Tiếp tục nỗ lực vận động người dân không xả rác bừa bãi

Với lượng rác thải không lồ mỗi ngày nói trên, thời gian qua TP.HCM đã triển khai nhiều kế hoạch vận động toàn dân không xả rác bừa bãi ra môi trường, kênh rạch, khu vực công cộng…; kêu gọi doanh nghiệp tham gia tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác đúng quy định, bằng các công nghệ hiện đại, với thông điệp: “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và Sở TN&MT TP.HCM đóng vai trò tiên phong, chủ đạo.

Các dòng kênh của thành phố mãi mãi sẽ bị tắc nghẽn nếu rác vẫn còn tiếp tục bị người dân đổ xuống một cách bừa bãi (ảnh: NM)

Theo lãnh đạo của UBND huyện Bình Chánh, sau thời gian thực hiện cuộc vận động thì chất lượng vệ sinh môi trường tại một số khu vực, tuyến đường đã cải thiện, hạn chế tình trạng rác tự phát, rác thải đã được người dân bỏ vào thùng rác trên các tuyến đường, gọn gàng hơn. Thông qua các buổi tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị và lan tỏa đến nhân dân trong thực hiện cuộc vận động; từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác của mọi người trong công tác bảo vệ môi trường.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn quận trung tâm của TP.HCM, khu vực quận 1 đã giảm rất nhiều tình trạng rác thải tràn lan như trước. Nhiều tuyến đường đã được quét dọn, thu gom thường xuyên nên không có hiện tượng ùn đọng rác. Đơn cử như ở công viên 30-4 (trước Hội trường Thống Nhất hay phố đi bộ Nguyễn Huệ, không còn tình trạng xả rác bừa bãi, người dân có ý thức hơn và biết cách gìn giữ môi trường xanh, sạch khi đến các khu vực công cộng vui chơi, giải trí. Bên cạnh đó, chính quyền quận 1 đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư, kết hợp ra quân xử lý các hành vi vi phạm và xử phạt. Đặc biệt, quận 1 đã đầu tư 1.400 thùng rác công cộng để người dân, khách du lịch bỏ rác đúng nơi quy định. 

Trao đổi về việc đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 19 của Thành ủy TP.HCM về kêu gọi toàn dân không xả rác bừa bãi ra môi trường, kênh rạch, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết sau tám tháng triển khai, thành phố đã lắp đặt được gần 20.000 thùng rác công cộng trên các tuyến đường và tuyến hẻm. Bên cạnh đó, đã nhắc nhở hơn 200 trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính gần 2.000 trường hợp với số tiền phạt 1,2 tỉ đồng. 

Đến năm 2020, lực lượng thu gom rác dân lập phải chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy chuẩn của TP.HCM. Trong ảnh là một mẫu xe thu gom rác đang được trưng bày và lấy ý kiến cộng đồng (Ảnh: NM)

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 19, ngành môi trường TP.HCM sẽ tổ chức, sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập gắn với chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, đảm bảo hoàn thành vào năm 2020. Thành phố cũng sẽ thực hiện kết nối đồng bộ về thời gian giao, nhận rác giữa người dân và đơn vị thu gom, vận chuyển.

Bên cạnh đó, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh chương trình giảm sử dụng túi nylon, thường xuyên kiểm tra, giám sát các hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, nhập khẩu túi nylon khó phân hủy; khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các loại túi nylon tự phân hủy, các loại túi thân thiện với môi trường. 

 

Nhà mặt tiền đường phải có đồ lưu chứa rác

Thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết tại Hội nghị giao ban của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”, UBND TP đã chỉ đạo từng sở, ngành, quận, huyện xây dựng kế hoạch, đăng ký nội dung, công trình để thực hiện…

Theo đó, UBND các quận, huyện cần tuyên truyền, vận động các hộ dân lưu chứa, giao rác cho đơn vị thu gom đúng thời gian quy định; ngăn chặn nguồn xả thải ô nhiễm xuống kênh rạch; không để tái lấn chiếm và gây ô nhiễm hành lang sông, kênh rạch; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm hành chính về vệ sinh môi trường nơi công cộng tại địa phương…

Đặc biệt, các hộ dân có nhà mặt tiền đường hoặc hộ dân cho thuê mặt bằng kinh doanh mặt tiền đường phải có thiết bị lưu chứa rác phát sinh, không xả rác ra đường, miệng cống, hố ga thoát nước; giữ gìn vệ sinh lề đường, vỉa hè trước nhà. Các hộ dân cho thuê nhà trọ phải có cam kết giữ gìn vệ sinh, lưu chứa và giao rác cho đơn vị thu gom đúng quy định. Sở TN&MT TP.HCM được giao xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá kết quả môi trường hằng năm đối với các sở, ngành và UBND quận, huyện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm