TP.HCM: Hàng rong bủa vây trước cổng bệnh viện

Trước cổng nhiều bệnh viện (BV) lớn trên địa bàn TP.HCM thường xuyên bị các xe hàng rong bủa vây. Không chỉ trên vỉa hè mà lòng đường xung quanh khu vực BV cũng bị các xe hàng rong lấn chiếm. Thậm chí có nơi lòng đường biến thành… chợ.

Tình trạng trên không chỉ ảnh hưởng đến an ninh trật tự mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt là cản trở các xe cấp cứu, xe cá nhân chở bệnh nhân vào BV.

Bát nháo trước cổng bệnh viện

Ghi nhận trước cổng BV Chấn thương Chỉnh hình (phường 1, quận 5), hàng rong được chia làm ba khu: Cổng chính, bãi giữ xe và khu cấp cứu của bệnh viện. Vào sáng sớm, các hàng rong chủ yếu bán đồ ăn sáng như bún bò, bún riêu, cháo… Khi lực lượng an ninh trong BV ra kiểm tra thì những xe hàng rong này tự động di chuyển qua phần đường bên kia. Sau khi lực lượng kiểm tra dời đi thì hàng rong lại trở lại vị trí cũ.

Đặc biệt, nhiều xe cấp cứu của BV rất khó khăn trong việc di chuyển tại khu cấp cứu vì hai nhánh dọc lối đi đã bị chiếm dụng để làm quầy hàng buôn bán.

Tương tự, dọc tuyến đường Võ Văn Kiệt, tại BV Bệnh nhiệt đới, những gánh hàng rong ngồi cố định và xe đẩy kéo dài trước cổng.

Còn BV Hùng Vương, dù đã có hàng rào ngăn cách tuyến đường với phần vỉa hè cho người đi bộ nhưng nhiều xe ôm, người bán nước, bánh mì vẫn dàn trải xung quanh cổng. Vỉa hè dành cho người đi bộ gần như bị lấn chiếm hoàn toàn, họ dựng dãy xe máy dọc vỉa hè, sau đó bày bàn ghế bán đồ ăn sáng.

Phức tạp hơn hẳn là trước cổng BV Chợ Rẫy (phường 12). Tại cổng ra vào dành cho ô tô, rác thải tràn lan với đủ các loại như ống hút, ly nhựa, bao bì nylon, hộp xốp... Cùng với đó là rất nhiều người đứng trước cổng BV để mua bán khiến giao thông ở đây luôn náo loạn, nhất là vào giờ cao điểm.

Hàng rong bủa vây trước cổng BV Chợ Rẫy. Ảnh: THU TRINH

Chị Cao Xuân Huệ (ngụ trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5) bày tỏ: “Cứ giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều là kẹt cứng. Kẹt xe một phần là do xe đưa đón bệnh nhân ra vào xung đột nhau giữa cổng BV, một phần chính là do những người bán hàng rong bày binh bố trận ở đây”.

Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè còn diễn ra tại các BV khác như BV ĐH Y Dược (quận 5), BV Răng Hàm Mặt Trung ương (quận 1)…

Tại Hội nghị tổng kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, quản lý trật tự đô thị và quản lý sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: TP có nhiều BV có cách tổ chức đồ ăn cho bệnh nhân trong căn tin đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu như vấn đề trên được nhiều BV quan tâm thì cũng là một mặt trận đấu tranh lại tình trạng buôn bán bên ngoài BV.

“Một mặt BV bên trong phải lo cho tốt, đồng thời bên ngoài địa phương phải hỗ trợ hết mình cho BV. Ở đâu xấu, ở đâu còn lem nhem, ở đâu còn mất trật tự nhưng dứt khoát ở mặt tiền BV phải trật tự” - ông Hoan khẳng định. 

Phải có giải pháp chống tái diễn

Trao đổi với PV, đại diện UBND phường 1, quận 5 cho biết chủ trương của UBND phường là giải tỏa trắng các xe hàng rong này để giữ mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, phải tìm giải pháp giúp người dân, cần có lộ trình giải quyết để người dân ổn định cuộc sống.

Lý giải thêm, vị đại diện này cho rằng việc giải tỏa trắng hàng rong không phải việc làm một sớm một chiều được. Vì vậy phường cần nắm hoàn cảnh của các hộ dân buôn bán hàng rong trước cổng BV. Sau đó có chính sách kết hợp với ban ngành, đoàn thể cùng vào cuộc vận động để chuyển đổi ngành nghề kinh doanh.

Cụ thể, UBND phường tìm hướng vận động các mạnh thường quân hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho người bán hàng rong và hỗ trợ những phương tiện sinh kế như xe máy. Trước đó, phường đã phối hợp cùng BV trang bị 26 camera tại các BV, hình thành hệ thống trung tâm điều khiển tại UBND phường để xử lý.

Còn theo đại diện UBND quận 1, quận thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng của TP xử lý lại lòng đường, vỉa hè, thậm chí cả những đoạn vỉa hè rộng không ảnh hưởng đến tình trạng giao thông. Bên cạnh đó, vận động các đơn vị làm thảm cỏ, bồn hoa…

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho hay TP có 7.800 tuyến đường với 5.000 km nhưng chỉ có 51,14% tuyến đường có vỉa hè. Đối với tình trạng buôn bán mất trật tự lòng, lề đường, TP nên cấp phép hoặc thu hồi giấy phép với doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh sử dụng vỉa hè ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Phải có chế tài vì nếu không thì khi kiểm tra xong sẽ lại tái diễn.

Công tác ngoài bệnh viện gặp khó

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y Tế TP.HCM, cho biết với số lượt khám chữa bệnh năm năm gần đây trung bình một năm tăng 10%-15%. Trong năm 2019 có 45 triệu lượt khám nội trú, bệnh nhân 2,5 ngoại trú nên việc giữ xe cho BV gặp khó khăn.

Việc bán hàng rong tại các BV như BV Chợ Rẫy, BV Ung bướu, BV Hùng Vương… đã gây ùn tắc giao thông, công tác giữ xe cho người khám chữa bệnh cũng gặp khó khăn.

Vấn đề hàng rong, hàng quán trước cửa BV là vấn đề từ xưa đến nay xảy ra rất nhiều. Cứ mỗi lần phối hợp với địa phương để giải quyết thì ra quân dẹp được hôm trước, hôm sau tái diễn vì hàng quán buôn bán theo hình thức di động.

“Sở Y tế cùng Công an TP đã ký kế hoạch liên tịch phối hợp chặt chẽ trong công tác an ninh trật tự. Thời gian tới, Sở Y tế mong muốn công tác phối hợp sẽ chặt chẽ hơn, giúp bộ mặt của BV khang trang, sạch đẹp hơn” - ông Nam nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm