TP.HCM đặt mục tiêu giảm tỷ lệ thất thu nước sạch

UBND TP.HCM đã có quyết định về việc ban hành kế hoạch thực hiện chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm TP.HCM năm 2021.

Nhiều giải pháp cụ thể

TP.HCM đặt mục tiêu giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch dưới 18,93%; 100% hộ dân sử dụng nước sạch; điều chỉnh quy hoạch cấp nước TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; cải tạo cấu trúc mạng lưới chuyển tải và phân phối; phát triển hệ thống cấp nước thông minh…

Để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, như: nghiên cứu đề xuất áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường trong lĩnh vực khai thác, sản xuất cấp nước để định hướng áp dụng công nghệ cho các dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước trên địa bàn TP… Đồng thời, có giải pháp phát triển, khai thác nguồn nước an toàn, bền vững, nâng cao năng lực dự phòng và các phương án cấp nước khẩn cấp, sẵn sàng ứng phó với sự biến đổi của nguồn nước, đảm bảo an toàn cấp nước cho TP. Nghiên cứu sử dụng nguồn nước mưa, nước tái tạo, nguồn nước mặt lợ và nước dưới đất lợ, để đảm bảo nguồn nước cấp trong điều kiện biến đổi khí hậu cho nhu cầu nước của TP trong thời gian tới. Bên cạnh đó, TP sẽ nghiên cứu và lựa chọn công nghệ xử lý bùn cho các nhà máy nước trên địa bàn.

Năm 2021, TP.HCM đặt mục tiêu giảm tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch dưới 18,93%. Ảnh: N. NHI

Ngoài ra, TP đề ra giải pháp nghiên cứu hệ thống cấp nước hiện hữu để phân vùng cấp nước; đầu tư xây dựng mạng lưới cấp nước để phân vùng cấp nước thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để xây dựng bể chứa nước sạch…

TP sẽ áp dụng theo khung mới cho giá nước sạch

Được biết, Thông tư số 44/2021 của Bộ Tài chính về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt chính thức có hiệu lực từ ngày 5-8-2021. Theo đó, giá bản lẻ nước sạch bình quân do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định nhưng phải phù hợp với khung giá nước sạch (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) như sau:

* Tại đô thị đặc biệt, đô thị loại 1, mức giá từ 3.500 đồng đến 18.000 đồng/m3.

* Tại đô thị loại 2, 3, 4, 5, mức giá từ 3.000 đồng đến 15.000 đồng/m3.

* Tại khu vực nông thôn, mức giá từ 2.000 đồng đến 11.000 đồng/m3.

Theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị và Nghị quyết số 1210/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, TP.HCM và Hà Nội là đô thị đặc biệt. Do đó, khung giá nước tại TP.HCM sẽ có giá thấp nhất là 3.500 đồng/m3 và cao nhất là 18.000 đồng/m3.

Hàng năm, đơn vị cấp nước chủ động rà soát việc thực hiện phương án giá nước sạch và giá nước sạch dự kiến cho năm tiếp theo. Trường hợp các yếu tố chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch biến động làm giá nước sạch năm tiếp theo tăng hoặc giảm, đơn vị cấp nước lập hồ sơ phương án giá nước sạch gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh.

Đối với trường hợp sau khi đơn vị cấp nước rà soát, giá thành một m3 nước sạch năm tiếp theo biến động tăng ở mức đơn vị cấp nước cân đối được tài chính thì đơn vị cấp nước có công văn gửi Sở Tài chính để báo cáo UBND thành phố/tỉnh về việc giữ ổn định giá nước sạch.

TP.HCM đảm bảo đủ nước sạch cho những khu cách ly tập trung

Công ty CP Cấp nước Tân Hòa (thuộc Sawaco) vừa khẩn trương thi công và hoàn thành trong ngày về việc gắn đồng hồ nước 100 ly, đảm bảo cung cấp nước liên tục, an toàn và miễn phí cho Bệnh viện Dã chiến số 11 đặt tại số 2, đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh (quận Tân Phú).

Bệnh viện Dã chiến số 11 đặt trên khu đất có diện tích hơn 22.000 m2, dự kiến ngày 10-8 đưa vào hoạt động, đáp ứng khoảng 3.000-4.000 giường điều trị COVID-19. Trước đó, một số đơn vị cấp nước trực thuộc Sawaco cũng đã lắp đặt hệ thống cấp nước để cung cấp nước sạch cho các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm