TP.HCM: Cần sửa lại tên đường đặt sai tên nhân vật lịch sử

Ngày 22-9, Sở VH-TT TP.HCM có báo cáo gửi đến UBND TP.HCM về việc 38 tên đường không chính xác trên địa bàn TP. Đây là kết quả nghiên cứu của Đề án công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM - Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020. Sở VH&TT TP.HCM cũng đã lấy ý kiến Hội Khoa học lịch sử về vấn đề này.

Trong đó, báo cáo nêu rõ bốn nhóm cụ thể không chính xác gồm: Nhóm thứ nhất (năm đường) là nhân vật trên bảng tên đường bị sai so với quyết định của UBND TP. Nhóm thứ hai (sáu đường) là các nhân vật lịch sử do quyết định của UBND TP đặt sai họ tên. Nhóm thứ ba (tám đường) là các nhân vật lịch sử được đặt tên không chính xác. Trong ba nhóm này tổng cộng có 19 tên đường không chính xác, vì vậy Sở VH&TT kiến nghị điều chỉnh tên đường cho chính xác theo tên nhân vật lịch sử.

Còn lại 18 tên đường thuộc nhóm thứ tư sai do các nhân vật lịch sử được gọi theo phương ngữ và lệ kỵ húy, sở đề xuất TP giữ nguyên 17 tên đường hiện hữu để tránh xáo trộn, gây ảnh hưởng đến người dân. Riêng một con đường mang tên Trương Đình Hợi được đề nghị thay thế bằng tên khác vì trong lịch sử không có nhân vật mang tên này và ở quận 8 đã có đường Trương Đình Hội.

Pháp Luật TP.HCM đã có trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, người từng có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử địa danh, địa chí Sài Gòn - TP.HCM.

Các tên đường được đề xuất đổi tên vì đang sai. Các đường sẽ được đổi thành: Trương Quốc Dụng, Phạm Văn Tráng, Kha Vạng Cân. Ảnh: QUỲNH TRANG

Nhiều tên trùng ở các quận, huyện từ lâu đời

. Phóng viên: Thưa ông, là một trong những nhà nghiên cứu độc lập từng có mặt trong Hội đồng đặt, đổi tên đường TP.HCM những năm đầu tiên (1996-2005), ông có thể phác thảo tiến trình đặt lại tên đường của TP.HCM?

+ Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư:Sau 30-4-1975, TP.HCM được kết hợp từ ba đơn vị hành chính lớn riêng biệt có từ thời Pháp và Việt Nam Cộng hòa là TP Sài Gòn, TP Chợ Lớn và tỉnh Gia Định. Trên địa bàn mỗi đơn vị hành chính này từ trước đã tồn tại những đường phố do chính quyền địa phương đó tự chọn. Thời Pháp, hầu hết đường phố mang tên người Pháp, địa danh Pháp. Đến năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng hòa có chủ trương đổi tất cả tên đường tiếng Pháp sang tên Việt Nam. Các tên đường tỉnh Gia Định đổi do đại biểu Chính phủ Nam Việt đổi theo đề nghị của tỉnh trưởng sở tại. Các tên đường tại Chợ Lớn và Sài Gòn gọi chung là Đô thành Sài Gòn thì do đô trưởng Sài Gòn đổi. Chính vì thế có việc trùng tên đường. Sau 30-4-1975, thẩm quyền đặt tên đường chưa được chính quyền TP quy định cụ thể nên các quận tự đặt theo nhu cầu quản lý hành chính, từ đó tiếp tục trùng tên đường giữa các quận.

. Vậy việc đặt sai tên diễn ra nhiều nhất vào giai đoạn nào, thưa ông?

+ Việc đặt tên đường ghi tên nhân vật lịch sử chưa đúng thì trước hay sau năm 1975 đều có những tên sai với lịch sử. Ví dụ như Lương Nhữ Học, Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Văn Tráng, Trương Quốc Dung… là sai từ đợt đặt tên đường vào năm 1955.

Những tên đường được đặt mới sau năm 1975 cũng nhiều tên sai và có những tên tôi không biết đúng hay sai bởi tên tuổi họ thiếu vắng trong sử sách, tra cứu không có.

Trả đúng tên nhưng lưu ý thủ tục hành chính thuận tiện cho dân

. Những đề xuất đặt, đổi tên đường đã có bao giờ được thực hiện rốt ráo chưa, thưa ông?

+ Sau năm 1975, hàng trăm con đường ở Sài Gòn toàn tên các vị mới. Dân chúng không biết vì đó là những vị hoạt động bí mật ở chiến khu, vì viết tên nôm na lại không có tài liệu giải thích thành tích nên dân chúng hoang mang. Khi đổi tên đường mới cũng không ghi chú bảng tên đường cũ cho người dân quen thuộc, vì thế anh em chạy xích lô, xe ôm một thời gian khó hoạt động vì không tìm ra địa chỉ. Mấy ai biết Đoàn Văn Bơ, Huỳnh Văn Bánh là ai… Tôi thấy cần có một quyển sách để giải thích nghiên cứu nên tôi dành 10 năm đi từng con đường, đạp xe trên TP để ra quyển sách Đường phố nội thành TP.HCM (1993).

Sau khi sách xuất bản, Sở VH&TT mời tôi vào Hội đồng đặt đổi tên đường TP từ năm 1996. Sau đó, hội đồng đã nghiên cứu đặt được những con đường mang tên lịch sử: Hoàng Sa, Trường Sa, Nguyễn Hữu Cảnh… Khi đó các con đường này vẫn chưa làm xong, chúng tôi đặt để có tên trước và đường tiếp tục làm.

Ở nhóm thứ hai có sáu đường là các nhân vật lịch sử do quyết định của UBND TP.HCM đặt sai họ tên: Dương Tụ Quán (tên đúng) - Dương Tự Quán (tên hiện hữu), Phạm Khiêm Ích - Phan Khiêm Ích, Nguyễn Đình Quản - Lê Đình Quản, Raymonde Dien - Raymondiene, Phan Thị Hối - Phạm Thị Hối, Hoàng Xuân Hành - Hoàng Xuân Hoành. 

. Dưới góc nhìn của ông, việc trả đúng tên nhân vật lịch sử quan trọng như thế nào?

+ Từ khi còn trong hội đồng lẫn khi không còn là thành viên, tôi vẫn yêu cầu, mong muốn sửa cho chính xác tên các nhân vật. Bởi sai tên thì nhân vật đó thành ra không có thực, không có các ông Trương Quốc Dung, Nguyễn Văn Tráng, Hoàng Đức Tương… mà phải là Trương Quốc Dụng, Phạm Văn Tráng, Hoàng Đức Lương… Việc đặt, đổi tên đường sau khi trình qua các bên thì phải được HĐND thông qua. Hồi đó chúng tôi đã đề xuất nhưng có lẽ HĐND nhiều bề bộn nên khi thảo luận đặt tên đường thì cuối phiên họp, thời gian không còn đủ nên đành để lại.

Tuy nhiên, việc thay đổi khó nhất cho người dân. Quan trọng chính quyền phải thấy đây là việc của chính quyền, khi đề nghị đổi thì nên có thủ tục giúp dân chúng. Thời gian đầu có thể vẫn giữ địa chỉ cũ của người dân, chỉ cần quận cung cấp giấy xác nhận đó là tên đường đúng, những cơ quan hành chính khác không thắc mắc, làm khó người dân thì dần dần việc thay đổi cho đúng sẽ làm được tốt.

. Xin cám ơn ông.

TP.HCM nên có tên đường thống nhất, không trùng nhau

TP.HCM: Cần sửa lại tên đường đặt sai tên nhân vật lịch sử ảnh 3
 

Việc đổi tên đường của TP.HCM là quá trình từ năm 1975 đến nay và khá phức tạp. Bởi TP.HCM là tổng thể của TP Sài Gòn, TP Chợ Lớn và tỉnh Gia Định, là những đơn vị hành chính khác nhau nên có những tên đường trùng nhau như Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt… hay gần nhất là đường Lê Văn Duyệt thì Sài Gòn cũng có và Gia Định cũng có.

Hội đồng đặt, đổi tên đường TP.HCM làm việc trên nguyên tắc mong muốn TP.HCM có hệ thống tên đường thống nhất, không nên trùng nhau. Thứ đến, làm sao việc đặt tên đường không gây nhầm lẫn cho người dân dưới góc nhìn lịch sử. Ví dụ, có những nhân vật lịch sử có tên húy, biệt hiệu… như Quang Trung - Nguyễn Huệ, Đinh Bộ Lĩnh - Đinh Tiên Hoàng… Hiện nay chúng ta đang có tất cả tên đường này, vậy làm sao việc đặt tên đường tránh nhầm lẫn nhân vật Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai người khác nhau.

Và đặc biệt, với việc sai tên như Trương Quốc Dung, Kha Vạn Cân…. thì phải sửa cho chính xác thành Trương Quốc Dụng, Kha Vạng Cân… Đó là những cố gắng làm sao để đúng lại tên của nhân vật lịch sử, cái gì sai thì nên đổi.

PGS-TS PHAN XUÂN BIÊNPhó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử 
Việt Nam, Ủy viên Hội đồng đặt, đổi tên đường TP.HCM

Chú ý đặc trưng phương ngữ miền Nam

TP.HCM: Cần sửa lại tên đường đặt sai tên nhân vật lịch sử ảnh 4
 

Ngoài việc tôn trọng tính chính xác của tên nhân vật, sự kiện lịch sự thì cũng cần quan tâm đúng mức đến yếu tố đặc trưng văn hóa vùng miền trong phát âm chữ Hán.

Trường hợp có cần thay đổi hay không cách đọc theo lệ kỵ húy của triều Nguyễn là một ví dụ. Việc điều chỉnh tên đường đọc theo lệ kỵ húy của nhà Nguyễn là không cần thiết vì không sai nghĩa gốc của từ, cách đọc đó là đặc trưng văn hóa của vùng đất Sài Gòn - Gia Định nói riêng và Nam bộ nói chung, vốn là vùng đất gắn liền với công lao triều Nguyễn. Nên các từ: Phúc - Phước, Cảnh - Kiểng, Tông - Tôn, Thì  - Thời, Nhậm - Nhiệm, Vũ - Võ, Châu - Chu, Chính - Chánh… trong các tên như Hà Tông Quyền (hiện là Hà Tôn Quyền), Lê Thánh Tông (Lê Thánh Tôn), Ngô Thì Nhậm (Ngô Thời Nhiệm), Tông Đản (Tôn Đản)… không cần thiết thay đổi.

GS-TS VÕ VĂN SEN, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm