiệt độ phòng xuống quá thấp sẽ làm tiêu hao rất nhiều điện. Hạn chế sử dụng các nguồn phát nhiệt trong phòng có điều hòa không khí, VD: nấu bếp, ủi đồ, đèn halogen….

Trong các không gian mở, chỉ nên sử dụng quạt. Nếu có thể thì sử dụng thêm các loại quạt phun hơi nước hoặc quạt điều hòa để có thể giảm nhiệt độ môi trường một cách tự nhiên. Tuy nhiên lưu ý các loại quạt này có khả năng làm mát hạn chế không hoàn toàn thay thế được các máy lạnh. 

Người thuê hoặc người cho thuê nhà có thể gặp phải khi không rõ ràng trong vấn đề người đứng tên mua điện và người sử dụng điện (tức là chủ nhà và người thuê nhà)? Là chuyên gia pháp lý, Ls Nguyễn Văn Nhàn có lời khuyên gì cho người dân khi thuê mướn nhà có sử dụng điện?

Luật sư Nguyễn Văn Nhàn: Theo điều 46 Luật điện lực năm 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2012 qui định về “Quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện” không có qui định về trường hợp phải thay đổi người đứng tên mua điện trong các trường hợp thuê nhà, mượn nhà.

Như vậy việc thay đổi tên người mua điện trên hợp đồng mua bán điện trong trường hợp này chỉ được khuyến cáo từ ngành điện hoặc theo nhu cầu của hai bên thuê-cho thuê hoặc

xuất phát từ bên cho thuê (chủ nhà) để tránh những rủi ro không đáng có trong quá trình người thuê sử dụng công tơ điện có vi phạm về sử dụng điện sẽ liên đới đến trách nhiệm chủ nhà do còn đứng tên hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ).

Việc thay đổi tên người sử dụng điện trên HĐMBĐ còn tùy thuộc vào tâm lý người dân, nhất là chủ nhà cho thuê.

Quan trọng khi thỏa thuận HĐ thuê nhà, mượn nhà thì các bên cần thỏa thuận kỹ các nội dung về sử dụng các trang thiết bị trong nhà thuê, nhà mượn; trong đó có sử dụng đồng hồ điện, đồng hồ nước. Việc thỏa thuận càng rõ trách nhiệm trong HĐ thuê, HĐ mượn nhà thì càng tránh rủi ro cho chủ nhà nếu như người thuê nhà làm hư hỏng đồng hồ điện do tác động ngoại lực trái pháp luật làm thất thoát điện năng thì người thuê phải chịu trách nhiệm.

Về vấn đề này, hiện nay trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi quản lý 67.600 hộ cho thuê công nhân, người lao động sử dụng điện, trong đó có hơn 1,5 triệu người thuê trên các hộ này và được cấp định mức theo quy định. Với những con số tôi vừa nêu đã thể hiện được việc chúng tôi có quản lý theo dõi, việc này chúng tôi làm rất lâu. Đến nay, việc quản lý những biến động thông tin liên quan đến người thuê để được cấp định mức theo quy định, ngành điện có kết hợp với chính quyền đia phương để quản lý.

Ông Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực TP.HCM, chia sẻ: Tổng công ty Điện lực TP.HCM luôn nỗ lực, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp điện an toàn, đầy đủ, ổn định, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân TP. Bên cạnh đó, Tổng công ty luôn mong muốn được cung cấp đến khách hàng sử dụng điện các dịch vụ với nhiều hình thức đa dạng và chất lượng ngày càng cao, đó chính là động lực lớn nhất, thôi thúc chúng tôi thường xuyên thực hiện nhiều kế hoạch, chương trình với tiêu chí đặt khách hàng là trọng tâm của các mục tiêu phát triển của Tổng công ty.

Chuyển đổi số doanh nghiệp thành công là kế hoạch trọng tâm thuộc chương trình phát triển tổng thể của Tổng công ty Điện lực TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025 và cũng hoàn toàn phù hợp với “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Với mục tiêu ngành điện đi trước một bước để tạo động lực cho sự phát triển của TP.HCM, ngành điện thành phố đã đặt ra kế hoạch từ nay đến năm 2025 phấn đấu đạt mức phát triển ngang tầm các công ty điện lực hàng đầu của các nước tiên tiến trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Theo đó, chất lượng các dịch vụ về điện sẽ tiếp tục được nâng cao toàn diện. Đồng thời, tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn TP. Ngành Điện đã và đang tiếp tục đầu tư phát triển lưới điện thông minh để góp phần cho các ngành sản xuất, thương mại, kinh doanh dịch vụ của TP phát triển đồng bộ, mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần vào việc xây dựng TP.HCM hiện đại – văn minh – nghĩa tình.

Phát biển kết thúc chương trình tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, chia sẻ: Qua toạ đàm này chúng ta thấy được sự nỗ lực cuả EVNHCMC, bằng chứng là sự thuận tiện của người dân và khách hàng cũng trở thành trung tâm của ngành điện. Thông qua chương trình này, chúng ta thấy rằng chuyển đổi số đã tác động trực tiếp tơí mỗi gia đình.

Qua đây, Báo Pháp Luật TP.HCM xin cảm ơn Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM. Tôi mong rằng các đơn vị tiếp tục có sự chuyển đổi để người dân cùng hưởng lợi trong công cuộc chuyển đổi số.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm