TP.HCM tính lại khu đô thị hiện hữu 13 quận nội thành

TP.HCM đang xây dựng dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc đô thị mới (thay quy chế cũ sắp hết hạn). Theo đó, TP giao Sở QH-KT thực hiện hoàn thành dự thảo. Dự kiến trong tháng 8 tới, TP sẽ báo cáo lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng, trước khi trình HĐND TP.HCM thông qua.

Khu đô thị cũ hiện hữu bao gồm 13 quận nội thành hiện hữu theo Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung TP.HCM (ban hành ngày 29-8-2014). Đồ họa: HỒ TRANG

Khu đô thị hiện hữu không còn phù hợp

Cụ thể, theo báo cáo tổng kết quá trình triển khai thực hiện Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung TP.HCM (được ban hành ngày 29-8-2014) của Sở QH-KT TP.HCM (hồi cuối tháng 5), sở này cho rằng cần xác định lại khu đô thị trung tâm hiện hữu TP.

Sở này nhận định: “Khái niệm về khu đô thị hiện hữu bao gồm 13 quận nội thành hiện hữu: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và khu vực đô thị mới bao gồm sáu quận: 2, 9, Thủ Đức (TP Thủ Đức hiện nay), 7, 12, Bình Tân tại quy chế đến nay không còn phù hợp”.

Sở QH-KT cho rằng một phần lý do bất cập này vì với sáu quận được xác định là khu đô thị mới (2, 9, Thủ Đức (TP Thủ Đức hiện nay), 7, 12, Bình Tân) vẫn tồn tại những khu vực đô thị hiện hữu. Đồng thời TP Thủ Đức được thành lập theo địa giới hành chính các quận 2, 9, Thủ Đức trước đây.

Sở cho biết việc xác định khu đô thị hiện hữu như cũ sẽ gặp vướng mắc trong việc xác định đối tượng áp dụng quy chế sau này. Do đó, một số quy định cần xem xét, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn và tình hình mới.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Sở QH-KT TP.HCM thông tin hiện sở đang lập dự thảo về quy chế mới. “Theo Luật Kiến trúc (ngày 13-6-2019, Luật Kiến trúc được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua) thì chúng ta phải xây dựng lại các quy chế đã có. Vì đến ngày 31-12, tất cả quy chế trước đây không còn hiệu lực nên phải xây dựng quy chế mới” - đại diện Sở QH-KT TP cho biết.

Vị đại diện này cũng cho rằng quy chế mới sẽ xây dựng trên căn cứ Luật Kiến trúc và sẽ có cập nhật. Cái nào không còn phù hợp nữa thì phải áp dụng cái phù hợp hơn.

“Về 13 quận nội thành hiện hữu, tất nhiên TP sẽ có cập nhật trong bối cảnh TP Thủ Đức thành lập mới… Số lượng có thể không còn phù hợp nên chúng ta phải cập nhật. Ví dụ việc cập nhật phân loại đô thị không phù hợp thì mình làm lại cho phù hợp hơn…” - đại diện Sở QH-KT TP lý giải.

Sẽ có ảnh hưởng

“Quy chế quản lý kiến trúc đặt ra khái niệm khu đô thị hiện hữu và có quy chế quản lý, quy định kiến trúc riêng cho khu đó” - TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư (KTS) trưởng TP.HCM, cho hay.

Theo ông Cương, hiện nay khu đô thị hiện hữu không còn phù hợp là ở chỗ nó đang được xác định theo ranh giới hành chính, vì đô thị phụ thuộc vào quy hoạch. “Tính chất đô thị, các công trình… nó theo quy hoạch, theo nhu cầu của người dân, theo tiến độ phát triển. Do đó, việc đặt theo ranh giới hành chính là không phù hợp” - ông Cương phân tích.

Ông Cương góp ý thay vì đặt theo ranh giới hành chính, chúng ta có thể đặt theo khu vực trung tâm hạt nhân. Khu đó sẽ có quy định so với các khu khác, khu trung tâm hạt nhân sẽ có mật độ xây dựng có thể cao hơn, xây dựng lớn hơn… Ngoài khu trung tâm hạt nhân thì sẽ có trung tâm khác.

Ông Cương cũng cho rằng khi xây dựng quy chế mới, chúng ta cần kế thừa quy chế cũ, đồng thời cập nhật những diễn tiến mới là thành lập TP Thủ Đức.

“Khi có quy chế mới hoặc xác định lại khu đô thị hiện hữu thì chắc chắn người dân và những đối tượng có nhu cầu xây dựng, sửa chữa sẽ bị ảnh hưởng. Họ sẽ phải tuân theo quy chế quản lý kiến trúc mới. Thị trường bất động sản cũng sẽ tác động đôi chút khi việc xây dựng cao tầng, việc cấp phép xây dựng dự án cũng thay đổi” - ông Cương phân tích.

KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội KTS TP.HCM, lý giải thêm: Khu đô thị hiện hữu là những gì đã có sẵn, công trình kiến trúc đã có sẵn.

“Việc xây dựng khu đô thị hiện hữu theo quy chế mới như thế nào thì Sở QH-KT TP cũng sẽ có các tiêu chí để xác định. Việc xác định khu đô thị hiện hữu hay khu đô thị mới là rất quan trọng khi chính sách, quản lý kiến trúc trong tương lai sẽ ảnh hưởng theo quy chế đó” - ông Mười khẳng định.

Định hướng phát triển các khu đô thị hiện hữu

Theo quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung TP.HCM (ban hành ngày 29-8-2014), đối với khu vực đô thị cũ hiện hữu có 13 quận nội thành gồm: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú.

Định hướng phát triển: Phát triển khu vực đô thị cũ hiện hữu theo hướng hạn chế gia tăng dân số, từng bước bổ sung cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Đồng thời cải tạo chỉnh trang để có được sự đồng bộ về kiến trúc, cảnh quan đô thị. Song song là khuyến khích các dự án cải tạo chỉnh trang đô thị, trọn ô phố, tạo thêm các không gian mở, các công trình dịch vụ đô thị, tăng thêm chỗ đậu xe; hạn chế các dự án khoét lõm quy mô nhỏ, trong các hẻm nhỏ, thiếu kết nối đồng bộ với không gian đô thị hiện hữu.

Khu vực đô thị mới có sáu quận gồm: 2, 9, Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức), 7, 12, Bình Tân.

Định hướng phát triển: Theo nguyên tắc tập trung đầu tư xây dựng các khu vực đô thị mới có quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các công trình kiến trúc mới, hiện đại, có chất lượng thiết kế tốt và thân thiện môi trường; cảnh quan hài hòa với điều kiện tự nhiên từng khu vực, tạo lập được môi trường sống tốt và đặc trưng riêng của từng khu đô thị mới. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm