Tại sao ưu tiên phương án 7 sân bay Long Thành?

Ngày 3-3, ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho biết đơn vị vừa đề xuất với Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng phương án kiến trúc Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Theo đó, sau khi hội đồng đánh giá xếp hạng phương án kiến trúc Nhà ga hành khách, Cảng hàng không Quốc tế Long Thành triển khai đánh giá 9 phương án dự thi của các đơn vị tư vấn. Theo đó, hội đồng đã chọn được 3 phương án kiến trúc (phương án 7, 3 và 4). Trong đó phương án 7 được đánh giá cao nhất, tiếp đến là phương án 3 và 4.

Cận cảnh phương án 7 sân bay Long Thanh. Ảnh: VIẾT LONG

Theo hội đồng, cả ba phương án kiến trúc phù hợp, có tính khả thi cao, đáp ứng tối đa yêu cầu về công năng sử dụng, thẩm mỹ, thể hiện được ý nghĩa, tính chất đặc biệt quan trọng của công trình và phù hợp với quy hoạch Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Do đó, một trong ba phương án đều có thể đề xuất Chính phủ lựa chọn để đưa vào hồ sơ mời thầu tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (FS). Đồng thời, kết quả lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các đơn vị đều đồng quan điểm với Hội đồng đánh giá xếp hạng phương án kiến trúc sân bay Long Thành.

“Vì vậy, ACV đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ưu tiên lựa chọn phương án 7 vì được hội đồng chấm điểm cao nhất để đưa vào hồ sơ mời thầu tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án…” - ông Bình thông tin.

Phương án 7 sân bay Long Thanh. Ảnh: VIẾT LONG

Theo đánh giá của ACV, phương án 7 được đánh giá cao nhất có ưu điểm kiến trúc nhà ga lấy ý tưởng từ hình ảnh cây dừa nước, một đặc trưng văn hóa đồng quê, sông nước của Việt Nam áp dụng vào thiết kế phần mái công trình. Nhà thiết kế muốn mang đến một hình ảnh nhà ga hàng không đậm chất văn hóa địa phương.

Bên cạnh đó, hình thức kiến trúc nhà ga hiện đại, kết hợp việc sử dụng các mảng xanh, cảnh quan nội thất trong công trình và sử dụng vật liệu hài hòa, cố gắng tạo các điểm nhấn (là các khu kinh doanh dịch vụ, khu phòng chờ khách CIP tại sảnh ga đi) để thể hiện một hình ảnh nhà ga hàng không năng động và hiện đại.

Phương án kết cấu đơn giản, phù hợp với điều kiện thi công, lựa chọn các phương án kết cấu linh hoạt nhằm tiết kiệm, đẩy nhanh tiến độ, dễ tổ chức thi công...

Ngoài ra, phương án này đề xuất sử dụng vật liệu phù hợp với kết cấu và phù hợp với nhu cầu sử dụng cho các khu vực công năng trong nhà ga. Chủng loại vật liệu ngoại thất và nội thất cũng phù hợp với xu hướng sử dụng cho các nhà ga hàng không trên thế giới, đảm bảo độ bền và tính thẩm mỹ và đặc tính kỹ thuật của nhà ga hàng không.

Phương án 7 có khuyết điểm việc chia mái thành nhiều mảng nhỏ và nếp gấp sẽ có thể làm tăng chi phí đầu tư do phải đảm bảo thoát nước, tăng chi phí thi công và bảo trì công trình. Phần mái đua của nhà ga (phía trên khu vực curbside ga đi) chưa đủ để đảm bảo khả năng che chắn mưa/nắng cho hành khách đi và người nhà đến đón/tiễn.

Hai phương án còn lại đều có ưu, khuyết

Theo ACV, phương án 3 có ưu điểm là lấy ý tưởng từ hình ảnh bông hoa sen cách điệu, sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào thiết kế mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, cảnh quan vị trí bên trên mái nhà để xe, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục (vị trí trần)...

Phương án này đề xuất sử dụng vật liệu phù hợp với kết cấu và phù hợp với nhu cầu sử dụng cho các khu vực khác nhau và phù hợp với xu hướng sử dụng cho các nhà ga hàng không trên thế giới, đảm bảo độ bền và tính thẩm mỹ và đặc tính của nhà ga hàng không.

Phương án 3 được hội đồng xếp thứ hai. Ảnh: VIẾT LONG

Tuy nhiên, phương án 3 có thể có một số khó khăn trong việc tính toán hệ kèo mái cho quá trình thi công và làm giá thành công trình tăng lên. Việc chia nhỏ mái nhà ga sẽ tăng chi phí xử lý hệ thống thoát nước mưa và công tác bảo trì công trình; với hình dáng cách điệu hoa sen tác giả cố gắng ép vào phần mái nhà ga, phần kiến trúc này chưa được mềm mại và thể hiện được rõ nét hình ảnh hoa sen trên thực tế.

Phương án 4, tác giả quan điểm kiến trúc công trình chủ yếu là điểm nhấn nội thất nên phần ngoại thất mái nhà ga sử dụng đơn giản, không chia nhỏ mái nên thuận tiện cho việc thi công và bảo dưỡng công trình. Ý tưởng nội thất chính của tác giả là sử dụng vật liệu tre, được thiết kế thành hệ kết cấu đan kết để áp dụng cho toàn bộ các không gian chính của nhà ga (sảnh ga đi, khu kinh doanh dịch vụ, miễn thuế, khu phòng chờ, hành lang ga đến...).

Cây tre là loại cây phổ biến của địa phương Việt Nam, là loại vật liệu phổ biến, có sẵn trong tự nhiên để khai thác. Theo thuyết minh phương án thì việc sử dụng vật liệu kết cấu tre là một ý tưởng mới được đưa vào và thể hiện dưới hình thức trang trí đan kết thành không gian nội thất nhà ga để thể hiện một hình ảnh nhà ga hàng không mang tính đặc thù văn hóa địa phương.

Phương án 4 được xếp thứ ba. Ảnh: VIẾT LONG

Đồng thời không gian nội thất kiến trúc nhà ga lớn, thông thoáng, sử dụng vật liệu tre làm kết cấu công trình cũng như làm trần trang trí cho nhà ga. Đây là sự độc đáo, có nét khác biệt so với những công trình nhà ga hàng không trên thế giới. Sử dụng lớp kết cấu tre bên trong để trang trí trần nên không cần lắp đặt hệ thống trần treo trên mái nhà ga và vách bao che khu Concourse (tiết kiệm chi phí)…

Khuyết điểm, do tác giả quan điểm chỉ tập trung điểm nhấn kiến trúc là nội thất nên phần ngoại thất mái nhà ga có hình thức đơn giản, không đa dạng và nổi trội so với các phương án dự thi khác.

Công trình sử dụng kết cấu tre tương tự tại Việt Nam là chưa có nên cần nghiên cứu kỹ về độ bền và tuổi thọ của vật liệu, nguồn cung cấp vật liệu khi sử dụng với khối lượng rất lớn như tác giả đề xuất.

Đề nghị trao giải cho 3 phương án sân bay Long Thành

ACV cũng đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép ACV tổ chức trao giải cho 3 phương án xếp hạng cao nhất theo đánh giá xếp hạnh của hội đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm