Sở GTVT TP.HCM lý giải lập "siêu phố" đi bộ

“Theo quyết định 6204/2016 của UBND TP.HCM về kế hoạch triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X về chương trình giảm ùn tắc, tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện các phố đi bộ khu vực trung tâm TP.HCM”. Sở GTVT TP.HCM vừa có thông tin lý giải về đề xuất lập phố đi bộ “khủng” ở khu vực trung tâm TP.HCM như trên.

Quyết định trên cũng giao cho Sở GTVT chủ trì, triển khai thực hiện nội dung này. Vì vậy, Sở GTVT đang phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu để triển khai thực hiện đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ trong khu vực trung tâm TP. “Hiện nay đề án đang ở bước báo cáo đầu kỳ với phạm vi nghiên cứu trên cơ sở quy hoạch được UBND TP duyệt tại quyết định 6708/2012” - Sở GTVT giải thích.

Cụ thể, quyết định 6708/2012 đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 (quy hoạch phân khu) khu trung tâm hiện hữu TP.HCM rộng 930 ha thì khu vực trung tâm TP sẽ chia thành năm phân khu với chức năng khác nhau. Trong đó sẽ định hướng không gian đi bộ trên một số tuyến đường như đường Đồng Khởi, đường Huỳnh Thúc Kháng, đường Tôn Đức Thắng, đường Lê Lợi, đường Nguyễn Huệ, đường Phạm Ngọc Thạch, đường Võ Văn Tần và đường Trần Cao Vân.

Sở GTVT cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất mở rộng phố đi bộ theo lộ trình, gắn với sự đồng bộ về hạ tầng giao thông lẫn giao thông công cộng. Trong ảnh: Phố đi bộ Nguyễn Huệ - phố đi bộ đầu tiên ở TP.HCM.

Tuy vậy, hiện đề án đang xác định một số nhiệm vụ nghiên cứu theo từng bước, cụ thể như khảo sát, điều tra thu thập số liệu hạ tầng giao thông hiện hữu; khảo sát, đánh giá, nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức phố đi bộ trong và ngoài nước; xác định nhu cầu, các khu vực phát triển đi bộ và sự cần thiết phải xây dựng một số tuyến phố đi bộ từ nay đến năm 2020.

Ngoài ra, đề án cũng nêu nhiệm vụ khảo sát, lấy ý kiến của người dân, chuyên gia giao thông và tham vấn các bên liên quan; đánh giá tác động giao thông, kinh tế - xã hội và môi trường… Sau đó, Sở sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, các sở ngành, đơn vị liên quan để hoàn thiện đề án trình UBND TP xem xét, chỉ đạo.

Sở GTVT cũng nhấn mạnh: đề án còn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện một số tuyến phố đi bộ theo lộ trình với các điều kiện về phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, kết nối với giao thông công cộng chứ không phải ào ào thực hiện trên tất cả các tuyến phố như trên.

“Siêu phố đi bộ” hơn 220 ha

Dự kiến ở khu vực trung tâm TP.HCM sẽ lập phố đi bộ rộng khoảng 221 ha bao gồm các đoạn trên tuyến đường Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Hai Bà Trưng, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Lê Lợi và một số đường nhỏ khác ở quận 1.

Sau khi hình thành, các phương tiện cá nhân sẽ không được phép đi vào khu phố đi bộ. TP.HCM sẽ bố trí một số bãi đậu xe trên các đường xung quanh như đường Nguyễn Thị Nghĩa, Lê Lai, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Hữu Cảnh và cho xe buýt điện, monorail vận chuyển hành khách ra/vào phố đi bộ.

Thông tin này khiến nhiều người e ngại vì giao thông công cộng ở TP.HCM chưa phát triển, giao thông ngầm chưa hình thành, lại thiếu bãi đậu xe… nên với quy mô như một “siêu phố đi bộ” nên trên là chưa phù hợp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm