TP.HCM ưu tiên 44.000 tỉ cho 5 dự án kết nối vùng

Theo Sở GTVT TP.HCM, việc ưu tiên đầu tư các dự án kết nối với Long An là rất cần thiết vì hiện nay các công trình kết nối giữa TP.HCM với Long An chưa nhiều. Ngoài ra, khi sân bay Long Thành hoàn thành, việc kết nối giao thông từ TP.HCM tới sân bay này cũng vô cùng quan trọng.

Quốc lộ 1A, một trong những tuyến đường huyết mạch kết nối TP.HCM
với tỉnh Long An hiện đã quá tải (Ảnh chụp trước 27-4). Ảnh: LP

Do đó, giai đoạn 2021-2025, TP đã ưu tiên đầu tư năm dự án kết nối liên vùng với tổng số vốn gần 44.000 tỉ đồng, trong đó có bốn dự án kết nối với tỉnh Long An và một dự án kết nối sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai).

Năm tuyến đường khơi thông, kết nối các tỉnh

Trong năm dự án được ưu tiên đầu tư có hai dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách TP (2.800 tỉ đồng), ba dự án còn lại là vốn từ trung ương, vốn PPP…

Cụ thể, dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa (đoạn Ngã ba Giồng - cầu TL9) kết nối với đường tỉnh 824 (huyện Đức Hòa) tại vị trí cầu Lớn (kết nối hiện hữu) dài 22 km (TP.HCM 7,3 km, Long An 15 km). Mặt cắt ngang bốn làn xe sẽ được đầu tư với chi phí dự kiến là 2.412 tỉ đồng.

Dự án nâng cấp mở rộng đường Long Hậu (đoạn từ đường Nguyễn Văn Tạo đến ranh Long An, huyện Nhà Bè) với chi phí là 388 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP.

Ba dự án còn lại sử dụng nguồn vốn trung ương, PPP… gồm đường Võ Văn Kiệt nối dài (đoạn vành đai 3 - giáp ranh Long An) kết nối Khu công nghiệp Hải Sơn - Tân Đô, huyện Đức Hòa (Long An). Trong đó, đoạn TP.HCM đầu tư mới dài 12,5 km, chiều rộng 40 m, đoạn tỉnh Long An đã đầu tư quy mô sáu làn xe với tổng kinh phí 13.837 tỉ đồng.

Dự án xây dựng đường mở mới phía Tây Bắc dài khoảng 19,8 km, điểm đầu tại quốc lộ (QL) 1A (quận Bình Tân) và điểm cuối tại vành đai 4, gần thị trấn Hậu Nghĩa (tỉnh Long An) có tổng mức đầu tư dự kiến là 7.500 tỉ đồng.

Theo đánh giá của Sở GTVT TP.HCM, đây là đường trục giao thông rất quan trọng kết nối TP.HCM đi Long An và các tỉnh miền Tây. Khi tuyến này hình thành được kỳ vọng chia sẻ lượng xe trên tỉnh lộ 9 và 10, cải thiện giao thông, tạo tiền đề phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cuối cùng là tuyến đường trên cao đi dọc theo đường tỉnh 25C vượt sông Đồng Nai, đi theo đường trục Bắc Nam kết nối với sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) quy mô 7-10 làn xe gần 20.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trung ương.

Tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông (Ban giao thông), cho biết hiện năm dự án trên đang được Sở GTVT chủ trì để đề xuất trình chủ trương đầu tư. UBND TP giao Sở GTVT và Sở KH&ĐT phối hợp trình chủ trương đầu tư trên cơ sở cân đối nguồn vốn.

Ông Phúc đánh giá: “Các dự án liên vùng vô cùng quan trọng và cấp thiết để hoàn thành đa mục tiêu. Năm dự án giải quyết bài toán thông thoáng cửa ngõ TP, tạo kết nối liên vùng, giải quyết được tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông. Ngoài ra, các dự án còn tạo sức bật, động lực phát triển kinh tế - xã hội không chỉ đường cửa ngõ TP mà còn phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Ông Phúc nhận định việc khó nhất khi làm dự án liên vùng là nguồn vốn thực hiện. Khi đã có vốn chính thức quyết định chủ trương thì bài toán mặt bằng sẽ nổi lên, còn vấn đề tổ chức thực hiện, điều phối giữa các đơn vị có thể kiểm soát được.

Theo ông Phúc, nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông trong những năm tới chỉ đạt khoảng 40% so với nhu cầu hiện tại. Do đó, TP cần tính toán nguồn vốn xã hội hóa hoặc nguồn lực từ quỹ đất hai bên đường các tuyến trên. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng phải đảm bảo, khi kiểm soát được tiến độ giải phóng mặt bằng thì tiến độ dự án trọng điểm sẽ được đẩy nhanh.

“Bên cạnh đó, giai đoạn 2021-2025, TP ưu tiên kết nối các cửa ngõ như QL1A về Kiên Giang, QL50 về Long An, QL22 về Tây Ninh và QL13. Các dự án cửa ngõ này sẽ được đầu tư song song khép kín các tuyến vành đai để tạo kết nối. Ưu tiên hàng đầu là phải khép kín vành đai 2, vành đai 3 thì mới đẩy nhanh phát triển giao thông cửa ngõ” - ông Phúc nói.

Còn theo Sở GTVT, xét đến liên kết vùng, ngoài ưu tiên năm dự án trên thì việc hoàn thiện đường vành đai 3 là vấn đề cấp bách vì đây là tuyến kết nối vùng có vai trò rất quan trọng đối với TP.HCM.

Sở GTVT TP.HCM lý giải nếu không phát triển vành đai 3, QL1A qua TP.HCM sẽ quá tải nghiêm trọng từ miền Đông sang miền Tây, đồng thời tạo ra điểm nghẽn trong giao thương của vùng. Đồng thời các tuyến cao tốc đã và đang được đầu tư như TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành… sẽ không phát huy hiệu quả tốt.•

Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện có 23 tuyến đường kết nối giữa TP.HCM và Long An cần được đầu tư. Trong đó, 12 đường hiện hữu cần được đầu tư mở rộng, kết nối đồng bộ; chín đường quy hoạch đã được duyệt và hai tuyến đường cần nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch. 

Ưu tiên bố trí vốn làm QL50

Vừa qua, HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng, mở rộng QL50 (huyện Bình Chánh). Tổng kinh phí xây dựng QL50 là 1.500 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP.

Dự án nâng cấp QL50 đoạn qua TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 6,92 km. Trong đó, một đoạn dài 4,36 km xây dựng mới đường song hành QL50 và đoạn thứ hai dài 2,56 km mở rộng QL50 hiện hữu (không bao gồm đoạn QL50 thuộc phạm vi dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành); mặt cắt ngang xây dựng rộng 34 m.

UBND TP ưu tiên bố trí đủ vốn ngân sách để thực hiện. Ngoài ra, UBND TP tập trung chỉ đạo chính quyền huyện Bình Chánh khẩn trương hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư dự án phần diện tích còn lại trong năm 2022. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm