TP.HCM: Diện tích tối thiểu tách thửa sẽ còn 36 m2

Sở TN&MT TP.HCM vừa có dự thảo mới trình TP về diện tích tối thiểu để tách thửa hoàn toàn thay đổi so với các dự thảo cũ. Theo đó, diện tích tối thiểu để tách thửa rất cởi mở so với dự thảo cũ lẫn Quyết định (QĐ) 33/2014: 36 m2 với khu vực 1, 50 m2 với khu vực 2 và 80 m2 với khu vực 3.

Tách thửa khu đất lớn: Các sở sẽ hướng dẫn

Theo dự thảo lần này, địa bàn TP.HCM chia làm ba khu vực. Khu vực 1 gồm các quận nội thành 1, 3, 4, 5, 6, 8,10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú có diện tích tối thiểu khi tách thửa là 36 m2 (chiều rộng không nhỏ hơn 3 m).

Khu vực 2 gồm quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn các huyện có diện tích tối thiểu khi tách thửa đất ở là 50 m2 (chiều rộng không nhỏ hơn 4 m).

Khu vực 3 gồm các huyện còn lại trừ khu vực thị trấn, diện tích tối thiểu tách thửa đất ở là 80 m2, chiều rộng không nhỏ hơn 5 m.

Diện tích tối thiểu tại ba khu vực trên được coi là thấp nhất từ trước đến nay, kể cả quy định tại QĐ 33. Tại các dự thảo cũ, Sở TN&MT đề xuất chia hai khu vực, mỗi khu vực ứng với mỗi diện tích tối thiểu là 50 m2 và 80 m2.

Về nội dung “đất ở trên 2.000 m2 có phải làm dự án” hay không, lần này dự thảo không đưa vào. Thay vào đó, dự thảo quy định trường hợp tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật thì giao cho UBND quận, huyện rà soát các điều kiện về diện tích đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Sau đó, các địa phương căn cứ quy định về quy hoạch, xây dựng và hướng dẫn của sở, ngành theo quy định để hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện đảm bảo phù hợp quy hoạch, kết nối hạ tầng chung của khu vực.

Những căn nhà xây tạm vài chục mét vuông để được tách thửa theo diện “đất có nhà hiện hữu” theo QĐ 33/2014 ở phường An Phú Đông, quận 12 (TP.HCM). Ảnh: CT

Lập tổ công tác chuyên ngành

Về trách nhiệm UBND quận, huyện, dự thảo lần này yêu cầu nơi này phải thành lập tổ công tác liên ngành gồm phó chủ tịch UBND quận, huyện, phòng ban chuyên môn và đại diện UBND xã/phường/thị trấn nơi có đất xin tách thửa để giải quyết hồ sơ xin tách thửa.

Trường hợp khác thì mời thêm đơn vị có liên quan để giải quyết (chẳng hạn trường hợp tách thửa đất lớn có hình thành đường giao thông chính).

Trưởng phòng TN&MT huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn cho hay: “Dự thảo lần này phải nói là đẹp quá và đã ghi nhận tiếp thu rất nhiều góp ý từ các địa phương”. Tuy nhiên, ông còn chút lo lắng trước quy định phải thành lập tổ công tác liên ngành để giải quyết hồ sơ tách thửa.

“Tôi sợ sẽ không kịp thời hạn giải quyết vì theo quy trình ISO, hồ sơ tách thửa phải xong trong 15 ngày” - ông bày tỏ.

Phó Chủ tịch UBND quận 7 Đào Gia Vượng cũng đồng tình con số 50 m2 với khu vực 2. Theo ông, diện tích này là phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu, khả năng của người dân. Điều quan trọng cần giải quyết và kiểm soát là phải kết nối hạ tầng với xung quanh.

Hạ tầng kém không phải do diện tích tối thiểu

“Tôi mừng vô cùng với dự thảo mới” - chị Ngô Thị Bích Ly tại quận 12 cho hay.

“Tôi gom hết tiền bạc dành dụm và vay mượn mới được 1 tỉ đồng, vừa đủ để mua 55 m2 đất. Nếu tăng lên 80 m2 thì không biết tiền đâu tôi bù vào nên rất lo lắng. Nếu quy định mới này được áp dụng, tôi sẽ dễ thở hơn” - chị kể.

Trong vai trò là người bán, chị Lâm Ngọc Tuyết ở quận 9 đánh giá diện tích tách thửa 50 m2 tại các quận mới là hợp lý, vừa sức với người thu nhập thấp, đủ đẹp để xây dựng một ngôi nhà khang trang.

Theo dự thảo, Sở QH-KT được đề nghị giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các sở, ngành để hướng dẫn điều kiện thực hiện cơ sở hạ tầng đối với trường hợp tách thửa hình thành đường giao thông. Sở GTVT sẽ là đơn vị nghiệm thu hạ tầng kỹ thuật đối với từng trường hợp. Sở Xây dựng có nhiệm vụ hướng dẫn cấp phép xây dựng, hướng dẫn việc thực hiện hạ tầng kỹ thuật. 

Chị cho hay từng rất bức xúc với đề xuất cũ tại các quận 12, 7, Thủ Đức diện tích đất tách thửa phải 80 m2 vì sẽ khó khăn cho người dân nghèo.

“Diện tích tối thiểu không ảnh hưởng đáng kể đến người phân lô bán nền. Cùng lắm họ chỉ bán chậm lại một chút nếu con số này lớn, chỉ khó khăn là phía người mua không thể đủ tiền. Mặt khác, việc quy định diện tích tối thiểu tách thửa với con số lớn cũng không hạn chế được tình trạng phân lô hình thành khu dân cư nhếch nhác. Tại các quận Thủ Đức, quận 9 hay quận 12 có tình trạng người làm tốt hạ tầng, người làm không tốt. Nguyên nhân của việc này không phải do diện tích tách thửa nhỏ hay lớn” - chị Tuyết phân tích.

Theo chị, vấn đề là cần chấn chỉnh, siết chặt về hạ tầng của những khu đất lớn để hình thành đường giao thông và khu dân cư mới. Từ đó, bảo vệ quyền lợi người mua và tránh gánh nặng cho Nhà nước phải làm hạ tầng như tình trạng phân lô hộ lẻ những năm 2000.

Muốn chuyển mục đích và xây dựng, dứt khoát phải có hạ tầng

Lâu nay ta có suy nghĩ hễ tách thửa là gắn với xây dựng nên dẫn đến lo ngại nếu diện tích tối thiểu được tách thửa mà nhỏ là nguyên nhân hình thành các khu dân cư kém chất lượng.

Diện tích tách thửa liên quan đến quyền sở hữu của người dân, không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân lô tự phát hình thành các khu dân cư kém chất lượng. Đó là câu chuyện của quy hoạch, của cấp phép xây dựng và các sở/ngành, quận/huyện cần phải mạnh tay cứng rắn để quản lý vấn đề này. Muốn chuyển mục đích sử dụng đất ở, muốn xây dựng thì dứt khoát phải có hạ tầng, phải kết nối với khu vực.

Kiến trúc VÕ KIM CƯƠNG,
nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm