Thêm trạm BOT bị phản ứng ở miền Tây

Dư luận chưa hết “nóng” với Trạm thu phí BOT Cai Lậy thì mới đây, bạn đọc của Pháp Luật TP.HCM tiếp tục phản ánh tình trạng tương tự ở Trạm thu phí T2. Trạm đặt tại Km 50+050 quốc lộ (QL) 91, đoạn qua khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Hai trạm trên một cung đường

Theo tìm hiểu, trước đó dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn từ Km 14+00 đến Km 50+889 thuộc địa phận TP Cần Thơ được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT. Dự án do Liên doanh Tổng Công ty Phát triển KCN (Sonadezi) và Công ty CP Phát triển Cường Thuận Idico (được Bộ GTVT chỉ định) làm nhà thầu.

Đầu năm 2016, dự án hoàn thành và trạm thu phí được đặt tại Km 16+905 QL91 (Trạm T1) để hoàn vốn.

Song song đó, theo quyết định của Bộ GTVT, giữa năm 2015, cũng liên doanh Sonadezi và Công ty Cường Thuận Idico đã khởi công dự án tăng cường nền mặt đường QL91B đoạn từ Km 0+000 đến Km 15+793 theo hình thức BOT với chiều dài tuyến đường trên 15 km. Cuối năm 2016, khi dự án hoàn tất, Bộ GTVT có quyết định lập Trạm thu phí T2 đặt tại Km 50+050 thuộc khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt.

Sơ đồ tuyến QL91B, QL91 và Trạm thu phí T1, T2. Ảnh: GT

Theo tìm hiểu, tổng mức đầu tư hai dự án ở QL91 và 91B nói trên là 1.720 tỉ đồng, thời gian thu phí 23 năm năm tháng.đến thời điểm hiện nay đã thu được một năm bốn tháng và còn tiếp tục thu 22 năm một tháng. Mức thu hai trạm này thấp nhất 35.000 đồng, cao nhất 200.000 đồng/lượt xe.

Đặt trạm chỗ ngặt, dân kêu trời

Từ khi Trạm T2 bắt đầu thu phí thì vấp phải phản ứng của hàng loạt doanh nghiệp (DN) vận tải và Hiệp hội Vận tải An Giang, Kiên Giang cũng như người dân.

Cụ thể, tháng 3-2017, khi đoàn giám sát của Quốc hội thực hiện giám sát dự án BOT QL91, đại diện Hiệp hội Vận tải An Giang đã đề nghị xem xét lại vị trí đặt Trạm thu phí T2.

Trạm thu phí T2 trên QL91 đang hoạt động. Ảnh: GT

Theo hiệp hội,    việc đặt trạm ở cuối QL91 ngay sát nút giao của QL80 từ Kiên Giang lên nên xe đi từ QL80 đi vào Long Xuyên (An Giang) bắt buộc phải nộp phí dù chỉ sử dụng chưa tới 500 m trên tuyến nối BOT. Đồng thời chiều ngược lại, xe từ TP.HCM qua phà Vàm Cống (An Giang) hoặc xe ở An Giang muốn đi ra QL80 để về Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), Rạch Giá (Kiên Giang) cũng phải mua vé cho suốt tuyến BOT.

Chưa hết, Tân Cảng Thốt Nốt, Khu công nghiệp Thốt Nốt chỉ cách vị trí Trạm T2 khoảng 200-300 m nhưng xe chở hàng hóa từ QL80 hay từ An Giang muốn chở hàng vào đều phải mua vé cho toàn tuyến dù chỉ sử dụng vài trăm mét đường của dự án BOT QL91.

Sau đó, Sở GTVT tỉnh An Giang chính thức có công văn gửi Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ đề nghị xem xét giải quyết việc vị trí đặt Trạm thu phí T2 bất hợp lý.

Sở GTVT tỉnh An Giang cho rằng tuy dự án đầu tư trên địa phận TP Cần Thơ nhưng trong quá trình thẩm định dự án ban đầu, Bộ GTVT có mời Sở GTVT tỉnh An Giang dự họp. Tại cuộc họp ngày 1-11-2013, Bộ GTVT chỉ thống nhất đặt một trạm thu phí tại khoảng Km 14+770, không có trạm thứ hai như hiện nay tại Km 50+050.

Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh An Giang cho biết thêm: “Khi họp về vị trí Trạm T1 có mời An Giang nhưng đến khi thống nhất vị trí trạm T2 thì địa phương không được mời để lấy ý kiến. Quan điểm của Sở là vị trí đặt trạm không hợp lý, cần xem xét di dời đến vị trí phù hợp. Như vậy vừa đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư, vừa hài hòa lợi ích và thuận tiện cho các phương tiện vận tải…”.

Chỉ miễn, giảm, chưa dời trạm

Với những bức xúc và bất hợp lý nói trên, đầu tháng 6-2017, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã ký Công văn 6020, giao nhà đầu tư, DN dự án phối hợp với cơ quan liên quan chỉ đạo rà soát, khảo sát tiếp tục nghiên cứu đề xuất về phương án di dời… nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng, phù hợp với quy định pháp luật khi di dời trạm, sớm báo cáo Bộ GTVT xem xét.

Riêng kiến nghị của TP Cần Thơ đề xuất mua lại các dự án BOT (QL91 và QL91B) và giao cho TP khai thác, sử dụng, phía Bộ GTVT cho rằng hiện ngân sách còn hạn hẹp, hiện chưa có chính sách về mua lại các trạm thu phí của các dự án BOT. do vậy kiến nghị này chưa thể thực hiện.

Đến đầu tháng 8-2017, Bộ GTVT có thông báo gửi Sở GTVT tỉnh An Giang và một số tỉnh lân cận như Cần Thơ, Kiên Giang, trong đó thống nhất bước đầu giải quyết miễn, giảm cho 73 đầu phương tiện của tỉnh An Giang.

Mới đây, ngày 14-8, phía chủ đầu tư đã làm việc với đại diện Sở GTVT các tỉnh Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ cùng với đại diện của Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) để thống nhất việc miễn, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ qua Trạm T2.

Trong đó thống nhất miễn, giảm 100% cho 284 xe là các phương tiện xe buýt, xe khách phục vụ vận chuyển hành khách công cộng chạy tuyến cố định sử dụng quãng đường BOT hướng từ QL80 về An Giang và ngược lại, phương tiện của người dân sinh sống có hộ khẩu thường trú trong phạm vi lân cận Trạm T1 và T2.

Riêng vấn đề bất hợp lý trong việc đặt Trạm T2 cũng như ý kiến phải di dời trạm này thì Công văn 6020 không đề cập.

 

Ma trận trạm thu phí BOT

Hiện ở ĐBSCL, đặc biệt là trên tuyến QL1A trạm thu phí BOT đang bủa vây. Cụ thể, trên tuyến QL1A đoạn từ TP Cần Thơ xuống Bạc Liêu với cự ly khoảng 100 km nhưng đang tồn tại tới ba trạm thu phí BOT.

Đó là  Trạm thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp đặt tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ; Trạm thu phí BOT Sóc Trăng; Trạm thu phí BOT Bạc Liêu. Cả ba trạm thu phí cách nhau dưới 70 km.

Trong đó, Trạm thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp thu cho dự án mở rộng QL1A đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp có chiều dài hơn 21,6 km. Điểm đầu tại Km 2078+317,73 (qua TP Cần Thơ) và điểm cuối tại Km 2100 (qua tỉnh Hậu Giang).

Còn Trạm thu phí BOT Bạc Liêu thu phí cho dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1A, đoạn cửa ngõ phía Bắc TP Bạc Liêu và xử lý một số vị trí ngập nước trên QL1A tỉnh Bạc Liêu. Dự án nằm ở QL1A - đoạn cửa ngõ phía Bắc TP Bạc Liêu từ Km 2169+56,65 đến Km 2178+126,79 với chiều dài mở rộng 9,03 km, chiều dài xử lý ngập nước 4,18 km. Tổng vốn đầu tư trên 633 tỉ đồng cũng do Liên doanh Công ty CP Đầu tư Phương Nam và Công ty CP Đầu tư Pacific làm chủ đầu tư theo hình thức BOT.

Điều đáng nói nếu như dự án BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp chiều dài khá đáng kể khi trên 21 km thì hai dự án ở Sóc Trăng và Bạc Liêu, chiều dài thực hiện dự án chỉ từ 7,6 km đến hơn 9 km. Chiều dài mở rộng và đầu tư không đáng kể nhưng mức thu cũng không hề rẻ. Giá vé thấp nhất ba trạm thu phí BOT Sóc Trăng và Bạc Liêu là 25.000 đồng/lượt, còn Trạm thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp thấp nhất là 35.000 đồng/lượt.

_______________

Di dời trạm thu phí là không khả thi?

Liên quan đến Trạm T2, PV báo Pháp Luật TP.HCM liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Khang, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư QL91 Cần Thơ - An Giang (đơn vị quản lý dự án).

ông Nguyễn Văn Khang cho biết thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT, vừa qua công ty đã làm việc với Sở GTVT các tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ để thống nhất các nội dung về miễn, giảm giá dịch vụ cho phương tiện qua lại Trạm T2 theo danh sách xem xét, đề nghị của các địa phương. Theo kế hoạch, việc miễn, giảm bắt đầu từ ngày 1-9.

PV đề cập khi nào có phương án di dời Trạm T2, ông Khang cho biết hiện đơn vị tư vấn đang tính toán để có phương án, sau đó mới trình cơ quan chức năng. nhưng theo đánh giá ban đầu là việc di dời không khả thi vì gây tốn kém và lãng phí.

Khi PV hỏi vị trí đặt Trạm T2 như hiện nay xuất phát từ đề xuất của chủ đầu tư dự án hay do cơ quan chức năng, ông Khang cho biết chủ đầu tư không chọn mà vị trí đặt trạm do sự thống nhất giữa Bộ GTVT, Bộ Tài chính và địa phương, phù hợp với quy định hiện hành và nằm trong dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm