Năm 2019 được dự báo là năm nóng nhất trong lịch sử

Nhằm đưa ra thực trạng, sự tác động đến đời sống và những giải pháp giải quyết vấn đề “hòn đảo nhiệt độ đô thị”, Trung tâm Nghiên cứu vùng và đô thị tổ chức tọa đàm môi trường chủ đề "Đô thị nóng và hiện tượng đảo nhiệt", tại TP.HCM, chiều 8-7.

Theo Trung tâm Nghiên cứu vùng và đô thị, trong những năm gần đây thời tiết diễn biến bất thường và có xu thế ngày càng cực đoan hơn thể hiện qua những số liệu quan trắc.

Năm 2019 được dự báo là năm nóng nhất trong lịch sử kể từ khi nhiệt độ bắt đầu được quan trắc vào năm 1880. Đối với các thành phố, quá trình đô thị hóa tăng nhanh là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tính khắc nghiệt của thời tiết, đặc biệt trong những ngày hè. Trong đó, tại Hà Nội và TP.HCM thời gian gần đây đã có những ngày nắng nóng kỷ lục lên đến hơn 40, thậm chí gần 50 độ C, tạo nên hiện tượng hòn đảo nhiệt độ đô thị, hay còn gọi là đảo nhiệt.

Theo Tiến sỹ Dương Thị Thúy Nga, Trưởng bộ môn Tin học môi trường, Khoa Môi trường, Trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia TP.HCM, hiện tượng hòn đảo nhiệt độ đô thị, hay còn gọi là đảo nhiệt là khu vực có nhiệt độ cao hơn các khu vực xung quanh. Thời gian qua, đặc biệt là trong tháng 3-2019, tại TP.HCM có một số khu vực trung tâm nhiều bê tông hóa có nhiệt độ lên đến 50 độ C, cao hơn hẳn nhiệt độ khu vực xung quanh, trở thành đảo nhiệt. Đảo nhiệt tác động tiêu cực đến đời sống người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, du lịch, y tế cũng như các dịch vụ công cộng.

Nguyên nhân của tình trạng đảo nhiệt tại TP.HCM là sự tăng trưởng về kinh tế mạnh mẽ, lượng người nhập cư vào thành phố ngày càng tăng, kéo theo chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất nông nghiệp, đất sản xuất, mảng xanh được chuyển sang đất thổ cư để phục vụ nơi ở và nơi làm việc cho người dân. Các khu vực trung tâm thành phố, nơi có mức độ đô thị hóa cao luôn có nhiệt độ cao hơn các khu vực ngoại ô, nông thôn do sự chênh lệch về chỉ số lớp phủ thực vật.

Các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ vấn đề đảo nhiệt độ đô thị tại tọa
đàm.

Theo Tiến sỹ Dương Thị Thúy Nga, một trong những giải pháp đối với vấn đề đảo nhiệt là xây dựng hệ thống giám sát nhiệt độ bề mặt, tích hợp quản lý dữ liệu, phân tích thông tin nhiệt độ đô thị tại thành phố. Các cơ quan chức năng và cả người dân có thể theo dõi, giám sát sự thay đổi nhiệt độ bề mặt toàn thành phố một cách trực quan, mọi lúc, mọi nơi, từ đó đưa ra những quyết định kịp thời nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng của rủi ro môi trường do biến đổi khí hậu gây ra, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường sống.

Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện tại các quốc gia, Thạc sỹ Phạm Trần Hải, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết: Trên thế giới, nhiều quốc gia, thành phố chú trọng thực hiện giải pháp đối với hiện tượng đảo nhiệt đô thị, trong đó, Singapore thực hiện xây dựng thành phố trong vườn, hướng đến thành phố thiên nhiên, thực hiện bằng giải pháp tăng cường công viên và không gian mở, tăng cường cây xanh dọc các tuyến cao tốc, đồng thời tăng cường cây xanh đường phố, giảm bề mặt bê tông giúp giảm nhiệt đô thị.

Cũng theo ông Hải, mô hình mái nhà xanh là một trong những mô hình có tiềm năng thực hiện hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm