Shipper cần làm gì để không bị phạt sau Chỉ thị 16 tăng cường

Ngày 25-7, PLO đã thông tin về sự việc CSGT đã xử phạt nhiều trường hợp shipper công nghệ giao các mặt hàng không thiết yếu.

Trong đó, một shipper từ quận 4 sang quận 1 bị xử phạt vì vận chuyển một một cục sạc điện thoại. Sau khi lực lượng chức năng kiểm tra, shipper trên đã bị xử phạt. Anh shipper này cho rằng: "Người ta book thì mình phải giao thôi chứ cũng không biết hàng gì; nhiều khi giấy tờ, văn kiện gấp rút của người ta….”.

Thời gian tới các shipper sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: LÊ THOA.

Tương tự, một shipper công nghệ khác vận chuyển túi hàng từ quận 1 về quận Bình Thạnh khi bị kiểm tra thì phát hiện bên trong ngoài rau củ quả, còn có một số bịch bim bim. Lực lượng CSGT đã nhắc nhở: Theo Chỉ thị 12 thì các anh chỉ được giao thực phẩm thiết yếu như rau củ quả, chứ nếu chở bánh, bim bim không thì sẽ bị xử phạt.

Bên cạnh đó, một shipper của cửa hàng điện máy cũng bị lập biên bản vi phạm Chỉ thị 16 tăng cường khi đang vận chuyển một chiếc tủ lạnh và ti vi.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết văn bản 2468 ngày 24-7 đã quy định rõ các đối tượng được phép lưu thông. Do đó, các trường hợp ngoài Công văn nêu thì không được phép lưu thông.

Để siết chặt shipper, ông Lâm hiến kế người giao hàng cũng chỉ được vận chuyển những mặt hàng thiết yếu. Đồng thời từ chối vận chuyển các mặt hàng không phải hàng hóa thiết yếu. Bên cạnh đó, trên đường lưu thông, lực lượng tuần tra sẽ kiểm tra lực lượng giao hàng, trường hợp người giao hàng không chở đúng mặt hàng thiết yếu sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý.

Ông Lâm cho biết Sở Công thương và Sở GTVT sẽ phối hợp để có giải pháp siết chặt tình trạng giao hàng. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng trên thì người dân cần tự giác. Đồng thời, các app giao hàng công nghệ cũng cần siết và quy định rõ ràng.

Trao đổi với PLO, đại diện BE Group cho biết đơn vị đang bàn bạc nội bộ và sẽ làm việc với các cơ quan quản lý để tìm phương án phù hợp cho cả hai. Tất cả đều tuân thủ mọi quy định của nhà nước. Hiện nay, việc thông thương vận chuyển hàng hóa là nhu cầu thiết yếu của người dân.

Tương tự, đại diện Grab và Gojek cũng thông tin đang chờ đợi hướng dẫn chi tiết từ UBND TP, Sở GTVT. Từ đó, xây dựng kế hoạch điều chỉnh hoạt động của các dịch vụ đáp ứng đúng quy định.

Hiện hai hãng trên vẫn duy trì hoạt động giao nhận hàng hóa, đi siêu thị, đi chợ hộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm