Tham vấn điều chỉnh quy hoạch cấp nước ĐBSCL ứng phó hạn mặn

Ngày 25-11, tại Tiền Giang diễn ra Hội nghị tham vấn điều chỉnh Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL nhằm tìm giải pháp cấp nước sinh hoạt cho vùng ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.

Hội nghị do Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành,13 tỉnh, thành trong khu vực, các Viện, trường, Hội nghề nghiệp và các chuyên gia.

Phó  GS.TS Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật- Bộ Xây dựng  phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MTr

Theo PGS.TS Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng, trong Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các nhà máy nước liên vùng tập trung ở 3 khu vực: Vùng 1 – Bắc Sông Tiền dự kiến có Nhà máy nước Sông Tiền I tại khu vực Cái Bè (Tiền Giang) cấp nước cho các tỉnh Long An, Tiền Giang và một phần tỉnh Đồng Tháp, công suất đến năm 2025 là 100.000 m3/ ngày đêm và đến năm 2030 là 300.000 m3/ ngày đêm.

Vùng II – Giữa Sông Tiền và Sông Hậu có Nhà máy nước Sông Tiền II tại khu vực Vĩnh Long cấp nước cho các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và phần còn lại của tỉnh Đồng Tháp; công suất đến năm 2025 là 200.000 m3/ ngày đêm và đến năm 2030 là 300.000 m3/ ngày đêm.

Vùng III – Tây Nam Sông Hậu gồm Nhà máy Sông Hậu I, Sông Hậu II và Sông Hậu III cấp cho các tỉnh còn lại của ĐBSCL; tổng công suất đến năm 2025 là 700.000 m3/ ngày đêm và đến năm 2030 là 1.050.000 m3/ ngày đêm.

Ảnh hưởng hạn mặn mùa khô 2019-2020 người dân thiếu nước ngọt sử dụng trầm trọng. Ảnh: Đ.H

Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng, thời gian qua, biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn tại ĐBSCL diễn biến phức tạp. Cụ thể xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 hết sức gay gắt, làm cho nguồn nước tại một số nhà máy bị nhiễm mặn, đặc biệt có nơi độ mặn vượt tiêu chuẩn cho phép. Vì vậy cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp trước những thách thức của biến đổi khí hậu và hạn mặn trong thời gian tới.

Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đề xuất điều chỉnh các vùng cấp nước theo hướng: Gộp vùng I – Bắc Sông Tiền và vùng II – Giữa Sông Tiền và Sông Hậu thành 1 vùng, gọi là Vùng I  Đông Bắc Sông Hậu.

Tại đây chỉ xây dựng Nhà máy nước Sông Tiền công suất đến 2025 là 300.000 m3/ ngày đêm và đến năm 2030 là 600.000 m3/ ngày đêm, bằng tổng công suất Nhà máy nước Sông Tiền I và Sông Tiền II dự kiến xây dựng trước đây. Địa điểm đặt tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Sau khi điều chỉnh, khu vực ĐBSCL sẽ có 2 vùng cấp nước là: Vùng I có tên  Vùng Đông Bắc Sông Hậu gồm 6 tỉnh (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh); Vùng II là Vùng Tây Nam Sông Hậu bao gồm 7 tỉnh, thành phố  (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau).

Để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân và phát triển KT-XH trong mùa khô hạn 2020 – 2021, trước đó 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre đã cùng đề xuất bổ sung thêm dự án Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải có công suất giai đoạn 1  là 300.000 m3/ ngày đêm và giai đoạn 2 nâng lên 500.000 m3/ ngày đêm vào Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Người dân ĐBSCL xếp hàng để chờ xin nước ngọt. Ảnh: Đ.H

Tại hội nghị, các địa phương đều thống nhất với đề xuất điều chỉnh Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL của Bộ Xây dựng là hết sức cần thiết, phù hợp với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt. Các địa phương cũng bày tỏ mong muốn dự án sớm được triển khai và đưa vào hoạt động, phục vụ dân sinh vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh ĐBSCL mà đặc biệt là những địa bàn hạ lưu, ven biển Nam bộ đang chịu thiệt hại thiên tai hàng năm rất nặng nề.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm