Thủ tướng: Dừng hoạt động trạm BOT trì hoãn thu phí không dừng

Ngày 15-7, Thủ tướng Chính phủ ký có công điện gửi Bộ Công an, Quốc phòng, GTVT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương về đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí giao thông đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC).

Xe Bộ Công an, Quốc phòng phải triển khai dán thẻ

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, UBND các tỉnh và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai ETC theo đúng quy định.

“Cụ thể, bảo đảm chậm nhất trước ngày 31-12-2019 chuyển sang thu phí tự động đối với tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc...”, công điện nêu rõ.

Thủ tướng cũng chỉ đạo yêu cầu nhà đầu tư dừng hoạt động thu phí đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu tự động không dừng, theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng.

Thời gian qua nhiều trạm BOT tìm mọi cách trì hoãn việc ứng dụng dịch vụ ETC. Ảnh: VIẾT LONG

Riêng Bộ GTVT, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường giám sát, kiểm tra, đảm bảo hệ thống ETC hoạt động tin cậy, không có sự cố, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn và các quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư và sử dụng hệ thống.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ sở đăng kiểm và các đơn vị có liên quan thực hiện dán thẻ đầu cuối (Etag) đối với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc đối tượng thu phí giao thông đường bộ. Phối hợp dán thẻ Etag đối với các phương tiện của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Đáp ứng tiến độ nhưng vẫn còn khó khăn

Theo Bộ GTVT, việc triển khai hệ thống ETC trong thời gian vừa qua vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra về số lượng phương tiện tham gia dịch vụ. Nguyên nhân là các quy định pháp luật liên quan chưa đầy đủ, đồng bộ. Cụ thể, chưa có chế tài bắt buộc phương tiện phải dán thẻ, sử dụng dịch vụ thu phí không dừng... 

Ngoài ra, do hệ thống thu phí tự động không dừng áp dụng công nghệ mới, đầu tư theo hình thức PPP rất phức tạp, liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể nên quá trình triển khai thực hiện còn phát sinh các vướng mắc. Chủ phương tiện vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt trong khi việc thanh toán...

Do đó, thời gian tới, Bộ GTVT kiến nghị sửa đổi Quyết định số 07/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; đề xuất bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng liên quan đến công tác thanh toán.

“Bên cạnh đó, phối hợp hoàn thiện việc kết nối liên thông tài khoản cá nhân tại các ngân hàng với tài khoản giao thông nhằm tạo sự thuận lợi, minh bạch cho người sử dụng và sự đồng thuận của các ngân hàng cung cấp tín dụng cho các dự án BOT…”, Bộ GTVT thông tin.

Bộ GTVT cho biết việc triển khai dịch vụ ETC chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (BOO1), với tổng số trạm thuộc phạm vi dự án là 44. Bao gồm 26 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án.

Giai đoạn 2 (BOO2), tổng số trạm thuộc phạm vi dự án là 33 trạm, bao gồm 10 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (các trạm này đã triển khai tự động không dừng theo công nghệ cũ trước đây (OBU), hiện nay đang điều chỉnh công nghệ cho phù hợp) và 23 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác.

“Theo kế hoạch sẽ lắp đặt và vận hành các trạm trong năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ…”, Bộ GTVT cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm