Shipper được chạy liên quận, người dân vẫn phải chịu phí giao hàng cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo ghi nhận của PVPLO, nhiều người dân phản ánh phí giao hàng liên quận hay nội quận huyện vẫn cao dù TP.HCM đã cho phép shipper (người giao hàng) được chạy liên quận.

Chị NPD, quận Tân Bình cho biết: "Từ khi cho phép shipper chạy liên quận, tôi cũng đã đặt mua hàng nhưng app này không cho đặt hàng liên quận. Không chỉ vậy, phí giao hàng cũng tăng gấp đôi ngày thường, tăng từ 20 ngàn lên 40 ngàn cho quãng đường 2 km. Gọi xe cũng rất khó, phải đặt đi đặt lại nhiều lần mới được."

Hiện nay việc đặt hàng của người dân còn khá khó khăn. Các đơn hàng mất trung bình 15-20 phút mới tìm được tài xế, cá biệt có chuyến hàng đặt cả tiếng đồng hồ không có shipper nhận.

Người dân phản ánh về việc giá cước vận chuyển tăng cao. Ảnh: CTV.

Thậm chí, chị Nguyễn Hồng Loan cho biết mất cả buổi chiều "canh" app cũng không tìm được shipper giao hàng.

Trên thực tế các shipper vẫn còn e dè khi chạy lại bởi muốn được chạy shipper vừa phải thực hiện xét nghiệm âm tính với COVID-19, vừa phải có tên trong danh sách trên Website của Sở Công Thương. Do đó, số lượng shipper hoạt động trên thực tế thấp hơn rất nhiều so với số lượng đăng ký.

Anh Nguyễn Văn Đức, một shipper quận Bình Tân, chia sẻ: "Tối hôm trước tôi còn có tên trong danh sách tài xế được chạy nhưng hôm sau khi tra cứu lại không có nữa. Tôi không dám chạy vì lực lượng kiểm soát có thể xử phạt bất cứ lúc nào".

Một shipper khác phân trần: "Hiện nay shipper được chạy liên quận, đơn đặt hàng cũng khá nhiều, song chỗ nào cũng rào chắn nên lộ trình đi lại mất nhiều thời gian hơn. Hy vọng khách hàng thông cảm khi giá cao hơn mọi ngày."

Lý giải về nguyên nhân phí giao hàng tăng so với ngày thường, Gojek Việt Nam cho biết hiện nay hãng có đăng ký với Sở Công Thương 15.000 tài xế được hoạt động trong mùa dịch từ cuối tháng 7-2020.

Khi TP.HCM cho phép shipper chạy liên quận thì số lượng shipper được phép chạy cũng không tăng lên. 

Trong khi đó, quy luật cung - cầu luôn có sự thay đổi. Lượng người dân đặt hàng tăng cao trong khi số shipper không đổi khiến thuật toán có sự thay đổi, làm giá cước tăng. Tuy nhiên, mức tăng không nhiều.

Gojek cho biết đơn vị đang tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng. Trong thời gian tới, hãng mong muốn các sở, ban ngành xem xét đề xuất tăng số lượng shipper được tham gia hoạt động để đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, giúp đảm bảo sự liền mạch của chuỗi cung ứng.

Tương tự, đại diện hãng AhaMove cho biết hiện nay số lượng shipper vẫn được giữ nguyên trong khi nhu cầu của người dân ngày càng tăng cao.

AhaMove kỳ vọng trong thời gian tới TP sẽ cho phép tăng lượng tài xế lưu thông nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trao đổi với PLO, Be Group cho biết hiện nay Be đã có khoảng 3.000 tài xế hoạt động liên quận. Be Group cho biết giá cước vận chuyển có tính cạnh tranh so với các hãng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm