TP.HCM bắt đầu triển khai bồi thường tuyến metro số 2

Trong buổi chủ trì làm việc với các sở, ngành, UBND các quận và Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR) về tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, đề nghị các đơn vị phải bàn giao mặt bằng trong tháng 6.

Các quận chạy nước rút

Trước sự chỉ đạo quyết liệt của ông Trần Lưu Quang, các quận, sở, ngành và MAUR đã tích cực đẩy nhanh công tác bồi thường tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật.

Theo MAUR, đến nay trong tổng diện tích 251.136 m2 với 602 trường hợp bị ảnh hưởng bởi tuyến metro số 2, các địa phương đã bàn giao được 53 trường hợp. Cụ thể, quận 1 bàn giao được hai trường hợp, quận 3 bàn giao được 37 trường hợp, quận 10 bàn giao được một trường hợp, quận 12 chưa bàn giao đất, quận Tân Bình bàn giao 12 trường hợp và quận Tân Phú bàn giao một trường hợp.

Trước yêu cầu bàn giao mặt bằng gấp rút như hiện nay, ngày 28-5, UBND quận 10 đã tổ chức thu hồi đất để thực hiện dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư phục vụ xây dựng tuyến metro số 2 trên địa bàn.

Tiếp đó, ngày 29-5, UBND quận Tân Phú đã tổ chức bàn giao quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng tuyến metro số 2 trên địa bàn cho 19 trường hợp. Trong đó bao gồm cả các tổ chức và hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Tất cả 19 trường hợp ở quận Tân Phú đều bị ảnh hưởng một phần bởi dự án.

Đại diện một công ty thực phẩm bị ảnh hưởng bởi dự án chia sẻ sự đồng tình và ủng hộ với quyết định thu hồi đất để phục vụ công trình. Công ty này cam kết sẽ là đơn vị tiên phong trong việc sớm bàn giao mặt bằng để phục vụ xây dựng dự án.

Tương tự, các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án metro số 2 trên địa bàn quận Tân Phú cũng mong muốn TP sớm khởi công tuyến metro số 2. Từ đó giúp người dân sớm được sử dụng một trong những loại hình giao thông công cộng tân tiến nhất hiện nay.

Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Phú sẽ trực tiếp hướng dẫn từng tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dự án các thủ tục để được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.

MAUR cho biết việc người dân TP, đặc biệt là người dân các quận bị ảnh hưởng bởi tuyến metro số 2, ủng hộ và bàn giao mặt bằng là sự động viên rất lớn đối với các quận và chủ đầu tư. Việc này sẽ giúp các đơn vị nhanh chóng có mặt bằng sạch để thực hiện dự án đúng tiến độ.

Ban Đô thị HĐND TP.HCM khảo sát các ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2. Ảnh: ĐÀO TRANG

Đảm bảo đủ vốn để bồi thường

UBND TP.HCM đã thông qua chính sách bồi thường và hỗ trợ tái định cư từ đầu tháng 3. Đến ngày 27-3, TP đã phê duyệt phương án tính hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ trong dự án cho năm quận gồm 1, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú. Đầu tháng 5, TP phê duyệt chủ trương thực hiện phương án di dời các công trình thuộc dự án theo đề xuất của Sở Xây dựng.

Trong buổi làm việc với các đơn vị liên quan, ông Trần Lưu Quang yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo đủ vốn để chi trả bồi thường cho người dân theo đúng quy định.

Các đơn vị thực hiện đồng bộ công tác liên quan để có mặt bằng sạch cho dự án trước khi triển khai các hạng mục công việc chính. Đồng thời, cần rút kinh nghiệm thực hiện trước đây của tuyến metro số 1 để tránh vấn đề phát sinh khiếu nại của các nhà thầu quốc tế.

Tiến độ bàn giao mặt bằng của các quận tới ngày 30-6 như sau:

Quận 1 hoàn thành xong thủ tục bồi thường, chi trả bồi thường và phấn đấu nhận bàn giao 100% mặt bằng.

Quận 3 sẽ trình UBND TP chính sách bồi thường và hoàn thành phương án bồi thường mới. Hiện nay đã nhận bàn giao khoảng 33% mặt bằng.

Quận 10 đã hoàn thành thủ tục và chi trả bồi thường, phấn đấu nhận bàn giao 70%-80% mặt bằng.

Quận 12 đã hoàn thành các thủ tục bồi thường, chi trả bồi thường và nhận giao 100% mặt bằng.

Quận Tân Bình đã cơ bản hoàn thành chi trả bồi thường. Bàn giao 100% mặt bằng tại các ga S10 (Phạm Văn Bạch) và S11 (ga Tân Bình). Kế hoạch tháng 6 bàn giao ga S9 (Bà Quẹo) và tháng 7, 8 nhận bàn giao 100% mặt bằng còn lại. 

Từng đơn vị phải vận dụng tối đa quy định, chính sách pháp luật để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các tổ chức và người dân bị ảnh hưởng.

Ông Quang chỉ đạo công tác di dời hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng là đặc biệt quan trọng và hết sức phức tạp. Tiếp theo là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án cũng có nhiều vấn đề phải lưu ý. Do đó, rất cần các đơn vị liên quan tập trung, phối hợp chặt chẽ với nhau.

Ông Quang ủng hộ đề xuất của MAUR về việc cần có một tổ công tác liên ngành đặc biệt về chuyên đề này để triển khai hiệu quả và giải quyết kịp thời mọi vướng mắc phát sinh.

Hoàn thành ga Ba Son vào cuối năm 2020

Ga Ba Son cùng với ga Nhà hát TP và ga Trung tâm Bến Thành là bộ ba ga ngầm của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

MAUR cho biết đang cùng các nhà thầu tăng tốc thi công hoàn thiện ga tầng B1, B2 của ga Ba Son để kịp hoàn thành vào cuối năm 2020. Sau đó có thể phối hợp bàn giao mặt bằng khu vực này cho dự án cầu Thủ Thiêm 2.

Ga Ba Son được thiết kế ngầm dài 240 m, rộng 34,5 m, độ sâu khoảng 20 m gồm hai tầng. Hai đường tàu tại nhà ga Ba Son chạy song song, còn tại nhà ga Nhà hát TP thì thiết kế trên dưới tại tầng B2 và B4. Kết nối nhà ga Ba Son và nhà ga Nhà hát TP là đường hầm dài 781 m, được thi công hầm bằng khiên đào (TBM).

Ga có điểm đặc biệt là được thiết kế với gam màu xanh chủ đạo, các họa tiết trang trí thiết kế hình lượn sóng tại tầng 1 giúp khách đi tàu metro liên tưởng với sự xanh mát của dòng sông Sài Gòn.

MAUR cho hay đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tăng tốc thi công các hạng mục tiếp theo của dự án. Trong đó bao gồm việc lắp đặt hệ thống đường ray, hệ thống cơ điện, thông tin tín hiệu... trên toàn tuyến.

Ngoài ra, MAUR cũng lắp đặt trang thiết bị, hoàn thiện tại các nhà ga, đảm bảo hoàn thành 85% khối lượng dự án trong năm 2020, hướng tới mục tiêu đưa dự án vận hành và khai thác cuối năm 2021. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm