Ngăn chặn các kiểu ‘xin’ như ‘xin 400 vé máy bay’

Việc xử lý như vậy từ cấp cao nhất của ngành có thể coi là khẩn trương, tích cực.

Kích cầu du lịch nội địa bằng chương trình “người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” thật ra là một biện pháp tốt, giúp phục hồi một phần du lịch nói riêng, kinh tế nói chung. Với các doanh nghiệp du lịch thì kích cầu du lịch nội địa không chỉ là biện pháp tự cứu mình mà còn là một trong những cách thể hiện trách nhiệm với quốc gia.

Trên thực tế, chính các doanh nghiệp là những người năng động, đi đầu trong phong trào khuyến khích “người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Cùng với đối tác ở Văn phòng Chính phủ, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đã xây dựng một chương trình bao gồm các chuỗi hoạt động công phu và tâm huyết.

Còn nhớ, tại hội nghị kích cầu du lịch nội địa tổ chức tại Sầm Sơn, Thanh Hóa hồi trung tuần tháng 5-2020, chính các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã gánh vác mọi chi phí. Thậm chí, một đoàn công tác của Tổng cục Du lịch còn được ban tổ chức đón vào trước một ngày để trải nghiệm lại hệ sinh thái du lịch. Đương nhiên, mọi chi phí đều do các doanh nghiệp bỏ ra đài thọ.

Có thể nói, khi mà các doanh nghiệp cần sự hiện diện của đại diện nhà nước, mà cụ thể ở đây là Tổng cục Du lịch và Bộ VH-TT&DL thì họ sẵn sàng chi trả các chi phí cần thiết. Như hội nghị ở Sầm Sơn, sự hiện diện của Bộ VH-TT&DL thực sự như một cam kết từ phía Nhà nước đối với ngành du lịch và cách chung là đối với sự phục hồi từng bước nền kinh tế quốc gia.

Ngay sau hội nghị ấy, lại chính các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tổ chức một hội nghị khác ở một khách sạn sang trọng bậc nhất Hà Nội. Đại diện Bộ VH-TT&DL lại được mời xuất hiện như một sự khích lệ. Tưởng đâu các kế hoạch phục hồi du lịch đang vào vận hành thì đùng một cái, công văn xin ba hãng hàng không tài trợ 400 vé máy bay cho các đoàn công tác của Tổng cục Du lịch lại phá hỏng nhiều nỗ lực.

Thực tế, cứ ngày lễ, tết… thì nhiều nơi cũng nhận được những công văn “xin” kiểu như vậy. Nhiều cơ quan cứ nhân danh công quyền, lòng trắc ẩn… để đi “xin” những khoản đóng góp từ phía người dân, doanh nghiệp. Từ chối thì không đành, mà đóng góp thì lại… có phần bất nhẫn.

Thật ra, cũng là bởi người dân và doanh nghiệp hiện nay không hẳn đã là giàu có. Với doanh nghiệp thì dường như đa số đã có những chương trình thể hiện trách nhiệm xã hội. Đối với các cơ quan nhà nước thì dường như ai cũng hiểu mọi hoạt động của họ đều được ngân sách bảo đảm. Mà nếu vậy thì những công văn “xin” như kiểu 400 vé máy bay chẳng hay tí nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm