TP.HCM giảm dần và tiến tới không còn chôn lấp rác

Hiện nay khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh ở TP.HCM khoảng 9.000 tấn/ngày. Tỉ lệ gia tăng CTRSH hằng năm khoảng 5% và việc xử lý chất thải của TP hiện nay chủ yếu là chôn lấp.

Vừa qua, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã chủ trì cuộc họp liên quan đến đồ án quy hoạch xử lý CTR TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, ông Võ Văn Hoan đã giao Sở TN&MT TP.HCM phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên hội đồng thẩm định. Bên cạnh đó, hoàn chỉnh nội dung “đồ án quy hoạch xử lý CTR TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050”. Sau đó trình Thường trực UBND TP thông qua để báo cáo Thường trực Thành ủy trước khi gửi Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

Phó chủ tịch UBND TP lưu ý trong quá trình hoàn chỉnh đồ án cần tập trung nghiên cứu, đề ra chính sách và giải pháp nhằm giảm phát thải bình quân đầu người dân TP. Bên cạnh đó cần định hướng, sắp xếp các điểm tiếp nhận CTRSH trên địa bàn phù hợp và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nội dung “đồ án quy hoạch xử lý CTR TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050” phải gắn với quy hoạch không gian đô thị, quy hoạch xây dựng vùng của TP. Sau khi đồ án quy hoạch xử lý CTR được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ được cập nhật vào quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất của TP.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, khoảng 80% CTRSH trên địa bàn TP được xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện hoặc tái chế, giảm dần và tiến tới không còn chôn lấp. Riêng CTRSH của huyện Cần Giờ định hướng nghiên cứu, vận chuyển về xử lý tại Khu công nghệ Môi trường xanh (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).

Định hướng đến năm 2025, CTR được xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh), Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc (huyện Củ Chi), Khu công nghệ Môi trường xanh (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).

Giai đoạn 2025-2050, CTR được xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc (huyện Củ Chi) và Khu công nghệ Môi trường xanh (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Các bãi chôn lấp cũ như Gò Cát, Đông Thạnh sẽ được định hướng cải tạo phục vụ công cộng, xây dựng các mảng xanh cho TP.

Ngoài ra, ông Hoan còn giao Sở TN&MT nghiên cứu quy hoạch trạm trung chuyển CTR trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, tiến tới xóa bỏ các trạm trung chuyển nằm trong khu dân cư đông; giảm số lượng, tăng diện tích và công suất của các trạm trung chuyển; giảm điểm hẹn thu gom CTRSH trên đường phố; quy hoạch các trạm trung chuyển chất thải nằm trên các tuyến đường vành đai của TP, xa khu dân cư…

Liên quan đến giải pháp quản lý CTRSH trên địa bàn TP.HCM, Sở TN&MT TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp để triển khai trong thời gian tới: Xây dựng các trạm trung chuyển ép rác kín, tiên tiến và hiện đại; Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi công nghệ xử lý rác của các nhà máy xử lý hiện hữu sang công nghệ đốt rác phát điện; Tiếp tục sắp xếp lại hoạt động thu gom rác dân lập, chuyển đổi lực lượng này thành các hợp tác xã hay doanh nghiệp có tư cách pháp nhân để quản lý có hiệu quả; Có cơ chế tài chính để hỗ trợ lực lượng dân lập chuyển đổi phương tiện thu gom rác phù hợp với mẫu phương tiện thu gom tại nguồn. 
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm