Người dân TP.HCM hiến đất mở hẻm với diện tích bằng 1 quận

UBND TP.HCM vừa có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm trên địa bàn TP.HCM từ năm 2000 đến nay. Theo đó, trong hơn 20 năm qua, người dân TP đã hiến hơn 5,37 triệu m² đất (5,37 km2) để mở rộng hẻm, mở đường. Con số 5,37 km2 lớn hơn cả diện tích một quận như quận 3 (4,92 km2), quận 5 (4,27 km2), quận 11 (5,14 km2), quận Phú Nhuận (4,88 km2)…

Người dân TP.HCM hưởng ứng hiến đất mở rộng hẻm. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Gần 170.000 hộ dân hiến đất

“TP.HCM những năm trước năm 2000 vẫn còn tồn tại nhiều con đường, hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, không đạt quy chuẩn về giao thông, mỹ quan đô thị và PCCC” - ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nêu trong báo cáo về công tác này gửi Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM mới đây.

Theo báo cáo, TP.HCM với tốc độ phát triển kinh tế cao, thu nhập người dân được cải thiện, mức sống người dân ngày càng được nâng lên, dẫn đến nhu cầu về nhà ở và việc cải thiện tình trạng giao thông, PCCC... trở thành vấn đề cấp bách cần được quan tâm giải quyết.

Trước tình hình đó, chủ trương vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm đã được Ban chấp hành Đảng bộ TP đề ra và phát động thực hiện rộng rãi trong nhân dân. Chủ trương hiến đất mở rộng hẻm trên địa bàn TP được triển khai từ năm 2000, tuy nhiên tại thời điểm đó chỉ có vài quận, huyện thực hiện nhưng đến khoảng cuối năm 2003 và đầu năm 2004 thì phong trào hiến đất mở rộng hẻm mới lan tỏa trên toàn địa bàn TP.HCM.

“Qua thời gian thực hiện, công tác này dần trở thành phong trào được nhân dân đồng tình ủng hộ vì nhiều hiệu quả thiết thực đã mang lại từ phong trào này” - báo cáo nêu.

Theo thống kê, từ năm 2000 đến 2021, toàn địa bàn TP.HCM đã có trên 168.139 hộ dân hiến hơn 5,37 triệu m² đất, ước tính tương ứng với số tiền hơn 10.050 tỉ đồng, phục vụ cho 5.230 công trình. Trong đó có 3.874 công trình mở rộng hẻm, ước tính tương ứng với số tiền hơn 6.622 tỉ đồng; 1.237 công trình mở rộng đường, ước tính tương ứng với số tiền hơn 3.379 tỉ đồng và 119 công trình khác, ước tính tương ứng với số tiền hơn 48 tỉ đồng.

Kiến nghị hai quy trình thủ tục

Tại báo cáo này, UBND TP.HCM cho biết hiện nay, Bộ TN&MT đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định chi tiết Luật Đất đai và Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Tại khoản 3 Điều 5 dự thảo thông tư nêu: Trường hợp người sử dụng đất tặng cho (bao gồm cả trường hợp tự nguyện hiến) một phần của một hoặc một số thửa đất, tặng cho toàn bộ một hoặc một số thửa đất trên giấy chứng nhận cấp chung cho nhiều thửa đất để làm đường giao thông, thủy lợi hoặc công trình công cộng khác.

Tại khoản 6 Điều 4 dự thảo thông tư nêu: Trường hợp người sử dụng đất tự nguyện hiến, tặng cho một phần diện tích của thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận để làm đường giao thông, thủy lợi hoặc công trình công cộng khác thì thể hiện: “Đã ... (ghi hình thức hiến hoặc tặng cho)... m2 để làm...”.

“Nội dung tại hai điều khoản trên của Bộ TN&MT chưa có quy định về trình tự thủ tục thực hiện, do đó kiến nghị Bộ TN&MT quy định bổ sung về trình tự thủ tục thực hiện hai nội dung trên” - UBND TP.HCM kiến nghị.

Theo UBND TP, sau khi được Bộ TN&MT chấp thuận bổ sung và ban hành Thông tư quy định chi tiết Luật Đất đai và Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sẽ là cơ sở pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân. Qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận của người dân trong việc hiến đất làm đường, mở rộng hẻm trong thời gian tới trên địa bàn TP.HCM.•

Trên tinh thần đóng góp của người dân, UBND 22 quận, huyện và TP Thủ Đức đã khen thưởng hơn 1.100 tập thể và gần 1.790 cá nhân có thành tích đóng góp tích cực cho công tác tuyên truyền, vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm trên địa bàn TP từ năm 2000 đến nay. 

Hiến đất mở đường vì lợi ích cộng đồng

Ông Lê Thanh Phong, một hộ dân trong hẻm 803 đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), cho biết khi mở hẻm thì phần đất gia đình ông hiến để làm hẻm cũng khá lớn nhưng ông sẵn sàng đồng ý vì lợi ích chung của cộng đồng.

Tương tự, anh Trần Hoài Nam, hẻm 41 đường Chuyên Dùng 9, phường Phú Mỹ (quận 7), cũng là một hộ dân đã hiến đất để làm đường, chia sẻ địa phương vận động, khuyến khích mở rộng hẻm thì người dân sẵn sàng chấp hành vì thứ nhất, thông thường những hẻm cần mở rộng là những hẻm nhỏ, khi mở rộng ra thành hẻm xe hơi thì giá trị tài sản của người dân cũng được nâng lên. Thứ hai, hẻm rộng còn thuận tiện cho PCCC, đảm bảo an toàn giao thông, cấp thoát nước, tránh được tình trạng ngập úng. Ngoài ra, trong quá trình mở rộng hẻm, các hộ dân còn được chính quyền địa phương hỗ trợ trong việc tháo dỡ, di dời vật kiến trúc hay tạo điều kiện thuận lợi để điều chỉnh giấy tờ nhà, đất. HỮU ĐĂNG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm