Nhiều kiến nghị về dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Hoàng Tuấn Khoát - Phó Giám đốc Ban QLDA 7 cho biết hiện nay công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư của cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết đã cơ bàn hoàn thành, được Chính phủ và Bộ GTVT ghi nhận, đánh giá cao về tiến độ cũng như kết quả thực hiện. Hiện mặt bằng “sạch” đã được bàn giao cơ bản đảm bảo đủ điều kiện triển khai thi công của dự án.

Dự án còn gặp nhiều khó khăn

Trong đó, mặt bằng thi công đã bàn giao dứt điểm được 100,5/100,8 km. Hiện vẫn còn 5/1.978 hộ dân (diện tích đất khoảng 1,9 ha) chưa chấp thuận nhận tiền đền bù và giao mặt bằng.

Dự án gặp khó khăn do thiếu đất đắp. Ảnh: CTV.

Ông Khoát cho biết hiện trên toàn dự án đang triển khai 62 mũi thi công tại 4 gói thầu. Tổng giá trị sản lượng thi công xây lắp đạt được 868,47 tỉ đồng, tương đương 14,32% giá trị xây lắp theo hợp đồng, so với kế hoạch đăng ký thì tiến độ chậm 0,96%.

Nguyên nhân chủ yếu là do công tác triển khai thi công nền đường chưa được khai thác và phát huy hết năng lực do thiếu vật liệu đắp. Trong giai đoạn đầu thực hiện dự án, chủ yếu tập trung thi công các hạng mục thuộc nền đường (phát quang, đào vét hữu cơ, đắp đất từ nguồn tận dụng tại chỗ…) mặc dù có khối lượng lớn và thời gian thi công kéo dài nhưng giá trị sản lượng thấp.

Trước tình hình này, Ban QLDA 7 đã điều chỉnh cục bộ về kế hoạch và chỉ đạo các nhà thầu chuyển hướng sang tăng cường các mũi thi công cầu, cống, hầm chui, sản xuất cấu kiện đúc sẵn và tập kết vật tư theo mùa ...nhất là vật liệu cấp phối đá dăm để cố gắng kiểm soát được tiến độ và giá trị sản lượng thực hiện.

Ông Khoát cũng đưa ra nguyên nhân khách quan là do mặt bằng thi công, di dời hạ tầng kỹ thuật đã gây rất nhiều khó khăn cho các nhà thầu trong phương án tổ chức thi công. Từ đó, gây ách tắc cho việc tập kết xe máy - thiết bị, vận chuyển vật tư, vật liệu trong nội bộ công trường do chưa thể hoàn thành thông suốt tuyến đường công vụ dọc tuyến…

Đặc biệt, tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài liên tục từ đầu năm 2021 và thời gian gần đây càng trở nên phức tạp và khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến dự án.

Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm kéo dài về vật liệu đắp nền đường, giá thép xây dựng và một số vật liệu khác tăng bất thường trong thời gian dài. Trong đó, tình trạng khan hiếm nghiêm trọng nguồn vật liệu đắp nền đường là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức độ thi công của nhà thầu và làm chậm trễ tiến độ dự án.

Đưa ra nhiều kiến nghị

Ban QLDA 7 có nhiều kiến nghị với Bộ GTVT để đẩy nhanh tiến độ dự án. Ảnh: CTV.

Nguồn cung cấp vật liệu đắp nền đường là vấn đề nan giải nhất hiện nay. Tổng nhu cầu vật liệu đắp của dự án khoảng 9.200.000 m3 nhưng hiện mới đáp ứng được khoảng 3.150.000 m3. Vấn đề khó khăn nhất để có thể giải quyết thủ tục để sớm cung cấp được 6.050.000 m3 vật liệu đắp.

Ban QLDA 7 cho biết theo quy định việc áp dụng “cơ chế đặc thù” mới chỉ giảm bớt được điểm duy nhất là thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ còn các thủ tục khác (thăm dò, phê duyệt trữ lượng, môi trường, chủ trương đầu tư, thiết kế, cấp quyền khai thác, thuê đất…) vẫn phải thực hiện theo Luật Khoáng sản. Theo ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận thì để có thể đi vào khai thác vẫn phải thực hiện qua 10 bước với thời gian không dưới 10 tháng (không kể thời gian quy hoạch khoáng sản).

Đối với việc tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu đắp, Ban QLDA 7 kiến nghị Bộ GTVT một số nội dung sau:

ý kiến để UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các sở, ngành liên quan sớm giải quyết việc cấp phép khai thác với 5 mỏ đang làm thủ tục và nâng công suất theo “cơ chế đặc thù” của Nghị quyết số 60/NQ-CP với các mỏ đang khai thác ngay trong tháng 9-2021 để tháo gỡ khó khăm về nguồn cung cấp vật liệu cho dự án.

Đối với 11 mỏ đang đề nghị bổ sung, điều chỉnh quy hoạch để áp dụng “cơ chế đặc thù” theo Nghị Quyết 60/NQ-CP, trên cơ sở ý kiến của ba Bộ đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo cáo sở, ngành liên quan phải chủ động (không để tình trạng việc gì cũng xin ý kiến các Bộ, Ngành Trung ương) và khẩn trương triển khai thủ tục cập nhật, điều chỉnh quy hoạch. Ban QLDA 7 đã chỉ đạo các nhà thầu thi công liên hệ và phối hợp với các đơn vị tư vấn chuyên ngành khai thác mỏ để chuẩn bị hồ sơ và các thủ tục cấp phép để sớm đưa vào khai thác phục vụ dự án.

Đối với công tác GPMB, Ban QLDA 7 kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến để UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo, đôn đốc UBND các huyện tập trung giải quyết nhanh chóng và dứt điểm những tồn tại và vướng mắc về mặt bằng thi công, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.

Đồng thời giải ngân vốn đầu tư tại các đoạn tuyến còn lại theo tinh thần Thông báo số 179/TB-VPCP ngày 8-7 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai thực hiện một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Ban QLDA 7 kiến nghị Bộ GTVT làm việc với các địa phương trên cả nước để thống nhất trong nhận thực và áp dụng văn bản số 7992 về việc đề nghị hỗ trợ trong quá trình triển khai thi công dự án cao tốc cao tốc Bắc – Nam phía Đông và Quyết định số 1570 về ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch COVID – 19 để đảm bảo nguồn cung ứng nhân lực, vật tư, thiết bị… cho dự án được liên tục và thường xuyên. Có cơ chế riêng cho việc mở “luồng xanh” cho các đơn vị huy động nhân sự, máy móc, vật tư từ các vùng khác đến thực hiện dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm