Thường vụ Quốc hội giám sát các dự án BOT gây bức xúc

Theo đó, đoàn giám sát chia thành ba tổ, mỗi tổ có ít nhất 24 người. Đoàn sẽ làm việc với 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án giao thông BOT để nghe các tỉnh báo cáo và kiểm tra thực tế tại các dự án. Đặc biệt, đoàn sẽ làm việc với những ngân hàng cho vay các dự án BOT và các chủ đầu tư BOT. Sau đó, đoàn sẽ làm việc với Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT, Ngân hàng Nhà nước để nghe báo cáo.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ làm việc với các địa phương có dự án BOT giao thông. Ảnh: VIẾT LONG

Theo đó, ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, làm trưởng đoàn.

Bên cạnh đó, đoàn giám sát cũng mời các đại biểu tham gia hoạt động của đoàn giám sát, gồm Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hội Khoa học kỹ thuật cầu, đường Việt Nam, Viện Kinh tế Việt Nam...

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá việc khai thác các công trình BOT thời gian vừa qua đã gây nhiều bất cập, gây bức xúc trong nhân dân. Cụ thể, thu phí cao làm tăng giá cước vận tải, làm đường một nơi, thu phí một nơi khác bù cho dự án. Hay việc bố trí quá nhiều trạm thu phí chưa theo quy hoạch, gây ùn tắc giao thông, đặt trạm không đúng khoảng cách quy định… việc lập, thẩm định dự án, xác định giá trị công trình, phương án hoàn vốn, kiểm soát hoàn vốn, khai thác dự án… còn bất cập, dư luận bức xúc.

Đoàn giám sát sẽ báo cáo kết quả đến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, tháng 10-2017.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm