Tàu điện Trung Quốc tuyến Cát Linh - Hà Đông về tới VN

Ngày 13-2, Ban Quản lý dự án đường sắt (PMU) xác nhận tàu Tian Wang Xing (Trung Quốc) đã vận chuyển hai đầu máy và hai toa xe của đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) cập cảng Hạ Long (Hải Phòng) chiều 12-2. 

Trọng lượng mỗi đầu máy 35 tấn, dài 19 m, cao 3,8 m, rộng ngang 2,8 m. Toa chở khách nặng 32 tấn. Đây là đoàn tàu đầu tiên trong lô 13 đoàn tàu sẽ được sử dụng, vận hành trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Theo kế hoạch đoàn tàu sẽ di chuyển từ cảng cá Hạ Long ra quốc lộ 5 cũ, qua quốc lộ 10 tới Thái Bình rồi di chuyển qua Phủ Lý (Hà Nam), tiếp đó di chuyển theo quốc lộ 1A cũ về Hà Nội trong ngày 14-2.

Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông được trưng bày tại Hà Nội để lấy ý kiến của người dân. Ảnh: VIẾT LONG

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, đến thời điểm này dự án đã hoàn thành 90% khối lượng phần xây dựng cơ bản hạ tầng chạy tàu bao gồm kết cấu cầu cạn, nhà ga, công trình kiến trúc trong khu depot, đường ray...

Đến ngày 31-3 sẽ hoàn thiện toàn bộ phần xây lắp trang trí kiến trúc bao gồm các nhà ga và các công trình kiến trúc trong khu depot; ngày 1-9 đóng điện toàn tuyến và chạy thử từ ngày 1-10.

Thời gian chạy thử kéo dài 3-6 tháng (phụ thuộc vào kết quả chạy thử) trước khi đưa vào vận hành khai thác thương mại.

Theo hợp đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam sẽ mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc, mỗi đoàn tàu có bốn toa, sức chứa tối đa 1.326 người, phục vụ vận chuyển hành khách đô thị trục Cát Linh - Hà Đông với số tiền 63,2 triệu USD. Được biết tàu điện trên do Công ty TNHH Trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) sản xuất.

      Mua tàu Trung Quốc vì theo hợp đồng

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30-5-2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc. Được Chính phủ giao, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3136 ngày 15-10-2008. Theo Bộ GTVT, với phương thức tổng thầu EPC và tư vấn giám sát do bên tài trợ chỉ định, nên Việt Nam phải sử dụng nhà thầu Trung Quốc và các gói thầu cung cấp trang thiết bị từ nước này. Ngoài ra, trong điều kiện hợp đồng tín dụng ưu đãi và hợp đồng EPC quy định các thiết bị và đoàn tàu do tổng thầu chịu trách nhiệm thực hiện và phải mua sắm sản phẩm của Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm