Thủ tướng: Rà soát kỹ tổng vốn 2 dự án metro TP.HCM

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc triển khai dự án đường sắt đô thị (metro) TP.HCM tuyến số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành-Tham Lương).

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND TP.HCM khẩn trương có văn bản gửi Bộ GTVT về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư hai dự án nêu trên để tổ chức thẩm định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 348/2018. Giao Bộ GTVT rà soát, thẩm định kỹ việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, trình Chính phủ trước ngày 20-3.

Thủ tướng giao các bộ, ngành sớm báo cáo Chính phủ việc điều chỉnh tổng mức đầu tư hai tuyến metro để trình Quốc hội thông qua.

Thủ tướng cũng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT xây dựng phương án nguồn vốn thực hiện dự án, huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Chính phủ để trình Quốc hội theo quy định.

Trên cơ sở báo cáo thẩm định của Bộ GTVT và dự thảo báo cáo của Chính phủ do Bộ KH&ĐT chuẩn bị, Văn phòng Chính phủ bố trí họp Thường trực Chính phủ để xem xét thông qua, trình Quốc hội trước ngày 30-3.

Trước đó, theo báo cáo của Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT) và Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM, trong hai dự án trên, hiện chỉ có dự án Bến Thành-Suối Tiên đang được thi công (dài khoảng 20 km, khởi công từ tháng 8-2012) đã đạt hơn 50% khối lượng, tỉ lệ giải ngân vốn đối ứng đạt 26%, vốn vay ODA đạt 38%.

Tuyến Bến Thành-Tham Lương đến nay đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; cơ bản hoàn thành toán nhà văn phòng, các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương. Dự án đang trong giai đoạn đấu thầu tuyển chọn nhà thầu xây dựng song song với quá trình điều chỉnh dự án.

Hai dự án do UBND TP.HCM phê duyệt dự án, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn trong nước và vốn ODA của Nhật Bản.

Trong đó, dự án Bến Thành-Suối Tiên được phê duyệt từ năm 2005-2006 với tổng mức đầu tư ban đầu là 126.582 triệu yen (tương đương 17.387 tỉ đồng). Sau đó được TP.HCM điều chỉnh lên 236.626 triệu yen (tương đương 47.325 tỉ đồng). Trong đó, vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) khoảng 41.000 tỉ đồng (chiếm 88,4% tổng mức đầu tư) và vốn đối ứng từ ngân sách TP là 5.491,6 tỉ đồng.

Dự án Bến Thành-Tham Lương có tổng mức đầu tư sau khi tính toán lại cũng bị đội vốn từ mức 26.000 tỉ đồng lên 48.771 tỉ đồng. Hiện cả hai dự án đều chậm tiến độ và thiếu vốn. Theo quy định, dự án có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỉ đồng phải báo cáo Quốc hội để xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, trong đó giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng và UBND TP.HCM thẩm định việc điều chỉnh TMĐT dự án này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời gửi Bộ KH&ĐT để chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM xây dựng báo cáo của Chính phủ, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14.

 Tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM Bến Thành-Suối Tiên bao gồm 11 ga trên cao, ba ga ngầm và một depot. Dự án đã ký được ba hiệp định với tổng vốn vay là 155,364 tỉ yen Nhật.

Tuyến metro số 2 có chiều dài toàn tuyến gần 20 km (Thủ Thiêm-Bến xe Tây Ninh) chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 dài 11,3 km (Bến Thành-Tham Lương) đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú. Trong đó có 9,3 km đi ngầm với độ sâu trung bình 18 m. Toàn tuyến có 10 ga ngầm và một ga trên cao.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài ở Nam bộ

Nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài ở Nam bộ

(PLO)- Dự báo nắng nóng vẫn tiếp diễn, sang tháng 4 và tháng 5 sẽ có những đợt nắng nóng kéo dài, diễn ra trên diện rộng cả miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ, nhiệt độ cao nhất là trên 39 độ C.

‘Quy định ngưỡng, CSGT làm việc sao xuể’

‘Quy định ngưỡng, CSGT làm việc sao xuể’

(PLO)- Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến việc có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.