Sẽ ưu tiên nguồn lực phát triển giao thông Đông Nam bộ

Ngày 24-2, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT), Đồng Nai để bàn về kết nối giao thông khu vực Đông Nam bộ, sân bay Long Thành và tỉnh BR-VT.

Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tập trung khép kín các dự án đường vành đai.
Trong ảnh: Một đoạn đường vành đai 3 (Mỹ Phước - Tân Vạn) đã được đưa vào khai thác, sử dụng. Ảnh: VÕ NGUYÊN

Đầu tư các dự án mang tính đột phá

Tại đây, ông Nguyễn Văn Thể khẳng định thời gian tới ngành giao thông sẽ tập trung nguồn lực để hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong đó, chọn đầu tư các dự án mang tính đột phá nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và khai thác được tiềm năng của khu vực Đông Nam bộ nói riêng.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan cần rà soát lại quy hoạch giao thông từ trung ương và địa phương. Các công trình được đầu tư phải mang tính chất đồng bộ, kết nối nên cần giải phóng mặt bằng một lần. “Đối với khu vực này, chúng ta cần quan tâm đến các công trình liên vùng” - Bộ trưởng lưu ý.

Về lĩnh vực hàng hải, ông Thể khẳng định sẽ quan tâm đến luồng đi vào cảng Cái Mép - Thị Vải, hình thành giao thông kết nối để phát huy hiệu quả cảng biển lớn này.

Về lĩnh vực hàng không, người đứng đầu ngành giao thông cho biết sẽ tập trung vào ba dự án gồm sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Côn Đảo. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu dự án đường sắt kết nối sân bay Long Thành và khu vực BR-VT. Song song đó là các dự án phát triển hành lang đường thủy và logistics phía Nam.

Riêng lĩnh vực đường bộ, ông Thể đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung khép kín các tuyến vành đai 2, 3, 4 ở TP.HCM. Sớm đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết, Bến Lức - Long Thành…

Nhanh chóng triển khai theo quy hoạch

Theo Bộ GTVT, quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của cả nước nói chung và ngành giao thông nói riêng, vùng Đông Nam bộ tiếp tục được xác định là đầu tàu kinh tế, là trung tâm công nghiệp cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước.

Do đó, việc nghiên cứu đề xuất các dự án nhằm tăng cường kết nối giao thông của vùng là hết sức quan trọng và cấp thiết để tạo ra sự kết nối đa phương thức, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, cơ hội mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế - xã hội và tạo động lực phát triển vùng.

Về thực trạng kết nối giao thông TP.HCM và các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ, hệ thống đường bộ liên kết chủ yếu qua năm tuyến cao tốc, 10 tuyến quốc lộ và ba tuyến vành đai của TP.HCM. Trong vùng chỉ có một tuyến đường sắt đang khai thác (đường sắt Bắc - Nam).

Hệ thống cảng biển trong vùng bao gồm cảng cửa ngõ quốc tế BR-VT, cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương là cảng địa phương. Về hàng không, gồm ba sân bay: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Tân Sơn Nhất và Côn Đảo.

Hiện Bộ GTVT đang triển khai xây dựng năm quy hoạch ngành quốc gia (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, bộ sẽ rà soát, đánh giá và đề xuất các dự án cụ thể nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ, sân bay Long Thành, BR-VT.

“Trong thời gian tới, khi các quy hoạch được phê duyệt, chúng ta cần nhanh chóng triển khai đầu tư theo quy hoạch và đưa vào khai thác một số công trình có tính chất động lực, lan tỏa, hỗ trợ hoạt động vận tải và dịch vụ logistics…” - Bộ GTVT cho hay.

Ưu tiên các dự án mang tính kết nối

Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, tính kết nối giữa các loại hình giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy) của nước ta rất yếu, dẫn đến việc khai thác không hiệu quả nguồn lực. Chẳng hạn như cảng Cái Mép - Thị Vải là một trong các cảng container nước sâu lớn của thế giới, đón được “siêu tàu” thế hệ mới với trọng tải gần 200.000 tấn, sức chở lên đến hơn 21.000 TEU. Tuy vậy, đến nay lượng hàng container qua cảng này mới đạt khoảng 50% công suất thiết kế (3,4 triệu TEU/năm so với công suất khoảng 7 triệu TEU/năm - PV), trong khi tổng số tiền các doanh nghiệp bỏ ra đầu tư xây cảng khoảng 2 tỉ USD.

Theo ông Thể, nguyên nhân dẫn đến cảng Cái Mép - Thị Vải chưa phát huy hết công suất là do giao thông kết nối vào cảng này kém, quốc lộ 51 hầu như ùn tắc liên tục, không có con đường thuận lợi để đưa hàng hóa xuống cảng.

“Vì vậy, thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung cho cảng Cái Mép - Thị Vải theo hướng sớm xúc tiến triển khai dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để hàng hóa được vận chuyển nhanh tới cảng…” - ông Thể cho hay.

Một số chuyên gia cũng cho rằng cảng Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành có tính chất quyết định cho sự phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam thời gian tới. Vì vậy, việc sớm hoàn thành dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để kết nối hai dự án này hết sức cần thiết, không được để chậm trễ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm