TP.HCM: Có nên mở phố đi bộ ở ngoại thành?

Mới đây, Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức giám sát kết quả thực hiện chủ đề năm 2020 về đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Tại cuộc họp, ông Tăng Hữu Phong, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, đã kiến nghị UBND TP.HCM xem xét việc mở phố đi bộ ở các quận, huyện ngoại thành.

Sẽ đánh giá nhu cầu của người dân

Lý do đề xuất mở phố đi bộ ở các quận, huyện ngoại thành, ông Tăng Hữu Phong cho rằng để tạo công bằng trong thụ hưởng văn hóa của người dân.

Theo ông Phong, hiện TP.HCM mới có hai phố đi bộ là Nguyễn Huệ và Bùi Viện (quận 1). Ngoài ra có đường sách Nguyễn Văn Bình cũng đặt ở quận 1 nên thuận tiện cho người dân ở trung tâm TP. Tuy nhiên, người dân ở các quận, huyện ngoại thành muốn đến tham quan thì cũng khó khăn vì quá xa.

Chị Thanh Hà (quận 12) bày tỏ: “Tôi nhớ có một năm người ta tổ chức chợ hoa tết ở đường Lê Thị Riêng (phường Thới An, quận 12). Lúc đó không khí rất hào hứng, phấn khởi, thu hút đông người tham gia, cũng chẳng khác gì phố đi bộ cả. Tôi nghĩ dù ở các quận, huyện ngoại thành hay các quận trung tâm thì việc hưởng thụ văn hóa của người dân cũng nên bình đẳng”.

Anh Cao Tùng (ngụ quận Bình Tân) cho biết: Đa phần các quận, huyện ngoại thành đều thiếu địa điểm vui chơi, giải trí như công viên, phố đi bộ… nên người dân cũng rất lười ra ngoài. Nếu có phố đi bộ một cách đúng nghĩa như đường Nguyễn Huệ, đường Bùi Viện thì sẽ tiện ích hơn cho người dân.

Trao đổi với PV, đại diện UBND quận Bình Tân cho biết: Phố đi bộ sẽ phục vụ nhu cầu giải trí của người dân. Sắp tới, UBND quận sẽ tìm hiểu, đánh giá nhu cầu của người dân. Đồng thời, quận cũng tham khảo tại các phố đi bộ như Nguyễn Huệ, Bùi Viện, sau đó xem xét, đánh giá việc triển khai phố đi bộ có phù hợp trên địa bàn quận hay không.

Người dân xuống phố Bùi Viện (quận 1, TP.HCM) vui chơi thời điểm trước dịch. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cần chọn vị trí và quy hoạch tốt

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho rằng nếu TP tạo thêm không gian đi bộ cho người dân ở quận, huyện ngoại thành là tốt. Tuy nhiên, phải có quy hoạch tốt, chọn vị trí tốt và mục tiêu hướng đến ưu tiên phục vụ cộng đồng thì tính khả thi sẽ cao.

Ông Sơn cho hay ở nhiều nước trên thế giới, ngoài khu vực trung tâm thì những nơi ngoại thành họ cũng rất ưu tiên làm phố đi bộ cho người dân. Khi cộng đồng dân cư hình thành thì khu vực trung tâm (bao gồm cả trung tâm của quận, huyện ngoại thành đó) sẽ có phố đi bộ làm mối liên kết các chức năng phục vụ cộng đồng như thương mại, hành chính, văn phòng, văn hóa triển lãm, sinh hoạt giải trí…

Trong đó, tuyến đường có chức năng kết nối và có khả năng làm phố đi bộ cần kết hợp cây xanh, mặt nước tạo cảnh quan để mọi người giao lưu, sinh hoạt, thư giãn.

Ngoài ra, kiến trúc sư Nam Sơn cho rằng nếu mở phố đi bộ và chỉ phục vụ dịch vụ thương mại, ăn uống thì cũng khả thi nhưng chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, cần kết hợp đa dạng các chức năng, ưu tiên phục vụ cộng đồng, sau đó phục vụ khách du lịch.

Theo ông Sơn, khi làm đúng cách, lượng khách thường xuyên sẽ tăng lên, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển dự án và dịch vụ thương mại. Đây là sẽ nguồn thu nuôi sống phố đi bộ cũng như nguồn thu ngân sách nhà nước.

“Nếu chọn được vị trí tốt, quy hoạch tốt thì việc mở phố đi bộ ở quận, huyện ngoại thành, TP cũng nên khuyến khích” - ông Nam Sơn góp ý.

Theo đánh giá của PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng Khoa đô thị học (Trường ĐH KHXH&NV), khi mở phố đi bộ ở các quận, huyện ngoại thành thì cơ quan chức năng cần xem xét kỹ lưỡng. Bởi mở thêm phố đi bộ phải gắn liền bối cảnh của khu vực và yếu tố hỗ trợ như khách du lịch, tụ điểm vui chơi giải trí, hoạt động thu hút người dân. Nếu không tính toán kỹ lưỡng thì mở phố đi bộ sẽ không có ý nghĩa gì và không thành công.

“Thông thường phố đi bộ được mở ở nơi dân cư đông đúc và mở theo nguyên tắc có lực hút người dân, khách du lịch đến. Phố đi bộ Nguyễn Huệ phát triển và thu hút vì nó gắn liền với người nước ngoài và khách du lịch” - PGS-TS Nguyễn Minh Hòa nhận định.

Sắp có phố đi bộ không rượu bia ở quận 10

Dự kiến tháng 9-2020 phố đi bộ không rượu bia ở quận 10 sẽ được vận hành.

Phố đi bộ được thiết kế dài hơn 100 m, từ ngã ba Nguyễn Lâm - Bà Hạt đến Nguyễn Lâm - Nhật Tảo. Địa điểm cụ thể là khu xung quanh kỳ đài Quang Trung (đường Nguyễn Lâm), khu vực bốn bãi giữ xe hiện hữu.

Dự kiến có 48 gian hàng ẩm thực, đồ lưu niệm cùng với các hoạt động văn hóa, âm nhạc đường phố, trò chơi... Phố đi bộ này sẽ mở cửa từ 18 giờ đến 23 giờ mỗi ngày. Tuyến đường Nguyễn Lâm sẽ hạn chế xe ra vào trong thời gian phố đi bộ hoạt động. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm