Năm 2020: Tập trung sửa 7 nội dung lớn của Luật Đất đai

Ngày 27-12, Bộ TN&MT tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020. Hội nghị có sự tham dự và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Nhiều nhiệm vụ trọng tâm

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết trong năm 2019, ngành TN&MT đã đạt được một số kết quả nhất định như xây dựng, trình Chính phủ các nhiệm vụ lớn gồm: Kế hoạch tổng thể và kế hoạch năm năm thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW về phát triển bền vững kinh tế biển; chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030…

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng trình Chính phủ việc ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách tháo gỡ các vướng mắc, rào cản, góp phần khơi thông các nguồn lực tài nguyên; xây dựng hạ tầng thông tin địa lý, tích hợp, liên thông các dữ liệu TN&MT phục vụ cho chính phủ điện tử…

Đánh giá cao kết quả của ngành TN&MT, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng góp ý thêm: Năm 2020, Bộ TN&MT cần tập trung xử lý các nhiệm vụ trọng tâm đã được Chính phủ giao. Cụ thể, tập trung sửa đổi bảy nội dung lớn của Luật Đất đai gồm: Chính sách thuế đất đai; chính sách thu hồi đất; chính sách đất trồng lúa và an ninh lương thực; hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp; chính sách quản lý, sử dụng đất tôn giáo; đất có yếu tố nước ngoài.

Về lĩnh vực TN&MT, Bộ TN&MT cần tập trung xử lý ô nhiễm môi trường, rác thải sinh hoạt ở nông thôn; xử lý ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội… Bên cạnh đó, ngành TN&MT tập trung triển khai các nhiệm vụ khác như nghị quyết phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng quy định về việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án; tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục trong lĩnh vực TN&MT.

Liên quan đến việc sửa Luật Đất đai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị: “Bộ TN&MT tập trung sửa đổi một số điều đang gây cản trở cho quá trình phát triển hiện nay, gây thất thoát nguồn tài nguyên đất đai”. Ông cũng lưu ý trong sửa đổi Luật Đất đai cần quan tâm hơn đến vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của nông dân.

Năm 2020, Bộ TN&MT cần xử lý ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội. Ảnh: DUY HIỆU

Và nhiều khó khăn, thách thức

Tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng thừa nhận bên cạnh kết quả đã đạt được, ngành TN&MT đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. “Thứ nhất nhu cầu khai thác, sử dụng các nguồn lực tài nguyên ngày càng tăng, đòi hỏi giải pháp quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả, trong khi vẫn còn một số vướng mắc, xung đột trong các luật dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực thi. Tình trạng suy giảm, suy thoái các nguồn tài nguyên diễn ra ở nhiều nơi” - ông nói.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng cho hay hiện lượng phát thải, chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng; tỉ lệ tái sử dụng, tái chế còn thấp. Tình hình ô nhiễm không khí và rác thải nhựa sẽ vẫn tiếp tục là vấn đề nóng. Bên cạnh đó, các vụ việc ô nhiễm môi trường vẫn có thể tiếp tục phát sinh, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống dân sinh.

Ông Hà cũng nhấn mạnh đến tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường. Theo đó, tính thất thường, cực đoan của thời tiết, khí hậu sẽ còn tiếp tục gia tăng. Nguy cơ hạn hán, thiếu nước ngọt được dự báo sẽ xảy ra ngay trong những tháng đầu năm ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và các tỉnh phía Bắc, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Liên quan đến thách thức ngành TN&MT đang gặp phải, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ngành TN&MT cần đưa ra các giải pháp quyết liệt, khẩn trương hơn. Cụ thể, về ô nhiễm sông hồ, an ninh nguồn nước, Phó Thủ tướng lưu ý việc cung cấp cho người dân cũng bộc lộ nguy cơ mất an toàn. Đồng thời cần phải có giải pháp cấp bách để xử lý, ứng phó với sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt trên diện rộng.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng phải đổi mới quản trị tài nguyên nước theo hướng hiệu quả, tiết kiệm. Hiện Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước trung hạn và dài hạn do ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm sông, hồ chứa, ô nhiễm cả nước mặt, nước ngầm, nguy cơ xâm nhập mặn, khô hạn ở nhiều nơi…

Với nhiều sự cố về môi trường trong thời gian qua, Phó Thủ tướng đánh giá các giải pháp ứng phó còn chậm, bị động và lúng túng. Theo đó, ông yêu cầu Bộ TN&MT khẩn trương rà soát, sửa đổi, hoàn thiện quy trình, quy chế ứng phó với các sự cố một cách kịp thời, đảm bảo khắc phục nhanh chóng khi có sự cố xảy ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm