Những lưu ý mới về tách thửa sau 1-1-2018

Từ ngày 1-1-2018, Quyết định 60/2017 của UBND TP.HCM quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa có hiệu lực thi hành. Nhằm giải đáp những thắc mắc của người dân, sáng 26-12, Pháp Luật TP.HCM tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Những lưu ý mới về tách thửa”.

Buổi giao lưu trực tuyến có sự tham dự của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM.

Đất nông nghiệp cũng được tách thửa

Bạn đọc Đặng Thái Hạnh, huyện Củ Chi, hỏi: “Gia đình tôi có 5.000 m2 đất trồng cây lâu năm. Tôi muốn cắt bán bớt nhưng trước đây Quyết định 33/2014 không cho phép tách thửa đất nông nghiệp. Theo Quyết định 60 thì tôi được tách như thế nào? Người mua đất của tôi có bắt buộc phải sản xuất nông nghiệp không?”. Bạn đọc Minh Huệ cũng hỏi: “Tôi có thửa đất nông nghiệp tại một huyện ngoại thành. Nếu được tách thửa thì thửa đất mới tách và thửa đất còn lại sau tách thửa phải có diện tích tối thiểu bao nhiêu?”.

Ông Nguyễn Toàn Thắng trả lời: Khoản 2 Điều 5 Quyết định 60/2017 quy định trường hợp thửa đất thuộc khu vực quy hoạch để sản xuất nông nghiệp thì được phép tách thửa. Thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 500 m2 đối với đất trồng cây hằng năm, đất nông nghiệp khác và 1.000 m2 đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối.

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến ngày 26-12-2017. Ảnh: LÂM THÔNG

Nếu thửa đất thuộc khu vực không phù hợp quy hoạch để sản xuất nông nghiệp hay thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) đã được phê duyệt, công bố thì không được tách thửa. Trường hợp thửa đất thuộc khu vực không phù hợp quy hoạch để sản xuất nông nghiệp và không thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch SDĐ đã được phê duyệt và công bố, người SDĐ được thực hiện các quyền theo quy định tại Điều 49 Luật Đất đai 2013.

Về điều kiện của người nhận chuyển nhượng thì tại Điều 169 Luật Đất đai 2013 quy định: Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển quyền SDĐ thông qua nhận chuyển nhượng quyền SDĐ, trừ trường hợp quy định tại Điều 191 của luật này (khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền SDĐ trồng lúa).

Bạn đọc có địa chỉ email mylepham@gmail.com hỏi: “Có phải tới đây đất nào cũng được tách thửa? Nếu tách thửa đối với đất ở thì phải lưu ý gì về diện tích tối thiểu và các điều kiện khác, đối với đất nông nghiệp hay đất phi nông nghiệp thì có gì khác hơn?”.

Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM hướng dẫn: Quyết định 60 quy định tách thửa cho các loại đất như đất ở, nông nghiệp, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Đối với đất ở thì Quyết định 60 chia làm ba khu vực, có quy định cụ thể về diện tích, chiều rộng mặt tiền thửa đất cũng như các điều kiện về quy hoạch và hạ tầng khi thực hiện tách thửa. Các nội dung này được quy định khá chi tiết, cụ thể và dễ hiểu trong Quyết định 60. Sở TN&MT đã đưa thông tin cụ thể lên website của Sở ở địa chỉ www.donre.hochiminhcity.gov.vn. Người dân có thể truy cập để tìm hiểu thêm.

Phải đảm bảo hạ tầng mới tách thửa

Liên quan về những điều kiện được tách thửa, bạn đọc Trần Toàn, quận 2, trình bày: “Tôi nghe nói nếu tách thửa miếng đất lớn thành nhiều miếng đất nhỏ, có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, cống thoát nước thải…) thì phải được UBND quận/huyện chấp thuận để đảm bảo phù hợp theo quy hoạch được duyệt, kết nối hạ tầng kỹ thuật chung hiện hữu của khu vực. Xin hỏi: Thủ tục cụ thể để xin phép UBND quận/huyện về việc này?”.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết Quyết định 60 nêu rõ điều kiện tách thửa đất ở là phù hợp quy hoạch đất dân cư hiện hữu hoặc hiện hữu chỉnh trang và thuộc khu vực có sẵn cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo kết nối đồng bộ. UBND TP đã giao Sở Quy hoạch-Kiến trúc hướng dẫn cụ thể về điều kiện hạ tầng, kỹ thuật trong trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông để thống nhất đồng bộ.

Đối với khu vực quy hoạch khu dân cư xây dựng mới hoặc hỗn hợp thì việc thực hiện dự án nhà ở phải tuân theo quy định của Luật Nhà ở, Luật Xây dựng nhằm đảm bảo yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đáp ứng nhu cầu ở của người dân cũng như giảm bớt gánh nặng của Nhà nước trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội.

Cùng thắc mắc về việc có cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng khi tách thửa, bạn đọc Thanh Hiền, quận 12, bày tỏ: “Tôi có một thửa đất rộng hơn 500 m2 nằm trong khu dân cư. Tôi định phân lô để bán nền nhưng khi làm thủ tục tách thửa thì quận yêu cầu tôi phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Hiện đường dẫn ra hẻm lớn chỉ rộng 2 m, tôi sẵn sàng bỏ tiền mở rộng đường dẫn nhưng những nhà có đất nằm trong quy hoạch buộc tôi phải bồi thường đất. Vì số tiền bồi thường quá lớn, tôi không chấp nhận. Vậy nếu tôi làm đường theo hiện trạng cũ chứ không mở rộng ra có được không?”.

Ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định Quyết định 33 trước đây cũng như Quyết định 60 đều quy định cụ thể về điều kiện cơ sở hạ tầng trong trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông nhằm đảm bảo kết nối đồng bộ. Khi xem xét tách thửa, UBND quận/huyện có trách nhiệm kiểm tra, rà soát kỹ cơ sở hạ tầng hiện có của khu vực để hướng dẫn người dân thực hiện.

Năm điểm quan trọng của quy định mới về tách thửa

- Diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP.HCM chia thành ba khu vực, tối thiểu là 36 m2 .

- Không phân biệt đất có nhà hay không có nhà. Do đó các cơ quan có thẩm quyền cũng không phải xác minh lại thời điểm hình thành căn nhà. 

- Người dân có đất ở trong quy hoạch hỗn hợp hoặc quy hoạch dân cư xây dựng mới sẽ được tách thửa nếu sau ba năm mà quận/huyện rà soát, điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch, kế hoạch SDĐ hằng năm của quận/huyện.

- Khu đất tách thửa đất ở, chủ đất phải thực hiện hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo phù hợp quy hoạch được duyệt, kết nối hạ tầng kỹ thuật chung hiện hữu tại khu vực.

- Đất sản xuất nông nghiệp cũng được giải quyết tách thửa. Theo đó, đất trồng cây hằng năm, đất nông nghiệp khác phải đảm bảo diện tích tối thiểu 500 m2, đất trồng cây lâu năm là 1.000 m2.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm