Tam cấp lấn vỉa hè đã lùi vào trong nhà

Ngày 3-4, trở lại khu vực đường Trần Quang Khải, quận 1, TP.HCM, PV ghi nhận toàn bộ các bậc tam cấp kiên cố bằng bê tông lấn vỉa hè đều đã được phá bỏ. Hầu hết người dân khu vực đã dùng những tấm vỉ sắt di động để dắt xe ra vào nhà. Ngoài ra, một số nhà đã cho hạ phần cao độ của nền nhà tại vị trí tiếp giáp giữa vỉa hè với nền nhà và xây thềm dốc nghiêng thoai thoải cho xe ra vào.

Biết sai nên không phàn nàn

Đơn cử, tại nhà 130 Trần Quang Khải đã cho xây thềm dốc nghiêng bề ngang 2 m, mặt nghiêng dài 2 m tạo lối ra vào. Một người thợ xây cho biết nền nhà này cao hơn vỉa hè khoảng 50 cm và trước đây có bậc tam cấp lấn ra vỉa hè. Đến khi quận 1 dẹp lấn chiếm vỉa hè thì đơn vị thuê mặt bằng này đề nghị chủ nhà cho phép hạ một phần nền nhà, tạo thềm dốc dắt xe ra vào nhà mà không lấn vỉa hè như trước nữa.

Bà Nguyễn Thị M., người bán hàng nước lâu năm trên đường Trần Quang Khải, chỉ qua một loạt căn nhà 105A, 105B… đến 111 Trần Quang Khải có nền nhà cao hơn vỉa hè từ 30 cm đến hơn 50 cm. Bà M. cho biết: “Những căn nhà này xây đã hơn 10 năm. Lúc đó họ đâu biết phải xây nền nhà cao thấp ra sao cho hợp lý. Sợ sau này Nhà nước nâng đường nên họ xây cao lên rồi để thuận tiện ra vào họ xây các bậc tam cấp, bục dắt xe lấn ra vỉa hè. Bây giờ bị đập hết rồi”.

Bà M. cũng cho biết trong đợt xử lý vỉa hè vừa qua, các hộ dân này cũng biết lấn chiếm như vậy là sai nên đã tự giác chấp hành. Tuy nhiên, do nền nhà quá cao so với vỉa hè nên bây giờ họ sử dụng các bục dắt xe, bậc tam cấp di động.

Trong khi đó, căn nhà 106 Trần Quang Khải dù cao hơn vỉa hè khoảng 40 cm song hoàn toàn không có dấu vết của bậc tam cấp hay bục dắt xe bị đập bỏ. Đại diện chủ nhà này cho biết ngay từ đầu họ đã cắt bớt một phần không gian bên trong nhà để làm nơi dắt xe ra vào nhà và hoàn toàn không lấn 1 cm nào của vỉa hè. “Tôi cho rằng nhiều người sợ làm như vậy thì diện tích hữu dụng của mặt bằng bị thu hẹp nên đã cố tình lấn ra vỉa hè, là vi phạm” - người này nói.

Một số người dân cho biết thêm việc đặt bục dắt xe hoặc tam cấp lấn vỉa hè đã quá quen thuộc. “Tôi thấy nhiều người làm mà không ai nhắc nhở nên làm theo và dần dần quen mắt với việc này. Nhưng vừa qua chính quyền thông báo, giải thích làm vậy là lấn ra phần vỉa hè, là sai nên chúng tôi cũng không phàn nàn gì khi đập bỏ phần lấn chiếm này”.

Nhà 130 Trần Quang Khải đã xây thềm dốc nghiêng nằm bên trong nhà cho xe ra vào nhà, không lấn vỉa hè như trước. Ảnh: MP

Từ đầu chủ nhà 106 Trần Quang Khải này đã đưa thềm nghiêng dắt xe vào bên trong nhà nên không bị ảnh hưởng từ việc “giải cứu vỉa hè”. Ảnh: MP

Vượt chỉ giới là bị xử lý

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Tiến, nhà ở phường Linh Đông, quận Thủ Đức, cho rằng khu vực ông ở thường xuyên bị ngập, trong khi các tuyến đường bên ngoài như Kha Vạn Cân, Phạm Văn Đồng… được làm nền rất cao. “Tôi xây nhà bằng mặt đường thì sau này đường nâng lên rồi nhà lọt thỏm xuống thì sao. Nếu hệ thống thoát nước đủ tốt để mưa nước không tràn vào nhà, dự án quy hoạch đường đủ tốt để đường không cứ hẹn lại nâng thì mắc gì xây nhà cao cho tốn kém, lại phải làm bậc thang, tam cấp gây bất tiện cho sinh hoạt” - ông Tiến bộc bạch.

Tuy nhiên, một cán bộ cấp phép xây dựng của quận Thủ Đức cho biết nền nhà không phải muốn xây cao bao nhiêu cũng được mà bị khống chế. Nếu không tuân thủ theo giấy phép xây dựng thì sẽ bị xử phạt, không cho hoàn công. “Nhưng có thực tế là nhiều trường hợp đã tự ý đôn cao nền sau khi được hoàn công” - vị này giải thích.

Dù vậy theo vị này, các hạng mục, công trình không được lấn chỉ giới xây dựng. Theo đó, cứ theo chỉ giới xây dựng ở từng nơi và theo phương thẳng đứng mà hễ bất cứ một hạng mục nào như mái che, ban công hay bậc tam cấp, bục dắt xe… vượt chỉ giới này là vi phạm và bị xử lý.

Tháo dỡ phải công bằng

Ông Nguyễn Khắc Nguyên, Phó Chủ tịch UBND phường 15, quận Tân Bình, cho biết trong thực tế, khi xử lý phần lấn chiếm cũng có nhiều người dân đề nghị xem xét cho tồn tại những bục dắt xe nhỏ. Song khi thực hiện thì gặp phản ứng từ phía những người đã bị cưỡng chế, tự đập bỏ trước đó. “Chúng tôi đi vận động người dân và họ chấp hành nhưng cũng đề nghị làm cho công bằng. Hộ này buộc đập bỏ nhưng hộ khác không làm thì bị phản ứng. Họ đặt vấn đề “có quen biết hay có gì đó mà sao vẫn tồn tại” rồi khiếu nại, gây khó khăn cho việc lập lại trật tự đô thị. Vì vậy, trường hợp nào có lấn chiếm thì chúng tôi cũng vận động, yêu cầu người dân tự tháo dỡ, nếu không chúng tôi sẽ tổ chức cưỡng chế” - ông Nguyên nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm