Thủ tướng dự lễ thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Ngày 4-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã di chuyển thực nghiệm trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (từ nút giao cuối tuyến, huyện Cái Bè, về đến nút giao đầu tuyến - điểm kết nối vào cao tốc TP.HCM- Trung Lương).

Sau đó, Thủ tướng cùng các Phó Thủ tướng và các lãnh đạo bộ, ngành dự lễ thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Thủ tướng cùng các đại biểu cắt băng thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: ĐH

Đây là lần thứ 4 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đến công trường dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để kiểm tra, thúc đẩy tiến độ và động viên cán bộ, kỹ sư, công nhân đang trực tiếp thi công tại công trường.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công tháng 11-2009, sau gần 10 năm đình trệ, tiến độ chỉ đạt 10% khối lượng. Đến tháng 3-2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án.

Sau hơn 1,5 năm tái khởi động (tháng 4-2019), với sự nỗ lực vượt khó của hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân ngày đêm bám sát và miệt mài thi công công trình “xuyên đêm”; “xuyên lễ, tết”. Đến nay, Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành lời cam kết theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là dự án có thể thông tuyến trước 31-12- 2020.

Thủ tướng dự lễ thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: ĐH

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu: ĐBSCL với  13 tỉnh, thành phố có nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng để xuất khẩu đóng góp vào thành quả chung của đất nước. Tuy nhiên, kết nối hạ tầng giao thông ĐBSCL còn là điểm nghẽn rất lớn đến nay tuyến cao tốc quan trọng của TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận- Cần Thơ chưa hoàn thành.

Đặc biệt tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận dài trên 51 km đã khởi công nhiều năm nhưng có sự chậm trễ. Vì vậy, tháng 4-2019 trước bức xúc của nhân dân, Thủ tướng cùng với lãnh đạo của Chính phủ có hứa với 21 triệu nhân dân ĐBSCL trước tết Nguyên đán năm nay sẽ khơi thông thông tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận.

Trong quá trình triển khai dự án, Thủ tướng cho biết vướng một số khó khăn lớn như: Có sự thay đổi chính sách pháp luật về đầu tư; thời tiết mưa lũ kéo dài và dự án thi công đúng vào thời điểm năm covid-19 xuất hiện; khu vực này thi công trên nền đất yếu, vật liệu khan hiếm...

Thủ tướng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: ĐH

Đặc biệt dự án phải thi công 39 cầu lớn nhỏ khác nhau yêu cầu mất nhiều thời gian nghiên cứu, thiết kế, thi công. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền về UBND tỉnh Tiền Giang và phê duyệt lại dự án.

Từ lúc thi công đến nay, đã bốn lần Thủ tướng vào kiểm tra khảo sát thực tế và ba lần khác các Phó Thủ tướng đã vào dự án kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án cao tốc này. 

Nhân đây, Thủ tướng đánh giá cao trách nhiệm của nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả, các tổ chức và cá nhân đã hoàn thành công trình đúng tiến độ, thực hiện đúng lời hứa với 21 triệu dân ĐBSCL.

Thủ tướng cũng biểu dương gần 4.000 hộ dân với hàng vạn người dân Tiền Giang vui vẻ nhận bồi thường di dời đi nơi khác, bàn giao mặt bằng cho công trình thi công thuận lợi. Thủ tướng đề nghị tỉnh Tiền Giang tiếp tục quan tâm ổn định tái định cư và sinh kế cho người dân.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức thông tuyến.

Điểm đầu cao tốc. Ảnh: ĐH

Thủ tướng chỉ đạo, khối lượng công việc còn lại thuộc giai đoạn 2 của dự án còn rất lớn phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để năm 2021 khánh thành tuyến cao tốc này với tiêu chuẩn quốc tế, có cây xanh, vỉa hè, ánh sáng các công trình phụ trợ khác trên tuyến cao tốc.

 “Chúng ta đã có tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và việc thông tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, cùng với việc đẩy mạnh cầu Mỹ Thuận và sáng nay đã dự khởi công tuyến Mỹ Thuận – Cần Thơ. Như vậy, trong tương lai chúng ta có kết nối liên hoàn cao tốc trên trục chính TP.HCM – Trung Lương –Mỹ Thuận – Cần Thơ và tiếp tục sẽ khởi công tuyến Cần Thơ – Cà Mau tạo nên sự kết nối quan trọng tuyến cao tốc Miền Tây Nam Bộ”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, đến thời điểm này, Dự án đã thi công đạt hơn 75% khối lượng, tuyến chính dài hơn 51 km. Dự án đang tiếp tục thi công các hạng mục còn lại như: kết cấu mặt đường, hệ thống an toàn giao thông, chiếu sáng, hệ thống kiểm soát giao thông thông minh (ITS), trạm thu phí…

Dự kiến Tết Nguyên đán năm nay, nếu được Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã có thể phục vụ người dân (xe khách dưới 16 chỗ và xe tải dưới 2,5 tấn với tốc độ ≤ 40 Km/h) vào dịp Tết Nguyên đán năm 2021. Điều này sẽ giúp giảm áp lực QL1A hiện quá tải, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm