Tài xế dùng tiền lẻ qua trạm, Vidifi muốn CA điều tra

Đã ba ngày liên tiếp (từ ngày 4 đến 6-9) tài xế ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên tiếp tục dùng tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng trả phí qua Trạm BOT số 1 quốc lộ (QL) 5 (Hưng Yên) nhằm phản đối mức thu phí cao.

Theo Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi), vào lúc chiều tối luôn có khoảng 10-20 xe nối đuôi nhau đi rất chậm trên đường rồi tiến vào trạm thu phí, sau đó dùng tiền lẻ để trả phí gây khó khăn cho công tác thu phí. Trước tình hình trên, đơn vị đã phân công hai phó giám đốc trực tiếp túc trực ở trạm nhằm phối hợp với cơ quan chức năng địa phương điều tiết giao thông, đồng thời chỉ đạo tăng cường nhân viên kiểm đếm tiền lẻ để hạn chế ùn tắc khu vực trạm.

Người dân dùng tiền lẻ trả phí qua Trạm BOT số 1 quốc lộ 5. Ảnh: VIẾT LONG

Ngày 6-9, Vidifi cũng có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để xin ý kiến chỉ đạo.

Vidifi nhận định những ngày tiếp theo tình hình trên có thể tiếp tục diễn biến phức tạp tại hai trạm thu phí QL5. Vì vậy, Vidifi đã có văn bản báo cáo và đề nghị Tổng cục An ninh và công an các tỉnh, TP Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan xác minh, điều tra làm rõ hành vi nêu trên của cá nhân, tập thể và có biện pháp ngăn chặn để đảm bảo an ninh trật tự và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Vidifi, Quyết định 1621/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được giao chủ trì đầu tư xây dựng dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. 

Theo đó, Vidifi được giao làm chủ đầu tư tuyến cao tốc Bắc-Nam và quyền thu phí QL5 từ năm 2009 cho đến hết thời gian BOT: "Việc giao Vidifi quyền quản lý thu phí hai trạm QL5 thực chất là một khoản vốn góp của Nhà nước vào dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thực hiện theo hình thức hợp tác công tư (PPP)..." - đại diễn Vidifi lý giải.

Ngoài ra, tại Quyết định 746/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước còn hỗ trợ trực tiếp vào dự án khoảng 29% tổng mức đầu tư, trong đó hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng trên 4.000 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bao gồm hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp (thu phí QL5, chi phí giải phóng mặt bằng...) và hình thức BOT (thu phí cao tốc, quảng cáo, dịch vụ trên cao tốc…). "Việc dư luận cho rằng BOT một đường nhưng thu phí một đường khác là phiến diện, chưa chính xác và dễ gây bức xúc trong dư luận xã hội..." - Vidifi thông tin.

Tuy nhiên, thực tế nguồn thu phí QL5 từ năm 2009 đến nay chủ yếu để thực hiện quản lý, duy tu và sửa chữa cho chính QL5, chưa hỗ trợ được cho dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo quy định. QL5 đã được đại tu, mở rộng, nâng cấp từ năm 1998 (gần 20 năm). Hiện tại phần lớn các công trình (mặt đường, các công trình phụ trợ…) đã xuống cấp nặng nề và đều đã quá thời hạn đại tu. 

Mỗi buổi chiều có khoảng 10-20 xe dùng tiền lẻ để phản đối mức thu phí không tương xứng với mặt đường. Ảnh: VIẾT LONG

Theo dự kiến của chủ đầu tư, muốn sửa chữa cần khoản tiền 2.500-3.000 tỉ đồng. Với mức thu phí như hiện nay thì doanh thu thu phí QL5 cơ bản đáp ứng được việc sửa chữa quốc lộ trong thời gian tới, chưa hỗ trợ cho dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo như dự kiến ban đầu. 

Hiện nay, Vidifi đã hoàn thành việc lập dự án đầu tư và đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét phê duyệt để sớm thi công sửa chữa QL5 vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018. Bên cạnh đó, Vidifi đã tiến hành sửa chữa đột xuất những vị trí hư hỏng nặng để đảm bảo an toàn giao thông cho phương tiện lưu thông trên tuyến đường này.

Nhưng quan điểm của người dân là phải giảm phí. Theo họ, trước đây Nhà nước thu phí QL5 thấp nhất chỉ 10.000 đồng/xe/lượt, tuy nhiên khi Nhà nước chuyển giao cho Vidifi, phí liên tục tăng và đến nay mức thấp nhất đã lên tới 40.000 đồng/xe/lượt, số tiền dân bỏ ra không tương xứng với mặt đường.

Một số tài xế cũng cho rằng hằng năm họ phải đóng phí bảo trì đường bộ và khi loại phí này ra đời Nhà nước đã từng bảo sẽ hạn chế các trạm thu phí, tuy nhiên đến nay phí vẫn chồng phí gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Với những phản ứng người dân, hiện nay tỉnh Hưng Yên đang phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát và kiến nghị với Bộ GTVT giảm mức phí cho người dân xung quanh khu vực trạm.

 

Không nên xem bất cập BOT là chuyện đã rồi

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho rằng hiện nay BOT giao thông có một số bất cập khiến người dân bức xúc. Cụ thể, trạm thu phí đặt sai vị trí khiến người dân không đi 1 km nào cũng phải trả phí, đặc biệt có những đoạn đường còn cấm đi để "lùa" người dân vào trạm thu tiền. Như vậy, chúng ta quá chạy theo lợi nhuận làm mất đi quyền lợi của người dân.

Tiếp đó, Bộ GTVT còn cắt khúc, chia nhỏ các dự án BOT để thu phí, có trạm chỉ cách nhau chưa đầy 50 km. Bên cạnh đó, khi đánh giá xác định mức phí BOT lại lấy lợi nhuận làm chính và nhà đầu tư có sự thỏa thuận của cơ quan chức năng đã nâng mức thu và thời gian thu lên. Điều này cũng đồng nghĩa người dân đóng góp quá nhiều. Ngoài ra, quá trình thu phí thu BOT không minh bạch đã dẫn đến những phản ứng của người dân.

Trước những bất cập trên, TS Phạm Xuân Thủy cho rằng Bộ GTVT phải nhìn ra cái sai và tìm cách khắc phục. Trong đó, vị trí các trạm đặt ngoài dự án cần phải đưa về đúng với khu vực dự án. "Tôi thấy Bộ GTVT nói theo kiểu đặt trạm thu phí BOT ở vị trí đó mới đảm bảo phương án tài chính và nhà đầu tư mới làm. Như vậy, Bộ GTVT đang quá chiều nhà đầu tư và xem như chuyện đã rồi. Bộ GTVT cần đưa các trạm thu phí BOT đặt sai vị trí về đúng với khu vực dự án, không nên xem đây là chuyện đã rồi..." - TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

Để khắc phục các dự án BOT trong thời gian tới, ông Thủy cho rằng Bộ GTVT không được đầu tư các dự án BOT trên tuyến đường độc đạo để người dân có quyền lựa chọn. Bên cạnh đó, cần sớm triển khai thu phí không dừng để minh bạch thông tin với người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm