Tìm giải pháp bảo vệ bờ biển Đà Nẵng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phùng Phú Phong, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho hay cả bí thư Thành ủy và chủ tịch UBND TP đã có chỉ đạo bằng mọi giá phải giữ lại bãi biển.

Ngay đầu năm 2021, các ngành chức năng phải sớm triển khai nghiên cứu, đánh giá kỹ các nguyên nhân gây xói lở bờ biển để có giải pháp ứng phó.

“Hố tử thần” xuất hiện ngay bãi tắm Sơn Thủy, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.  Ảnh: TẤN VIỆT

Xuất hiện “hố tử thần” ở bờ biển

Ghi nhận của PV tại bãi tắm Sơn Thủy (quận Ngũ Hành Sơn) những ngày qua, sóng biển liên tục vỗ vào bờ kè khiến nhân viên cứu hộ bãi biển phải cắm bảng cấm tắm. Một số điểm dưới chân kè bê tông bị sóng xoáy sâu tạo hàm ếch, hút sạch cát bên dưới tạo thành các “hố tử thần” ngay bờ biển.

Một người dân sống gần đó tặc lưỡi: “Cứ tiếp tục cho các dự án ồ ạt xây dựng sát biển quá như thế rất không ổn. Bãi biển là kho báu của TP mà không giữ gìn thì rất đáng lo”.

Ngay bãi tắm Sơn Thủy là dự án khu du lịch biển The Song do Công ty cổ phần Công nghiệp Quảng An 1 làm chủ đầu tư. Thời điểm năm 2018, dự án này bị phát hiện xây bảy căn bungalow có phần ban công lấn ra vệt ranh giới 50 m ven biển cùng nhiều hàng dừa án ngữ bãi cát công cộng. Chủ đầu tư dự án đã bị xử phạt, buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm. Hiện hàng dừa trồng trên các bãi cát được đắp nhô cao sát mép nước đang bị sóng xé toạc từng ngày.

Sau vụ vi phạm của dự án The Song, quận Ngũ Hành Sơn phát hiện hơn 10 dự án nghỉ dưỡng khác cũng xây dựng các hạng mục lấn ra vệt 50 m.

Ông Lưu Xuân Hùng, Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Ngũ Hành Sơn, cho hay sau khi phát hiện vụ việc, đơn vị đã báo cáo TP và buộc các chủ đầu tư tháo dỡ hết công trình vi phạm.

Riêng phần đắp cát trồng dừa ở khu du lịch biển The Song, ông Hùng cho hay TP đã đồng ý cho giữ lại làm cảnh quan chung. “Chủ đầu tư đề xuất TP xin làm kè nhưng TP không cho” - ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết thêm: “Bây giờ trong phạm vi 50 m từ mép nước cao nhất tính lên thì không cho làm gì hết. TP định hướng làm tuyến đường đi bộ, xe đạp ven biển mà không kè gì thì sập hết. Làm cọc đóng xuống đổ bê tông lên thì may ra giữ được. Bờ biển mình bị xâm thực liên tục nên phải tính toán phương án chắc chắn”.

Hoàn chỉnh hồ sơ thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển

Cũng theo Sở TN&MT, những năm gần đây mức độ tác động của xói lở bờ biển khu vực miền Trung có xu hướng tăng lên và phức tạp hơn cùng với xu thế gia tăng tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Việc này gây ảnh hưởng đến hình thái bãi biển.

Sở TN&MT cũng đang hoàn chỉnh hồ sơ thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển TP Đà Nẵng. “Việc tuân thủ lập hành lang bảo vệ bờ biển với một khoảng cách được xác định khoa học sẽ giúp giảm thiểu và thích ứng với các tác động của xói lở bờ biển, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nhờ đó, TP Đà Nẵng sẽ hạn chế thiệt hại đến tài sản và cơ sở hạ tầng tại vùng bờ biển, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và phòng, chống thiên tai” - Sở TN&MT cho hay. 

Sẽ nghiên cứu để có giải pháp căn cơ

Về nguyên nhân gây xói lở bờ biển TP Đà Nẵng, ngoài ảnh hưởng của thời tiết, các chuyên gia đã chỉ ra những nguyên nhân khác như việc nhiều công trình xây dựng quá sát biển làm mất đi độ dài cần có của bãi cát để triệt tiêu năng lượng sóng; việc khai thác nước ngầm ven biển quá mức gây sụt lún, xâm thực diễn ra nhanh hơn (xem thêm bài “Lý do bờ biển Đà Nẵng bị sóng xé tan hoang” số ra ngày 16-1).

Trao đổi về việc này, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, cho rằng cần tôn trọng các ý kiến cá nhân của chuyên gia. Tuy nhiên, ông Chương nhận định các ý kiến chưa có đánh giá, căn cứ khoa học nào rõ ràng.

“Những luận cứ về mặt khoa học công bố ra không chính xác thì gây hoang mang dư luận. Sẽ có nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng hơn để đánh giá cho chính xác” - ông Chương nói.

Được biết UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở TN&MT đánh giá, nghiên cứu rõ về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến bờ biển.

Theo ông Phùng Phú Phong, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, dù là nguyên nhân nào cũng cần thêm các chuyên gia đánh giá. “Cái này mới nghe bước đầu, cần nghiên cứu và có giải pháp căn cơ lâu dài. Mình cũng biết tình hình như vậy nhưng để có luận cứ rõ ràng thì cần có thêm thời gian” - ông Phong chia sẻ.

Cũng theo ông Phong, sau khi có đánh giá về mặt khoa học, đơn vị sẽ phối hợp với các chuyên gia, đơn vị tư vấn để đưa ra các giải pháp như kè cứng, kè mềm… cho phù hợp để bảo vệ bờ biển.

PV đặt câu hỏi rằng TP lấy vệt 50 m ven biển để bảo vệ bờ biển, làm cảnh quan chung liệu có lạc hậu không, khi tình trạng xâm thực ngày càng nghiêm trọng và bãi cát đang bị thu hẹp dần.

Trả lời, ông Phong cho biết sau khi có các nghiên cứu khoa học, nếu thấy vệt 50 m đã cũ rồi thì có thể tính đến chuyện lùi ranh giới vào thêm 50 m nữa. Tuy nhiên, như thế là lùi vào trong phạm vi các dự án đang có. “Nếu như vậy thì phải đi từ điều chỉnh quy hoạch đến công trình. Thật sự cần thiết thì sở sẽ tham mưu TP xem xét, quyết định” - ông Phong nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm