Quy hoạch điện VIII: Lo tính ổn định của điện gió, mặt trời

Bộ Công Thương đang xin ý kiến về Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

So với các quy hoạch trước, Quy hoạch điện VIII có nhiều đổi mới. Bởi từ trước đến nay, năng lượng điện của Việt Nam chủ yếu dựa vào thủy điện, nhiệt điện than. Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, nguồn nhiệt điện than chiếm khoảng 53% tổng số công suất điện của Việt Nam. Tuy nhiên, đến Quy hoạch điện VIII, cơ cấu nguồn điện của Việt Nam khác hẳn các giai đoạn trước đó khi năng lượng tái tạo được ưu tiên phát triển.

Năng lượng tái tạo được ưu tiên phát triển trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII. Ảnh: NG

Ông Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), cho biết Quy hoạch điện VII chú trọng phát triển điện than nhưng kết quả mang lại không như mong đợi. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới đã có xu hướng chuyển từ nhiệt điện than sang năng lượng tái tạo thì ở Việt Nam vẫn phát triển nhiệt điện than mạnh.

“Đến Quy hoạch điện VIII, việc ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo đã giải quyết được vấn đề cơ bản nhất là phát triển nguồn năng lượng tại chỗ, không phải nhập khẩu than nữa”- Ông Lâm chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo có nhược điểm là tính không ổn định, điều này ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Nguồn điện từ năng lượng tái tạo chịu ảnh hưởng của yếu tố thời tiết năng và gió. Với đặc điểm đó, các nhà máy điện sẽ không thể vận hành ổn định. Vì vậy theo vị này để đảm bảo an ninh năng lượng thì bên cạnh phát triển năng lượng tái tạo cần phát triển thêm điện khí hỏa lỏng.

Cạnh đó, ông Lâm cũng đề xuất cơ quan soạn thảo nên tính đến phương án xử lý tấm pin điện sau 10-20 năm sử dụng. Bởi đây cũng là mối nguy hại đến môi trường về sau.

Một số chuyên gia năng lượng cũng cho rằng, tính đến hết năm 2020, nguồn điện mặt trời, điện gió có tổng công suất hơn 17.000 MW trong tổng số 70.000 MW công suất. Như vậy, nguồn điện từ năng lượng tái tạo đang chiếm 25% tổng công suất nguồn điện. Đáng chú ý là sự bùng nổ đầu tư năng lượng tái tạo tại một số địa phương không tính toán đến phương án tiêu thụ.

Đề xuất xem xét điện nguyên tử

Nêu góp ý cho Dự thảo Quy hoạch điện VIII, ông Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cũng cho rằng, năng lượng tái tạo có ưu điểm tốt về mặt môi trường, nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu, tính ổn định không cao. Trong khi đó, kinh phí để đầu tư cho năng lượng tái tạo là rất lớn, nền kinh tế của nước ta sẽ không chịu nổi.

Điện mặt trời, điện gió nhiều tiềm năng, có ưu điểm tốt về môi trường nhưng tính ổn định không cao. Ảnh: CTV

“Giai đoạn tới, chúng ta nên giảm cơ cấu nguồn điện than ở mức phù hợp. Chúng ta vẫn có thể khai thác được nhiệt điện than theo hướng điện than sạch với công nghệ hiện đại, đảm bảo môi trường. Nhất quyết không đánh đổi môi trường bằng mọi giá” – Ông Hiến chia sẻ.

Cùng với đó, ông Hiến cho rằng nên có tính toán, đánh giá về điện nguyên tử. Bởi điện nguyên tử có ưu điểm là không ảnh hưởng đến môi trường, vận hành ổn định…

“Hiện nay thế giới không còn quá lo lắng về vấn đề an toàn của điện nguyên tử nữa. Ở Pháp, tỉ trọng điện nguyên tử đã chiếm đến 70%. Hiện ở Đông Hưng của Trung Quốc, khu vực sát biên giới nước ta, họ cũng làm điện nguyên tử. Do vậy, tôi cho rằng từ năm 2030-2035 trở đi, nhà chức trách Việt Nam nên xem xét, đánh giá về điện nguyên tử” – Ông Hiến nêu ý kiến.

 

Lo ngại gây cú sốc về giá điện

Chuyên gia Ngô Đức Lâm lo ngại, giá thành điện năng lượng tái tạo đang là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Một mức giá vừa khuyến khích nhà đầu tư nhưng vừa đảm bảo giá bán đến người tiêu dùng hợp lý sẽ là vấn đề cần được nhà quản lý xem xét.

“Nếu giá tăng hơn so với hiện tại sẽ xảy ra vấn đề gì? Đó là vấn đề an sinh xã hội cho người nghèo, người thu nhập thấp có đủ khả năng chi trả tiền điện hay không? Ngân sách Nhà nước hỗ trợ ra sao thì Quy hoạch điện VIII chưa tính đến” – Ông Lâm nhấn mạnh.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỉ USD, giai đoạn 2031-2045 khoảng 192,3 tỉ USD. Như vậy giai đoạn 2031 - 2045, vốn đầu tư cho phát triển điện lực trung bình mỗi năm khoảng 12,8 tỉ USD.

Theo các chuyên gia kinh tế, để có nguồn vốn phát triển điện lực cần có một chính sách giá hợp lý. Khi nhà đầu tư thấy mức giá bảo đảm lợi nhuận thì sẽ khuyến khích họ tham gia. Cơ quan quản lý Nhà nước cần có cơ chế giá cụ thể, ổn định đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch,…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm