Trăm mối lo của người thu gom rác

Ngày 5-6, tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối doanh nghiệp TP và Đảng ủy Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP phối hợp tổ chức hội nghị chuyên đề thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước” - tiếng nói của những người trong cuộc.

Nhiều người còn thiếu ý thức

Hội nghị được tổ chức nhằm báo cáo sơ kết tình hình và kết quả triển khai Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp TP. Tại đây, các đơn vị và công nhân - những người trực tiếp làm công tác vệ sinh môi trường đã tham gia đóng góp, hiến kế, đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh việc kêu gọi người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch.

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, nhiều công nhân thu gom rác, công nhân vệ sinh, thoát nước… cho biết để TP trở nên xanh, sạch hơn thì cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhiều cơ quan, đơn vị và nhất là sự đồng lòng của người dân.

Trên thực tế, không ít công nhân thực hiện việc thu gom, vận chuyển rác đã gặp những khó khăn trong thời gian thực hiện nhiệm vụ. Bởi nhiều người dân còn thiếu ý thức, xả rác bừa bãi, có người còn đe dọa công nhân thu gom rác.

Anh Huy, công nhân thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, cho biết: Hiện nay vẫn còn không ít người dân câu cá trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè làm cản trở việc di chuyển tàu ghe của anh em công nhân vớt rác trên kênh, nhiều người còn đe dọa anh em khi được nhắc nhở.

“Để thực hiện Chỉ thị 19, anh em công nhân chúng tôi luôn thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo dòng kênh luôn sạch. Tuy nhiên, để làm được việc này, tôi xin kiến nghị nên có kế hoạch tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân. Từ đó, công việc của những công nhân vớt rác, công nhân làm việc vệ sinh được hoàn thành tốt hơn. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường (BVMT)” - anh Huy nói.

Chị Trần Thị Ánh Xuân, công nhân thu gom rác thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1, cho hay hiện có rất nhiều người dân chưa có ý thức, nhiều người ăn uống xong rồi để rác tại chỗ, có người quăng rác vào gốc cây hoặc vứt xuống đường mà không bỏ rác vào thùng. Không ít cơ quan, nhà hàng bỏ rác không đúng nơi quy định, cứ có rác khi nào là mang ra ngoài khi đó.

“Theo tôi, ban đầu chúng ta nên tuyên truyền vận động, sau đó cần có biện pháp mạnh hơn là xử phạt, có như thế người dân mới có ý thức. Nhiều người ăn uống xong bỏ rác ngay gốc cây hoặc xuống đường, chúng tôi có đến nhắc nhở nhưng nhiều người còn nói lại: “Tụi tao không quăng rác, vậy thì việc đâu tụi bay làm”. Mặc dù có thùng rác ngay đó mà không chịu bỏ vô” - chị Xuân tâm tư.

Công nhân Công ty Môi trường đô thị vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: N.CHÂU

Nhiều giải pháp để thành phố xanh, sạch

Tại hội nghị, ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, cho biết thời gian qua công ty đã triển khai và tổ chức thực hiện Chỉ thị 19 nhằm góp phần tích cực cùng TP thực hiện cuộc vận động này.

Cụ thể, công ty đã chỉ đạo các cấp, đoàn thể tổ chức tuyên truyền vận động cán bộ, người lao động… không xả rác ra đường và kênh rạch. Lãnh đạo công ty đã đưa nội dung cuộc vận động vào chương trình thi đua của cá nhân, tập thể và lấy kết quả thực hiện làm cơ sở để xét thi đua hằng năm.

Công ty cũng đã trao tặng hơn 3.000 thùng rác cho hộ dân và lắp đặt thùng rác tại khu vực công cộng; tổ chức 30 đợt hướng dẫn, tuyên truyền phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đồng thời, công ty thường xuyên tổ chức cho công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm đảm bảo vệ sinh môi trường.

Để góp phần thực hiện thành công Chỉ thị 19, nâng cao hiệu quả trong công tác BVMT, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể như:

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền hướng dẫn nhằm nâng cao ý thức người dân trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý, đổi mới, đầu tư đồng bộ phương tiện, thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động, góp phần BVMT.

Bên cạnh đó, công ty đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý các chủ nguồn thải, đảm bảo chất thải rắn phát sinh trong quá trình hoạt động phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy định.

Công ty cũng bổ sung quy trình, định mức, đơn giá để những đơn vị quét, thu gom rác có thể tăng tần suất quét, thu gom tại các tuyến đường, kênh rạch trên địa bàn ít nhất hai lần/ngày. Đồng thời, công ty trả chi phí cho hoạt động thu gom rác tại các điểm hẹn, vận hành trạm trung chuyển.

Ngoài ra, phía công ty còn đề xuất tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm Nghị định 155/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT.

Sẽ có chủ trương giải quyết sớm

Tại hội nghị, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP Nguyễn Văn Lưu cho biết: "Những ý kiến được trình bày trong hội nghị, chúng tôi sẽ lắng nghe, tập hợp và báo cáo đầy đủ với Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TP để có chủ trương giải quyết sớm".

“Qua những lời chia sẻ của anh em, có thể thấy sự hy sinh thầm lặng, công lao động của công nhân vệ sinh môi trường phải được tôn vinh. Những thái độ thờ ơ, xem thường người thu gom rác của người dân cần phải lên án. Chúng tôi rất thông cảm và chia sẻ những khó khăn về đời sống của công nhân vệ sinh môi trường như điều kiện sống, tiền lương…” - ông Lưu nói.

Ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN&MT TP.HCM), cho biết: Sở TN&MT TP.HCM đã có kiến nghị áp dụng hình thức phạt nguội đối với người vứt rác nơi công cộng bằng hình ảnh trích xuất từ camera quan sát. Đồng thời, sở kiến nghị Thành ủy chấp thuận chủ trương về cơ chế để tăng cường nhân sự của phường, xã trong lĩnh vực BVMT.

“Một nhân sự chỉ để làm môi trường không cũng làm không xuể, nên cần phải có thêm nhân sự cho lĩnh vực này” - ông Tuấn Anh nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm