Nhiều bất cập sau 1 tuần triển khai quản lý shipper ở Cần Thơ

Ngày 12-8, Sở Công thương TP Cần Thơ đã có Văn bản gửi UBND TP báo cáo, kiến nghị nhiều vấn đề sau một tuần triển khai thực hiện quản lý hoạt động nhân viên giao nhận hàng hóa (shipper).

Đề xuất nhiều vấn đề tháo gỡ cho DN

Cụ thể, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoạt động trong thời điểm khó khăn hiện nay, Sở Công Thương TP trình UBND thành phố xem xét, chỉ đạo liên quan đến nội dung xét nghiệm COVID-19 miễn phí nêu tại Công văn trước đó.

Cạnh đó, chỉ đạo tăng thời gian được phép hoạt động lên 21 giờ hàng ngày cho đến hết thời gian thực hiện Chỉ thị số 10 và cho phép shipper được phép giao hàng liên quận, huyện nếu đáp ứng đủ các yêu cầu khi qua các trạm kiểm soát.

Sở Công thương TP Cần Thơ đề nghị UBND TP chỉ đạo tăng thời gian shipper được phép hoạt động lên 21 giờ hàng ngày. Ảnh: CHÂU ANH

Trước đó, ngày 4-8, UBND TP Cần Thơ có văn bản yêu cầu các shipper chỉ được phép hoạt động từ 6 đến 18 giờ hàng ngày và mỗi shipper chỉ được hoạt động trên địa bàn một quận, huyện.

Các shipper chỉ được phép giao hàng qua quận, huyện khác trong trường hợp vận chuyển nhu yếu phẩm phục vụ cho các bệnh viện dã chiến phòng, chống COVID-19.

UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị quản lý, cung ứng dịch vụ thực hiện điều chỉnh giảm 30% số lượng shipper. Mặt khác, chủ động phối hợp với các cơ quan y tế trên địa bàn tổ chức xét nghiệm theo định kỳ 3 ngày/lần cho các shipper. Khi di chuyển trên đường, lực lượng shipper phải đem theo giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 còn thời hạn trong vòng 3 ngày.

UBND TP giao Sở Y tế tổ chức hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn xét nghiệm miễn phí SARS-CoV-2 cho đội ngũ shipper, trong đó, nghiên cứu xét nghiệm RT-PCR, mẫu gộp 10 người/mẫu.

DN cho rằng các quy định chưa phù hợp

Qua một tuần triển khai thực hiện, Sở Công thương TP đã tiếp nhận nhiều phản ánh về khó khăn, vướng mắc từ DN. Cụ thể, để có đủ điều kiện vận chuyển hàng hóa thì bắt buộc phải trình giấy xét nghiệm COVID-19 còn hiệu lực tại các chốt. Tuy nhiên trong thời điểm này để thực hiện xét nghiệm theo đúng thời gian quy định là rất khó, vì ngành y tế và các BV được phép thực hiện xét nghiệm đã quá tải.

Tính đến thời điểm hiện nay, DN vẫn đang phải trả khoản chi phí lớn cho việc thực hiện xét nghiệm COVID-19, trong khi doanh thu kinh doanh hàng hóa thiết yếu sụt giảm sâu do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Sau một tuần triển khai quy định quản lý shipper, nhiều DN đã phản ánh về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ảnh: CHÂU ANH

Về quy định thời gian hoạt động giao nhận hàng hóa trên địa bàn, theo phản ánh của DN thời gian được phép giao nhận hàng hóa thiết yếu từ 6 đến trước 18 giờ hàng ngày là không phù hợp.

Bởi lẽ, hiện nay, các shipper đã phải cắt giảm 30% theo quy định, đồng thời số lượng nhân viên tại DN cũng bị giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong khi các siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải triển khai bán hàng online, lượng đơn bán tăng trong ngày nên shipper phải hoạt động hết công suất nhưng vẫn không giao kịp các đơn hàng trước 18 giờ theo quy định.

“Ngoài ra, một số hàng hóa đặc thù như gas, nếu người tiêu dùng hết gas vào sau 18 giờ thì cửa hàng không thể phục vụ vận chuyển giao gas cho khách. Nếu nhân viên giao nhận hàng hóa đã bắt buộc phải thực hiện đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 thì việc giới hạn thời gian giao hàng trước 18 giờ hàng ngày là không cần thiết” – Văn bản của Sở Công thương thể hiện ý kiến của DN.

Theo phản ánh, quy định “mỗi nhân viên giao hàng chỉ được hoạt động trên địa bàn một quận, huyện nhất định” cũng phát sinh vướng mắc trong giao nhận hàng hóa. Cụ thể, nếu khách hàng cần mua một mặt hàng đặc thù chỉ dành cho người già có bệnh hoặc trẻ em, mà mặt hàng đó chỉ có ở siêu thị thuộc quận, huyện khác với nơi khách hàng cư trú thì siêu thị không thể thực hiện giao nhận hàng do không được phép đi qua các trạm kiểm soát liên quận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm