TP.HCM cần thêm nhiều cầu qua kênh Tẻ

“Việc mở rộng cầu Kênh Tẻ chỉ là giải pháp tình thế nhằm giảm phần nào áp lực lên cây cầu đã quá tải này từ nhiều năm qua. Vấn đề căn bản là phải làm thêm nhiều cầu bắc qua kênh Tẻ để kết nối không chỉ quận 1, 4 với quận 7 mà với cả khu đô thị mới phía Nam”.

Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, đã đặt vấn đề như trên với Pháp Luật TP.HCM trước thông tin tháng 7 tới, TP sẽ mở rộng mặt cầu Kênh Tẻ hiện hữu.

Khởi động sau 10 năm quy hoạch (!?)

Tại bản quy hoạch giao thông TP được Thủ tướng phê duyệt năm 2007 và bản điều chỉnh quy hoạch năm 2013 đã xác định phải làm cầu Kênh Tẻ 2 (còn gọi là cầu Long Kiểng) để phát triển trục giao thông Bắc-Nam TP. Dự án bắt đầu từ đường Hoàng Diệu, nơi chân cầu Ông Lãnh đến vòng xoay Tôn Đản và Vĩnh Hội, quận 4. Sau đó là cầu vượt trên đường Tôn Thất Thuyết băng qua kênh Tẻ để nối vào đường Lê Văn Lương…

Sau hơn 10 năm xuất hiện trên bản quy hoạch, đến nay cầu Kênh Tẻ 2 vẫn… nằm yên. Mới đây, Sở GTVT, UBND TP đã đưa dự án tuyến trục Bắc-Nam vào trong 12 dự án trọng điểm, cấp bách, đề nghị Chính phủ sớm tháo gỡ về vốn, cơ chế đầu tư xây dựng…

Nguồn tin từ Sở GTVT cho hay có thể sau khi thi công xong nút giao thông Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Hữu Thọ, TP xây dựng cầu Kênh Tẻ 2. Bởi nút giao trên đã và đang là điểm nóng về ùn tắc giao thông. Khi nào nút giao thông này hoàn thành thì việc xây cầu Kênh Tẻ 2 mới phát huy tác dụng (do cầu Kênh Tẻ 2 nối theo đường Lê Văn Lương kết nối trực tiếp ra Nguyễn Văn Linh).

Cầu Kênh Tẻ hiện hữu luôn kẹt xe cả hai chiều vào giờ cao điểm và thấp điểm. Ảnh: LĐ

Sơ đồ vị trí hai cầu mới vượt kênh Tẻ. Đồ họa: TETĐI

Tiếp sức bằng cầu Nguyễn Khoái

Cuối năm 2016, UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư xây cầu Nguyễn Khoái. Theo đó, công trình có tổng chiều dài khoảng 1.000 m, phần cầu dài 346 m, rộng 22,5 m với tổng kinh phí khoảng 1.250 tỉ đồng.

Công trình bắt đầu từ đường D1 khu dân cư Him Lam, quận 7 vượt qua kênh Tẻ nối vào đường Nguyễn Khoái và chạy đến điểm cuối là đường Bến Vân Đồn, quận 4.

Trong giai đoạn tiếp theo, từ Bến Vân Đồn sẽ làm một cầu vượt rạch Bến Nghé để nối vào đường Trần Đình Xu, quận 1. Như vậy, khi toàn bộ hai dự án hoàn thành thì sẽ có một mạch giao thông cầu, đường mới nối kết giữa quận 1 với quận 4, 7 và chạy nối xuống khu Nam Sài Gòn.

Trước mắt, phần cầu Nguyễn Khoái do Khu Quản lý Giao thông đô thị số 4 (Sở GTVT) làm chủ đầu tư và dự kiến khởi công trong năm 2017, hoàn thành sau 18 tháng.

Điều thuận lợi cho việc sớm làm cầu Nguyễn Khoái là đến nay, từ trong khu dân cư Him Lam, chủ đầu tư khu đất này đã tự làm một đoạn đường D1, cầu Ông Đội để chạy ra giao cắt với đường Trần Xuân Soạn.

Chuyển hướng từ trục Đông-Tây sang Bắc-Nam

Những năm qua, hạ tầng TP.HCM đã được tập trung đầu tư theo hướng, trục Đông-Tây nên tình trạng ùn tắc theo đó đã được kéo giảm. Trong khi đó hướng, trục Bắc-Nam ngày càng có nhiều khu dân cư, khu công nghiệp, cảng biển… nhưng hạ tầng chưa được đầu tư thích hợp. Hệ thống cầu, đường hiện có ở khu vực đang bị quá tải ngày càng nặng.

Cụ thể, việc kết nối khu Nam với khu trung tâm hiện chỉ thông qua các cầu Nhị Thiên Đường, Chánh Hưng, Chữ Y, Nguyễn Văn Cừ, Tân Thuận và Kênh Tẻ. Đến nay các cầu này không kham nổi lưu lượng người, xe ngày càng gia tăng do mặt cắt ngang của chúng quá hẹp, với mỗi chiều chỉ có một làn cho ô tô và một làn xe máy.

Tháng 7 tới, cầu Kênh Tẻ và cầu Chữ Y sẽ được mở rộng. Tiếp theo, dự án cầu, đường Nguyễn Khoái được khởi công. Tôi hy vọng việc này sẽ sớm góp phần kéo giảm ùn tắc cho hướng, trục Bắc-Nam của TP.

Ông Bùi Xuân CưỜng, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM

Xây cầu, làm đường là cấp bách

Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, TP cho rằng các khu dân cư đô thị ở Nhà Bè, quận 7 phát triển rất nhanh, đặc biệt là khu đô thị cảng Hiệp Phước. Việc này khiến nhu cầu giao thông vào trung tâm TP và ngược lại rất lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc... Do đó, việc mở đường, cầu mới là cần thiết, cấp bách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm