TP.HCM giám sát việc xử lý ý kiến của dân về xả rác

Theo đó, TP sẽ giám sát việc xây dựng và ban hành nghị quyết của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp để triển khai cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước” gắn với việc đẩy mạnh thực hiện chương trình đột phá giảm ô nhiễm môi trường, giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020 tại địa phương, cơ quan, đơn vị…

Tiếp nhận tin báo về rác qua tin nhắn, hình ảnh, điện thoại

Bên cạnh đó, tăng cường giám sát việc triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý ý kiến của người dân qua tin nhắn, chụp ảnh, thư điện tử và điện thoại về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch trên địa bàn. Công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải rắn, nhất là việc phê duyệt quy hoạch hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn.

Người dân có quyền giám sát, phản ánh tình trạng xả rác bừa bãi, rác lấp bít cống thoát nước đến UBND phường, xã.

TP sẽ giám sát tiến độ giải quyết tình trạng các khu vực bị ngập nước do mưa, triều cường trên địa bàn; công tác xử lý tình trạng lấn chiếm cửa xả, hố ga thoát nước, rác thải xuống kênh, mương, lấp bít các miệng thu nước của cống thoát nước, công trình lấn chiếm trên kênh rạch.

Mục đích của việc giám sát nhằm đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU. Đồng thời,  nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu trong công tác tự kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở thực hiện cuộc vận động trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân…

Phát hiện khoan giếng, báo ngay cho quận

Đây là thông tin được lãnh đạo quận Phú Nhuận (TP.HCM) thông tin đến người dân về việc vận động, tuyên truyền người dân trám lấp giếng khoan. Theo đó, thông qua phần mềm trực tuyến, lực lượng chức năng quận Phú Nhuận, sẽ đến địa điểm mà người dân phản ánh để xử lý các trường hợp khoan giếng trong vòng 2 giờ.

Hiện nay, chương trình trám, lấp giếng đang được UBND quận Phú Nhuận phối hợp với Công ty CP Cấp nước Gia Định tuyên truyền người dân ngưng sử dụng giếng khoan và được hỗ trợ chi phí trám, lấp giếng. Theo thống kê, quận này còn khoảng 600 hộ dân sử dụng giếng khoan song song với nước máy.

Theo Công ty CP Cấp nước Gia Định, sử dụng giếng ngầm là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ sụt giảm nguồn nước ngầm và nhiều hệ lụy như sụt lún ngập nước, nhiều hệ quả về môi trường. Ngoài ra, việc sử dụng nước giếng khoan chưa qua xử lý sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe do có các chất độc tồn trong nước giếng. Nếu ở mức độ nhẹ có thể gây dị ứng da, nhiễm trùng đường ruột, gây bệnh tiêu chảy, nếu tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư và thậm chí dẫn đến tử vong.

Nếu người dân có nhu cầu trám lấp giếng sẽ được Công ty CP Cấp nước Gia Định hỗ trợ chi phí. Ảnh: ĐT

Trong năm 2019, công ty sẽ vận động khoảng 2.000 hộ dân trám, lấp giếng khoan và năm 2020 là 3.000 hộ. Từ năm 2021 đến 2025, công ty sẽ vận động 12.000 hộ dân thôi dùng giếng khoan để chuyển qua sử dụng nước sạch.

Được biết trong quá trình vận động người dân giảm và ngừng khai thác nước dưới đất còn gặp một số khó khăn. Các quy định hiện hành về quản lý tài nguyên nước chỉ yêu cầu giảm khai thác, chưa có quy định cấm; chưa có chế tài cụ thể đối với cá nhân, tổ chức đã được cấp nước nhưng vẫn sử dụng nước dưới đất. Bên cạnh đó, người dân đã quen với việc sử dụng nước giếng dự phòng khi bị cúp nước nên có một số hộ vẫn chưa đồng ý cho trám giếng.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn TP.HCM có khoảng 100.000 giếng khoan khai thác nước ngầm với nhiều kích cỡ, độ sâu khác nhau. Việc khai thác nước quá mức là một trong những nguyên nhân gây ngập úng, sụt lún cho TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm