TP.HCM: Vì sao mới đầu mùa mưa đã ngập?

Vừa dắt xe lội bì bõm trong biển nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM), anh Nguyễn Thành (ngụ quận Bình Thạnh) bức xúc: “Nước ngập sâu tới nửa xe, làm xe chết máy khiến tôi phải dắt bộ một quãng dài. Vừa mệt mỏi vì mưa gió, vừa kẹt xe, vừa phải hít mùi hôi tanh từ nước thải ngoài đường. Mỗi lần mưa là mỗi lần ám ảnh đối với chúng tôi…”.

Đường bị nhấn chìm sau 30 phút mưa

Anh Thành cho biết mới chỉ mưa hơn 30 phút là tuyến đường này ngập sâu, đa phần xe máy phải dắt bộ, nếu gặp giờ cao điểm kẹt xe là phải “ngâm mình” trong nước cống thải hàng giờ. Chưa kể hàng loạt xe máy ngã sóng soài vì bị ô tô, xe tải di chuyển tạo sóng…

Theo ghi nhận của PV, tính từ đầu mùa mưa đến nay, người dân đã phải chịu bốn trận ngập sau mưa. Điển hình, gần nhất là cơn mưa chiều 16-5 khiến nhiều tuyến đường ở TP như bị nhấn chìm. Ngoài “rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh thì còn có tuyến đường “khu nhà giàu” Quốc Hương (quận 2).

Nhiều tuyến đường khác như Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), đoạn từ rạch Bà Lựu, Mễ Cốc, Cây Trâm (quận Gò Vấp), Hồ Văn Tư (quận Thủ Đức), Lê Văn Việt - Lã Xuân Oai (quận 9)… cũng trong tình trạng tương tự.

“Tôi cứ nghĩ TP thuê máy bơm khủng rồi thì đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ không còn ngập nữa. Nhưng mới đầu mùa mưa đã ngập thì bao giờ TP mới hết ngập?” - chị Hồng Anh (ngụ quận Bình Thạnh) bức xúc.

Giải thích về câu chuyện TP chỉ mới chịu vài cơn mưa đầu mùa đã ngập nhiều nơi, ông Đỗ Tấn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TP), cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đường, hệ thống cống bị xuống cấp nghiêm trọng.

“Trong đó có những tuyến đường thấp hơn cả triều như đường Quốc Hương. Để giải quyết triệt để tình trạng ngập thì phải nâng cấp đồng bộ hạ tầng khu vực ngập, song hiện nay vẫn còn một tuyến đang chờ TP kêu gọi đầu tư” - ông Long lý giải.

Ông Long cho biết TP hiện có khoảng 6.000 km cống thoát nước hiện nay chưa đảm bảo và nhiều tuyến chưa có đường cống thoát nước nên ngập là một câu chuyện dễ giải thích vào lúc này. Đặc biệt khi nhiều dự án chống ngập quy mô vẫn chưa được hoàn thành.

Chỉ sau cơn mưa lớn kéo dài khoảng 30 phút là nhiều tuyến đường ở TP.HCM bị ngập sâu. Ảnh: ĐÀO TRANG

Người dân bì bõm dắt xe trong biển nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).  Ảnh: ĐÀO TRANG

Bài toán giải quyết ngập

Trước câu hỏi đặt ra vì sao đường Nguyễn Hữu Cảnh đã có máy bơm khủng nhưng vẫn ngập, ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung, cho biết đoạn đường bị ngập là chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh nối với Điện Biên Phủ. Khu vực này nằm ngoài phạm vi chống ngập và toàn bộ lượng nước từ Vinhome, Điện Biên Phủ đều đổ về vùng trũng là chân cầu Nguyễn Hữu Cảnh. Bên cạnh đó, hệ thống cống bị suy không, hướng thoát nước không chảy về trạm bơm nên không thể bơm toàn bộ lượng nước này ra được.

“Trước khi giải quyết bài toán căn cơ là nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Hữu Cảnh nói riêng và các tuyến đường gây ngập khác thì bài toán sử dụng máy bơm khủng sẽ mang lại hiệu quả” - ông Cường nhấn mạnh.

218 là số dự án giảm ngập nước năm nay được TP.HCM ban hành cuối tháng 3, cùng 77 dự án chuyển tiếp với tổng kinh phí gần 4.900 tỉ đồng; 47 dự án khởi công mới với tổng kinh phí hơn 1.800 tỉ đồng; 94 dự án chuẩn bị đầu tư với tổng kinh phí hơn 800 tỉ đồng. 

Để giải quyết điểm ngập ở chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, ông Cường cho biết đơn vị quản lý cần lắp đặt thêm một máy bơm nhỏ để đưa nước thoát ra khỏi khu vực này.

Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP, cho biết hiện TP có hai quy hoạch lớn: Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM (Quy hoạch 752) và Quy hoạch 1547 giải quyết bài toán ngập do triều (giai đoạn 1: Dự án 10.000 tỉ đồng đang triển khai).

“Mưa tới thì chúng ta phải tính toán làm công tác thế nào để nước mưa có chỗ chứa, đường thoát. Ngoài các quy hoạch kể trên thì ý thức người dân cũng là một trong những nguyên nhân khi rác đang lấp đầy các miệng cống khiến việc tiêu thoát nước tắc nghẽn” - ông Trực nói.

Nói về ngập do mưa, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, cho biết Quy hoạch 752 trước đây tư vấn đưa ra dự báo trạm vũ lượng là 98 mm trong vòng ba giờ mưa sẽ tràn cống, kênh rạch.

“Với các loại cống trên đường, mưa 88 mm sẽ tràn, tuy nhiên đến nay những con số này đã lạc hậu và đang cần cập nhật thêm. Trước mắt, TP sẽ triển khai 55 dự án thoát nước, dự án đã được HĐND thông qua về việc ghi vốn” - ông Dũng nói.

HĐND TP.HCM giám sát tình hình chống ngập

Vừa qua HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát tình hình chống ngập tại một số quận, huyện trên địa bàn TP.

Tại quận Bình Tân, đại diện UBND quận cho biết quận có 12 điểm ngập thường xuyên khi mưa lớn kết hợp triều cường. Nặng nhất là các tuyến đường Hồ Học Lãm, An Dương Vương, Kinh Dương Vương… với độ sâu trung bình 30-80 cm.

Về nguyên nhân ngập, đại diện này lý giải do địa hình thấp, quá trình đô thị hóa khiến các tuyến kênh rạch chính bị lấn chiếm làm cho dòng chảy bị thu hẹp; đồng thời hệ thống kênh rạch chưa được đầu tư theo quy hoạch, chưa đáp ứng được yêu cầu đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu…

Tại quận Tân Phú, ngập nước chủ yếu do hệ thống tiêu thoát nước cũ có tuổi đời hơn 20 năm đến nay đã bị xuống cấp, hư hỏng. Thêm vào đó, tình trạng người dân tự di dời, bít miệng cống khiến nước không thoát mỗi khi mưa lớn.

Một số đại biểu HĐND TP.HCM đánh giá các dự án chống ngập hoàn thành sẽ cải thiện phần nào đời sống người dân. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án ở một số nơi hiện nay còn khá chậm.

N.CHÂU 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm