Nguyên nhân và các biện pháp phòng tránh tai nạn điện trong gia đình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dịch bệnh kéo dài, hầu hết thời gian của người dân ở trong nhà và phải thường xuyên sử dụng các thiết bị điện, do đó Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đã đưa ra một số khuyến cáo về an toàn điện trong gia đình.

Nguyên nhân gây mất an toàn điện trong gia đình

Xã hội càng phát triển thì nhu cầu sử dụng điện càng cao vì hầu hết các thiết bị trong gia đình đều đang hoạt động bằng nguồn điện. Điện trở thành một loại hàng hóa thiết yếu trong đời sống con người.

Tuy nhiên, nếu sử dụng điện không đúng cách thì điện sẽ trở thành một thứ vô cùng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của con người.

Công ty điện lực Tân Phú thuộc EVNHCMC thực hiện chặt cành, mé nhánh, bảo vệ hành lang an toàn điện trước mùa mưa bão 2021.

Theo EVNHCMC, một số nguyên nhân gây mất an toàn điện trong gia đình thường gặp như chạm tay trực tiếp vào ổ điện, vào dây điện trần hoặc dây điện bị hở, dùng vật dẫn điện để chọc vào ổ điện.

Đây là trường hợp cần lưu ý nhất khi gia đình có trẻ nhỏ, tuyệt đối không để trẻ lại gần hay tiếp xúc với những nơi có ổ điện.

Khi thiết kế các ổ cắm điện, người dân nên sử dụng loại ổ điện có nắp đậy, hoặc loại có nắp che các lỗ cắm điện an toàn.

Ngoài ra, khi sửa chữa các thiết bị điện mà quên đóng/ngắt nguồn điện hoặc khi thao tác sửa chữa người dân không dùng dụng cụ hỗ trợ, bảo vệ cũng là một nguy cơ cao gây ra tai nạn điện.

Cũng theo EVNHCMC, thời gian này TP.HCM xuất hiện nhiều cơn mưa lớn, có khả năng gây ngập úng dẫn đến nguồn điện hay thiết bị điện trong gia đình sẽ bị ẩm ướt.

Từ đó có thể gây chập điện cục bộ, có khả năng gây điện giật hoặc gây cháy, đặc biệt đối các dụng cụ điện cầm tay như máy sấy tóc, máy khoan.

Các biện pháp phòng tránh tai nạn điện

Để phòng tránh tai nạn điện và đảm bảo an toàn cho người sử dụng, EVNHCMC khuyến cáo người dân cần tuân thủ các biện pháp an toàn như: Lựa chọn các thiết bị điện đảm bảo chất lượng, có nhãn hiệu của nhà sản xuất, không nên mua những sản phẩm giá rẻ, kém chất lượng; dây dẫn điện phải phù hợp với công suất sử dụng để tránh sự cố đứt, chập, cháy.

Người dân nên lắp cầu chì ở trước các ổ cắm điện hay từng theo các khu vực (tầng, phòng trọ) để ngắt dòng điện khi có chạm chập, ngăn ngừa hỏa hoạn do điện, hoặc lắp CB chống giật chất lượng cao cho toàn bộ ngôi nhà.

Thiết bị này giúp phát hiện sự cố nhanh, nhạy và có khả năng đóng ngắt tự động nhanh hơn loại CB thông thường.

Người dân thường xuyên kiểm tra các thiết bị, dây dẫn điện trong gia đình, nếu có dấu hiệu hư hỏng phải kịp thời sửa chữa, thay thế.

Đặc biệt lưu ý khi trời mưa gây ngập nước cần phải ngắt ngay nguồn điện trong gia đình, nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời như các bảng hiệu, bảng quảng cáo.

Người dân cũng cần ngắt nguồn điện (cúp CB) khi tiến hành sửa chữa, thay thế các thiết bị điện trong gia đình và có đặt biển báo ngay tại khu vực CB để tránh trường hợp người nhà không biết sẽ đóng điện khi đang sửa chữa.

EVNHCMC cũng khuyến cáo người dân nên tuân thủ an toàn hành lang lưới điện, giữ khoảng cách nhất định với đường dây cao áp và trạm biến thế.

Người dân không tới gần hoặc đưa bất cứ vật gì đến gần đường dây điện cao áp; Không xây nhà ở, công trình gần cột điện cao áp; Không đào đất gần móng cột điện gây khả năng lún, sụt cột; Không lắp đặt dây phơi, giàn giáo, biển, hộp đèn quảng cáo hoặc các vật dụng khác tại các vị trí có khả năng va quệt vào công trình lưới điện; Không quăng, ném, bắn bất kỳ vật gì lên đường dây điện, vào công trình điện.

Ngoài ra, người dân nên chủ động trang bị các kiến thức về phòng tránh tai nạn điện để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Mỗi người cần tìm hiểu kiến thức về xử lý tình huống khi bị điện giật, bình tĩnh xử lý sơ cứu và gọi cứu thương kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm