Tăng cường xử lý chất thải y tế liên quan covid-19

Thời gian gần đây, dịch COVID-19 bùng phát khiến TP.HCM phát sinh rất nhiều khu cách ly, khu phong tỏa tạm thời trong khu dân cư, do vậy lượng rác thải cũng tăng đột biến với khối lượng ngày càng lớn. Do đó, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 trên địa bàn TP.

Lượng rác thải y tế tăng cao

Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO) cho hay công ty đang thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải y tế, chất thải tại các bệnh viện, khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19 của TP và các khu cách ly, khu phong tỏa thành lập theo quyết định của UBND quận, huyện. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý loại chất thải đặc biệt này được công ty đảm bảo nghiêm ngặt theo quy trình, quy định và an toàn tuyệt đối.

Theo đó, các công nhân thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý các loại chất thải này được trang bị đồ bảo hộ đảm bảo theo tiêu chuẩn của ngành y tế. Chất thải được bọc kín trong thùng chứa hoặc túi chuyên dụng màu vàng, dán nhãn cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh.

Rác trước khi thu gom để đưa lên xe vận chuyển chuyên dụng (thùng kín) được phun xịt khử khuẩn. Rác thải khi vận chuyển về công trường xử lý rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) tiếp tục được phun xịt khử khuẩn một lần nữa trước khi đưa ra khỏi xe và tiếp tục khử khuẩn trước khi vào lò đốt xử lý bằng công nghệ đốt hai cấp (buồng đốt sơ cấp và thứ cấp) ở nhiệt độ cao. Tro thải sau khi đốt được hóa rắn và chôn lấp tại hầm chôn lấp an toàn dành riêng cho chất thải nguy hại.

Để chung tay đẩy lùi COVID-19, CITENCO mong muốn người dân đang thực hiện cách ly cùng giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác vào thùng để góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế phát tán mầm bệnh.

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc CITENCO, cho biết quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế, rác thải từ khu vực cách ly tập trung có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đều được thực hiện theo quy trình, tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt. Hiện nay khối lượng tiếp nhận và xử lý rác thải y tế, nguy hại của CITENCO là khoảng 40 tấn/ngày, công suất xử lý tối đa của công ty là khoảng 45 tấn/ngày, do đó công ty vẫn đảm bảo công tác tiếp nhận và xử lý rác thải y tế, nguy hại.

Rác thải y tế được đưa về nhà máy để xử lý. Ảnh: CT

Xử lý dứt điểm trong ngày

Để tăng cường công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 trên địa bàn TP, UBND TP đã giao Sở TN&MT phổ biến thông tin, cung cấp cho Sở Y tế, Bộ Tư lệnh TP, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện danh sách các công ty xử lý chất thải nguy hại. Đây là những công ty có chức năng xử lý chất thải y tế được tham gia xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 cho TP khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.

UBND TP giao các đơn vị trên căn cứ vào công tác quản lý và nhu cầu xử lý chất thải y tế phát sinh tại địa phương, tại các khu vực cách ly; phòng cách ly trong cơ sở y tế, cơ sở y tế tập trung; phòng cách ly y tế sân bay; cách ly tại nhà… chủ động liên hệ các cơ sở xử lý chất thải nguy hại, đảm bảo xử lý kịp thời chất thải y tế phát sinh.

Ngoài ra, đối với CITENCO, UBND TP giao đơn vị này tăng cường công tác thu gom chất thải rắn tại các khu vực cách ly tập trung, không để xảy ra tình trạng tồn đọng, ùn ứ rác thải gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, trong quá trình xử lý chất thải công nghiệp nguy hại và xử lý chất thải y tế tại nhà máy, CITENCO phải tạm thời ưu tiên, tăng cường xử lý chất thải y tế, đặc biệt là chất thải y tế liên quan dịch COVID-19, đảm bảo xử lý dứt điểm trong ngày, không để tồn đọng.

UBND TP đề nghị các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế trên địa bàn TP phải tích cực phối hợp, hỗ trợ khi có yêu cầu của cơ quan chức năng trong việc xử lý chất thải y tế phát sinh do COVID-19 tại TP theo công suất xử lý chất thải đã được Bộ TN&MT cấp phép.•

 

Bộ TN&MT vừa đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương thực hiện một số biện pháp cấp bách trong quản lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 102/2021 của Văn phòng Chính phủ.

 Theo đó, Bộ TN&MT yêu cầu các tỉnh, TP chỉ đạo các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu vực cách ly tại địa phương khẩn trương xây dựng, điều chỉnh và tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải, đặc biệt đối với chất thải y tế… để phù hợp với việc điều chỉnh thời gian cách ly tập trung, thời gian quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung và xét nghiệm phòng chống COVID-19.

Tăng cường tổ chức thực hiện và giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do COVID-19. Trong đó, ưu tiên xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm cơ sở y tế và các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại địa phương để đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới cơ sở xử lý.

Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương chủ động liên hệ với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại các địa phương khác để hỗ trợ xử lý trong trường hợp địa phương không đảm bảo năng lực xử lý hoặc không đủ hạ tầng xử lý chất thải y tế…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm