TP.HCM: Làm sạch những dòng kênh đầy rác

Hiện nay vẫn còn nhiều tuyến kênh, rạch phục vụ tiêu thoát nước trên địa bàn TP.HCM chưa được đầu tư nạo vét, chỉnh trang, cải thiện cảnh quan hai bên bờ. Điều này cũng là một trong các yếu tố làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân TP.

Do vậy, thời gian qua TP.HCM đã tập trung nguồn lực để cải tạo, chỉnh trang nhiều tuyến kênh, rạch trên địa bàn TP.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được nạo vét, khơi thông. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Nhiều con kênh vẫn còn đầy rác

Ghi nhận của PV vào những ngày cuối năm, dọc nhiều tuyến kênh, rạch ở địa bàn các quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh… đầy ắp các loại rác thải, dòng nước đen kịt và bốc mùi hôi thối.

Đơn cử là kênh Hy Vọng (đoạn chảy qua đường Phan Huy Ích, phường 15, quận Tân Bình) mặt nước bị bao phủ bởi nhiều rác thải sinh hoạt như túi nylon, chăn mền và nhiều thùng xốp. Đứng trên cầu quan sát, PV cảm nhận được mùi hôi của dòng kênh sộc thẳng vào mũi.

Gần đó, con kênh trên đường Phạm Văn Bạch (phường 15, quận Tân Bình) cũng bốc mùi hôi với rác thải chất đầy hai bên bờ.

Ông Phạm Chí Lơn (người dân khu vực) chia sẻ: “Mùa này còn đỡ, đến khi mùa nắng, trời nắng gắt thì mùi kênh còn kinh khủng hơn. Mùa mưa thì nước dâng cao, dòng kênh bẩn muốn chảy vào nhà gây ngập, cộng thêm muỗi xuất hiện. Những nhà có con nhỏ thì càng đáng lo hơn”.

Tương tự, kênh đường 19-5B (đoạn trong Khu công nghiệp Tân Bình, quận Tân Phú) cũng có dòng nước đen ngòm. Dù không có rác thải nhưng mùi hôi rất nồng nặc. Theo quan sát của PV, dòng nước đen bắt nguồn từ những cống thải ở khu vực này.

Ông Nguyễn Văn Sử, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân, cho biết hiện nay các tuyến kênh, rạch trên địa bàn quận bị xả thải vô tội vạ, lòng kênh bị bùn lắng, không phát huy được chức năng thoát nước. Tình trạng này là một trong những nguyên nhân gây ngập khu vực như lưu vực kênh Mười Xà, rạch Bà Tiếng, kênh Liên Xã, rạch Ông Búp, kênh liên khu 3-4….

Còn theo ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, trên địa bàn quận vẫn còn một số kênh, rạch ô nhiễm. Nguyên nhân chủ quan là do ý thức của người dân sống tại khu vực và người dân từ nơi khác đến vứt rác bừa bãi xuống kênh, rạch. Nguyên nhân khách quan là các tuyến kênh hở thường xuyên có bèo và các loại cây, cỏ dại mọc um tùm.

Cải thiện cuộc sống người dân

Thời gian qua TP.HCM đã tập trung thực hiện cải tạo, chỉnh trang nhiều tuyến kênh, rạch và phát huy hiệu quả như tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé, 18 tuyến kênh ở quận 12… Sau khi các tuyến kênh, rạch này được cải tạo, chỉnh trang thì diện mạo đô thị của TP đã có nhiều thay đổi, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch cũng như cải thiện cuộc sống người dân.

 

Tiếp tục cải tạo thêm nhiều kênh, rạch

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, thời gian tới TP vẫn sẽ tiếp tục triển khai thực hiện cải tạo, chỉnh trang thêm một số tuyến kênh, rạch chính trên địa bàn TP. Nội dung này cũng được lồng ghép trong chương trình đột phá “cải tạo, chỉnh trang đô thị” giai đoạn 2016-2020 được Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X thông qua.

Tuy nhiên, công tác này cũng gặp một số khó khăn như nguồn nhân lực của TP và việc kêu gọi tham gia đầu tư từ các nguồn nhân lực xã hội còn hạn chế. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khả năng thu ngân sách bị giảm đáng kể sẽ ảnh hưởng nhiều đến nguồn lực để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống thoát nước, cải tạo kênh, rạch.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM: Hiện nay công ty đang thực hiện vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm để đảm bảo dòng chảy và dòng kênh được trong, sạch.

“Chúng tôi bố trí, giám sát công nhân vớt rác một cách thường xuyên, sau thời gian thực hiện đã mang lại hiệu quả tích cực. Việc vớt rác trên kênh nếu được thực hiện thường xuyên, hợp lý sẽ đảm bảo tuyến kênh sạch, tạo ra cảnh quan đẹp cho khu vực” - ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng cho rằng rác thường xuyên xuất hiện trên kênh, rạch do hệ quả từ việc xả thải bừa bãi cũng như một số nguyên nhân khách quan khác. Vì vậy, duy trì công tác vớt rác trên kênh, rạch là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

“Ngoài hai con kênh chúng tôi đang thực hiện vớt rác thì nhiều con kênh khác cũng cần thực hiện công tác này thường xuyên” - ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau thời gian được cải tạo, chăm sóc đã mang một diện mạo mới, người dân cảm thấy rất phấn khởi. Đồng thời, việc này còn mang lại hiệu quả kinh tế cho TP. Cụ thể, đã có công ty đầu tư tàu du lịch trên kênh và hiện nay việc di chuyển trên dòng kênh này thông thoáng hơn, đẹp mắt hơn.

Ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết thời gian qua quận 12 đã thực hiện nhiều công trình cải tạo kênh, rạch trên địa bàn quận như rạch Rỗng Mọi - rạch Năm Lô, rạch Sơ Rơ... Việc kênh, rạch được cải tạo tốt sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm thay đổi diện mạo cho quận 12 nói riêng, TP.HCM nói chung.

“Rất mong TP tiếp tục bố trí ngân sách để thực hiện cải tạo, chỉnh trang các tuyến kênh, rạch vùng ven. Đây cũng là động lực để phát triển kinh tế đô thị cho TP” - ông Phúc kỳ vọng.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm